Tăng trưởng bứt tốc và dấu ấn Chính phủ kiến tạo
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương 'chốt' nhiệm vụ 2018 | |
Tăng trưởng vượt mục tiêu | |
Kinh tế 2018: Vững tin bước tới |
Vượt qua tất cả các chỉ tiêu và dự báo trước đó, nền kinh tế đã bứt tốc vượt bậc trong quý IV với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,65%, đưa GDP năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra là 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm 2011-2016. Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2017 chiều ngày 27/12, Tổng cục Thống kê nhận định đây là điểm sáng và cũng là kỳ tích của nền kinh tế trong năm vừa qua.
Nhiều kỷ lục của nền kinh tế đã được thiết lập trong năm 2017 |
Kỳ tích tăng trưởng 2017
Đóng góp vào mức tăng kỷ lục này là nhờ cả 3 khu vực trụ cột của nền kinh tế đều có mức tăng trưởng vượt bậc; nổi bật lên là công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu có bước đột phá, kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu vượt mốc 400 tỷ USD, chuyển đổi cơ cấu nông, lâm nghiệp, thuỷ sản bước đầu có hiệu quả.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,54% do sản xuất năm qua có nhiều khởi sắc so với năm 2016, trong khi ngành nông nghiệp cũng tăng tới 2,07% (năm 2016 chỉ tăng 0,72%). Điều này cho thấy dấu hiệu phục hồi của ngành nông nghiệp sau những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2016, xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,85%, cao hơn mức tăng 7,06% của năm 2016. Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 14,4%, là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đã đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung. Mặc dù ngành khai khoáng giảm 7,1%, là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây, chủ yếu do sản lượng khai thác dầu thô và than giảm, song đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế thực hiện tái cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững hơn. Cũng trong khu vực này, ngành xây dựng duy trì tăng trưởng khá với tốc độ 8,7%.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung cũng rất ấn tượng. Cụ thể, bán buôn và bán lẻ đạt mức tăng 8,36% so với năm trước, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng chung; dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức tăng trưởng khá cao 8,98% so với mức tăng 6,7% của năm 2016; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,14%, mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,07%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.
Ông Nguyễn Bích Lâm nhận định, bức tranh chung về tình hình kinh tế năm 2017 cho thấy tăng trưởng đang dần chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở sự cải thiện đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), giảm dần phụ thuộc vào vốn và lao động. Các nhân tố tạo nên tăng trưởng cũng cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đang từng bước phát triển vượt lên, khẳng định vai trò trụ cột trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần khẳng định rằng tăng trưởng bứt tốc và đạt kết quả ngoài dự báo là nhờ các giải pháp kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện. Qua đó đã bước đầu xây dựng thành công mô hình Nhà nước kiến tạo, thể hiện ở việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, rộng đường cho tăng trưởng.
Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả này được phản ánh rõ nét trên một số chỉ tiêu quan trọng. Đó là số DN đăng ký thành lập mới đạt kỷ lục trên 126.000 DN, với tổng vốn đăng ký 1,29 triệu tỷ đồng, tăng 15,2% về số lượng và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016; vốn nước ngoài đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt gần 36 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong khi vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; khách quốc tế đến Việt Nam trong năm vừa qua cũng lập kỷ lục mới với 12,9 triệu lượt; các bộ ngành đã nỗ lực tìm kiếm và mở rộng nhiều thị trường xuất khẩu mới cho các sản phẩm sản xuất trong nước… “Những kết quả đã đạt được cho thấy năm 2017 là điểm sáng, kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lâm khẳng định.
Thách thức nào trong năm bản lề 2018?!
Ông Dương Ngọc Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia khẳng định, đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2017 sẽ tạo lực đẩy cho tất cả các động cơ của nền kinh tế trong năm 2018. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng trong năm tới đặt ra ở mức 6,5-6,7% là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên mức này cũng là thách thức, nhất là trong bối cảnh thế giới có những thay đổi về địa chính trị, chính sách thương mại; tình hình biến đổi khí hậu; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong khi đó, kinh tế trong nước vẫn còn những tồn tại do quá trình cơ cấu lại nền kinh tế chậm; năng lực cạnh tranh còn hạn chế; giải ngân vốn đầu tư công chậm; thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân…
Năm 2018 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề quyết định việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Do đó, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh… Chính phủ và các bộ, ngành cần xác định việc tạo lập và thực thi chính sách nâng cao năng suất lao động là trọng tâm, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững. Đồng thời nghiên cứu thấu đáo nội hàm, phương thức vận hành của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ đó đề xuất thực hiện các giải pháp cụ thể.
Trước mắt, để hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đã được Quốc hội thông qua, Tổng cục Thống kê khuyến nghị cần tập trung vào những giải pháp chủ yếu. Trước hết, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; tăng trưởng tín dụng hợp lý, trong đó tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên.
Cùng với đó là tăng cường kỷ luật tài chính, thực hiện nghiêm các luật thuế, phí và lệ phí; chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại và nợ đọng thuế; giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách Nhà nước, triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên. Triển khai nhanh công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công; có giải pháp khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm tới.
Để kích thích sản xuất, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp chế biến sâu, phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sản xuất nguyên liệu đầu vào cung cấp cho các DN FDI và gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Với chính sách cho thị trường nội địa, cần khuyến khích nhu cầu tiêu dùng trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, góp phần duy trì tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu.
Cuối cùng, chủ động bám sát diễn biến thời tiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá linh hoạt, hiệu quả, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn mục tiêu đặt ra, đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm giữ cho tỷ giá không có biến động lớn. Các tổ chức quốc tế đánh giá VND là đồng tiền giữ được giá trị và ổn định nhất khu vực, dự trữ ngoại hối ở mức cao kỷ lục, về đích trước 3 năm. Đây là điểm sáng của nền kinh tế nói chung và điều hành chính sách của NHNN nói riêng trong năm vừa qua. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê |