“Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng | |
Dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục 51,5 tỷ USD | |
Tăng trưởng bứt tốc và dấu ấn Chính phủ kiến tạo |
Dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục 51,5 tỷ USD
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị trực tuyến với các địa phương thảo luận về những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 đã diễn ra ngày 28/12/2017, tại Hà Nội. Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Nhìn lại năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Từ đầu năm, nhiều động lực tăng trưởng chính như khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu gặp khó khăn, kinh tế vĩ mô chịu nhiều áp lực về lạm phát, nợ xấu. Nguy cơ giảm sút đầu tư nước ngoài khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua. Lúc bấy giờ, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên điều chỉnh lại chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực đến nay các chỉ tiêu kinh tế đều đạt, vượt kế hoạch. Tăng trưởng GDP đạt 6,81% - mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua.
Báo cáo về kết quả tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết, việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chính phủ đã chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Giá tiêu dùng bình quân tăng 3,53%, lạm phát cơ bản tăng 1,41%. Tín dụng tăng khoảng 19%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ USD.
Kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước được tăng cường; quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi; tổng thu ngân sách Nhà nước tăng trên 2,3% so với dự toán và tăng trên 13% so với năm 2016; bội chi 3,42% GDP (Quốc hội thông qua là 3,5% GDP). Từng bước chấn chỉnh sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm.
Khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp
Lãnh đạo các địa phương cũng đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ đưa ra từ đầu năm là đúng hướng đã giúp nhiều địa phương đạt được kết quả kinh tế - xã hội khả quan, đóng góp chung vào kết quả của cả nước.
Đơn cử như Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, các cân đối lớn được đảm bảo. Hà Nội hoàn thành tất cả 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,3% - cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Xuất khẩu đạt 11,8 tỷ USD, tăng 10,3%; Giá trị gia tăng dịch vụ tăng 8,7%; khách du lịch đạt 23,8 triệu lượt (tăng 9%), trong đó: khách quốc tế 4,95 triệu lượt (tăng 23%), tổng thu từ khách du lịch tăng 15%.
Còn ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thì cho biết: Qua nắm bắt tại địa phương cho thấy người dân rất tin tưởng vào các giải pháp chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Quảng Ninh thống nhất với nhóm nhiệm vụ giải pháp của Chính phủ đặt ra trong năm 2018.
Các tổ chức tín dụng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên |
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trình bày dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Nhiệm vụ cụ thể là điều hành đồng bộ các chính sách vĩ mô, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng với chính sách tài khóa chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương và các chính sách khác; phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%.
Cũng theo dự thảo Nghị quyết, năm 2018 sẽ tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến lạm phát và thị trường tiền tệ; phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô; ổn định và phát triển thị trường ngoại tệ, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Dự thảo Nghị quyết đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, trong đó nhấn mạnh đến nhiệm vụ tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Về tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cân đối vốn, ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay: đến ngày 30/11/2017, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 13,09%, huy động vốn tăng 13,85% so với cuối năm 2016, thanh khoản đồng VND của hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo. Kết quả, các tổ chức tín dụng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của Ngân hàng Nhà nước (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm); giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung, dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm; triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung, dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội; áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm. Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,3-5,4%/năm; 5,3-6,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,5-7,3%/năm. Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9-11%/năm, đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có mức tín nhiệm cao lãi suất cho vay ngắn hạn được các tổ chức tín dụng cho vay chỉ trong khoảng 4-5%/năm. (Theo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020) |