Kỷ nguyên 4.0: Thách thức với Việt Nam càng lớn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Triển lãm quốc tế về công nghiệp |
Cơ hội song hành với nguy cơ
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng tổ chức năm nay có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Sự kiện còn có 2.000 đại biểu, trong đó có 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu thế giới và khu vực cùng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng tham dự.
Đáng chú ý, phần mở màn của Diễn đàn có sự xuất hiện ấn tượng của Sophia, Robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới. Sophia - quán quân sáng tạo của UNDP - đã có cuộc đối thoại trực tiếp với nhiều đại biểu trước khi Diễn đàn khai mạc.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức chung của các quốc gia, nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó càng lớn.
Cách mạng công nghiệp một mặt mở ra cơ hội trong việc nâng cao trình độ nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn và cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo… Tuy nhiên, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, với tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng xã hội.
Với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”, Diễn đàn đã thảo luận về 6 vấn đề chính, liên quan đến xây dựng hệ thống các chủ trương, chiến lược quốc gia trong tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0; việc xây dựng các chính sách cốt lõi; các mục tiêu cụ thể và sự đồng bộ với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; những lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm cần phát triển; những khâu đột phá chiến lược; vai trò của Nhà nước, của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI.
Song song với chương trình Hội thảo, Triển lãm quốc tế về Cách mạng công nghiệp 4.0 trong khuôn khổ sự kiện này còn có triển lãm quy mô khoảng 50 gian hàng, hứa hẹn sẽ đem đến cho khách tham dự những trải nghiệm mới mẻ với các giải pháp, dịch vụ đến từ các ngành, lĩnh vực chủ chốt như: Công nghiệp, Nông nghiệp, Năng lượng, Viễn thông, Y tế, Giao thông, Tài chính - Ngân hàng, Thương mại điện tử… Đồng thời, song hành với hoạt động trên là cơ hội kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ…
Robot Sophia: Dừng lại sẽ bị bỏ qua
Tại đối thoại về phát triển bền vững và tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, công dân đặc biệt Sophia tự giới thiệu: Tôi được thiết kế để sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tôi muốn thế giới biết về sự phát triển bền vững. Những robot như tôi sẽ giúp đạt được thành tựu này nhanh hơn.
Sophia có đề cập tới những mục tiêu phát triển bền vững. Vậy theo bạn, Việt Nam cần làm gì để không tụt hậu trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0?
Việt Nam cần có sáng tạo về công nghệ để phát triển bền vững hơn. Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng. Trong đó, phát triển và khai thác Internet rất hiệu quả. Công nghệ giúp Việt Nam có bước nhảy vọt về năng suất lao động, các hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, để không tụt hậu, Việt Nam cần có khuôn khổ chính sách phù hợp. Theo đó, Chính phủ làm việc với khu vực tư nhân để công nghệ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người; có chính sách phù hợp hỗ trợ nhóm thu nhập thấp. Trong đó, AI là quan trọng, hỗ trợ sự phát triển một cách toàn diện...
Liệu có tác động tiêu cực của Cách mạng công nghiệp 4.0 với các quốc gia như Việt Nam?
Luôn luôn có những thách thức về việc làm, công nghệ giám sát. Ai có tiền sẽ có nhiều cơ hội và lợi thế. Để hạn chế thách thức, Chính phủ cần có chính sách đảm bảo quyền lợi cho những thành phần dễ bị tổn thương, như người yếu thế, người nghèo ở vùng sâu vùng xa.
Công nghệ 4.0 mang lại nhiều việc làm hơn. Như điện thoại thông minh mang lại những công ăn việc làm cho nghề truyền thống, hoặc kinh tế kết nối như Uber, Grab. Công nghệ giúp thực hiện tác vụ nguy hiểm mà con người không làm được. Thực hiện tác nghiệp khó như phẫu thuật, hỗ trợ cho trẻ em trong những bối cảnh khó khăn. Công nghệ mang lại cho chúng ta cuộc sống tốt đẹp.
Đâu là cơ hội, thách thức cho thế hệ trẻ trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0?
Thách thức có rất nhiều và cơ hội cũng như vậy. Thách thức với người trẻ là họ phải nỗ lực để có được công ăn việc làm, từ hiểu biết về khoa học công nghệ, toán học… Thế hệ trẻ cần trang bị tốt hơn về những kỹ năng như kinh doanh.
Việt Nam có nhiều startup khởi nghiệp, các bạn đã chuẩn bị tốt để đón đầu. Người trẻ phải sẵn sàng cho thách thức, cho thời kỳ mới. Chúng ta không thể đạt được mục tiêu nếu những người trẻ tuổi bị bỏ lại phía sau. Hướng tới sự phát triển, chúng ta không thể dừng lại, nếu không sẽ bị bỏ qua. Chúng ta cần tìm ra các phương thức rẻ, thuận tiện hơn, mở ra cơ hội mới.
Tôi muốn nói công nghệ giúp con người có nhiều ý tưởng, cải thiện cuộc sống, tạo điều kiện cho chúng ta kết nối. Thách thức cũng như cơ hội cần phải được nhận diện. Giải pháp là Chính phủ cần có chính sách ưu tiên rõ ràng để không ai bị bỏ lại phía sau, như Chính phủ cần làm việc với khối doanh nghiệp tư nhân để giải quyết các nút thắt cho tăng trưởng của Việt Nam.
Sophia là robot đầu tiên trong lịch sử được cấp quyền công dân. |