Kỷ luật ngân sách: Bao giờ đi vào chuẩn mực?
Tăng bội chi là cho đầu tư phát triển
Năm 2013, Nghị quyết số 32/2012/QH13 của Quốc hội quyết định mức bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) là 162.000 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP. Sau đó, Quốc hội điều chỉnh lên 195.500 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP, theo Nghị quyết số 54/2013/QH13. Nhưng khi quyết toán, số bội chi là 236.769 tỷ đồng, vượt 41.269 tỷ đồng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh, bằng 6,6% GDP thực tế.
Giải trình về mức chi vượt thu lớn nêu trên, Chính phủ cho rằng, đó là do tăng chi từ nguồn vốn ODA 29.422 tỷ đồng và tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng 13.190 tỷ đồng phát sinh năm 2011. Theo quy định, các khoản chi trên phải đưa vào hạch toán và tăng mức bội chi ngân sách tương ứng…
Mức chi tăng vì ODA và trả nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng |
Việc tăng bội chi so với mức báo cáo Quốc hội, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, thể hiện việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho rằng, việc tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế để bảo đảm tính trung thực, minh bạch của quyết toán NSNN là hợp lý. Bên cạnh đó, việc tăng chi ODA do giải ngân tăng nhanh là một kết quả tích cực, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế…
Thực tế, số tăng chi vốn ODA được giải trình chủ yếu cho đầu tư (28.682 tỷ đồng), gồm đầu tư các dự án cần đẩy nhanh tiến độ nên giải ngân cao hơn dự kiến, như: Dự án Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Cầu Nhật Tân, Đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông… và có 5.773 tỷ đồng giải ngân từ năm trước, sang năm 2013 đủ thủ tục ghi thu ghi chi vào NSNN theo quy định. Số tăng chi đầu tư nêu trên chủ yếu cho lĩnh vực giao thông, nông và lâm nghiệp…
Để bù đắp, Chính phủ đã vay trong nước 180.347 tỷ đồng, vay ngoài nước 56.422 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2013, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 42,6%, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 37,3%, nợ công bằng 54,5% và vẫn trong giới hạn theo quy định của Quốc hội.
Song theo ông Hiển, Chính phủ chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa phù hợp với Khoản 2, Điều 49 của Luật NSNN. Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho rằng, đây là số đã phát sinh, do vậy đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán số tiền này.
Kỷ luật ngân sách vẫn cần đảm bảo
Song từ dữ liệu nêu trên cũng có ý kiến lập luận rằng, Nghị quyết giảm dần bội chi, khống chế năm 2015 là 4,5%, giảm dần đến năm 2020 sẽ cố gắng cân bằng thu chi mà Quốc hội đặt ra là khó có thể thực hiện được. “Đó là mục tiêu đặt ra từ đầu nhiệm kỳ, nhưng các năm gần đây đã không thực hiện được điều này. Từ đó thấy rằng, giữa chiến lược xây dựng của chúng ta và thực tế còn cách xa nhau, kỷ luật tài chính chưa nghiêm”, ông Hiển thừa nhận.
Theo nhiều chuyên gia, năm 2014 khả năng bội chi NSNN vẫn giữ nguyên điệp khúc gia tăng, lên mức khoảng 5,69%. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Theo ông Hiển, vẫn giống năm 2013, là do tăng chi ODA vì nguồn vốn này được giải ngân nhanh và việc tăng chi cho đầu tư phát triển là có thể chấp nhận được. Nhưng, điều quan trọng là Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy sẽ đúng với tinh thần Hiến pháp và đảm bảo mọi khoản chi phải có dự toán.
Để đảm bảo tuân thủ kỷ luật tài chính, ông Hiển cho rằng trước hết thu chi NSNN phải được căn cứ quy định pháp luật. Tức là tính pháp lý để quản lý thu chi phải rõ ràng, minh bạch. Bên cạnh đó là tăng cường công khai, minh bạch trong thu chi, từ lúc xây dựng dự toán cho đến lúc quyết toán đều phải được kiểm soát một cách chặt chẽ. Ngoài ra, tất cả các sai phạm phải được xử lý nghiêm, công khai và minh bạch trước dư luận để tạo tính răn đe...