Tinh gọn bộ máy - nhiệm vụ không thể trì hoãn
Tinh gọn bộ máy để bước vào kỷ nguyên mới Hợp nhất 2 Bộ để tạo đột phá trong chuyển đổi số Thủ tướng: Hoàn thiện thêm một bước đề án về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ |
Tinh gọn bộ máy đang là nhiệm vụ cấp bách không thể trì hoãn |
Khó mấy... cũng phải làm
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn gần đây, hàng trăm đơn vị hành chính cấp xã và hàng chục cơ quan cấp sở đã được sáp nhập, hợp nhất. Riêng giai đoạn 2019-2021, chúng ta đã thực hiện sáp nhập 21 đơn vị cấp huyện thuộc 8 tỉnh, thành phố (giảm 8 đơn vị cấp huyện) và sáp nhập 1.056 đơn vị cấp xã thuộc 45 tỉnh, thành phố (giảm 561 đơn vị cấp xã).
Dù đã đạt nhiều bước tiến trong tinh gọn bộ máy, song PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, bộ máy hành chính hiện tại vẫn còn nhiều bất cập như chồng chéo chức năng, cơ cấu cồng kềnh và hiệu suất chưa đạt kỳ vọng.
“Những điều này không chỉ làm gia tăng chi phí vận hành mà còn ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng, sự trì hoãn cải cách sẽ khiến Việt Nam đối mặt với nguy cơ tụt hậu, khó cạnh tranh với các quốc gia khác”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 31/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, từ Đại hội XII, nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn. Hiện nay, chúng ta mới làm từ dưới lên như xã, huyện, còn việc sáp nhập tỉnh thì chưa làm tới. Chúng ta mới thực hiện việc sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành, còn Trung ương thì chưa làm. Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ thì tỉnh không có sở, huyện không có phòng. Không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được.
Đặt vấn đề hiện nay đã là thời điểm, thời cơ, là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, không thể chậm trễ hơn được nữa. Thậm chí, đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước.
Tinh thần này được thể hiện ngay trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư thời gian qua với các từ khóa nổi bật là “cách mạng”, “quyết liệt”, “khẩn trương”, “quyết tâm cao”, “cấp thiết”, “mạnh mẽ”, “làm nhanh”, “nỗ lực phi thường”, “cố gắng vượt bậc”… Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng nhiều lần nhấn mạnh đến phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu”. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, mọi việc diễn ra rất khẩn trương, kể từ khi “cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức nhà nước” được phát động đến khi đề án sắp xếp lại bộ máy phải được hoàn thành.
Vui mừng trước “cuộc cách mạng” sắp tới, PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính khẳng định, việc tinh gọn bộ máy mở rộng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo đó, tinh gọn bộ máy không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng chồng chéo chức năng mà còn nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành. Điều này vừa tiết kiệm ngân sách, vừa tăng tính minh bạch và hiệu quả, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư. Một bộ máy vận hành gọn nhẹ nhưng hiệu quả sẽ giảm bớt gánh nặng hành chính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư.
Bên cạnh đó, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực công cũng là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhờ giảm áp lực lên ngân sách, nguồn lực được tập trung đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như hạ tầng, giáo dục và công nghệ. Một môi trường kinh doanh ít rào cản hành chính và chi phí lãng phí sẽ giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong việc thu hút dòng vốn FDI so với các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, một bộ máy vận hành hiệu quả cũng giúp Chính phủ tập trung vào các mục tiêu dài hạn, như phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng hiện đại và thúc đẩy chuyển đổi số.
Xây dựng lộ trình hợp lý, minh bạch và hiệu quả
Tương lai tương sáng là vậy, song theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ đầy thách thức, bởi không chỉ liên quan đến cơ cấu tổ chức mà còn tác động đến con người, tâm lý và lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, đợt sắp xếp lần này gặp khó khăn chính là tâm lý ngại thay đổi. Một số cá nhân, tổ chức lo ngại mất vị trí, quyền lợi, hoặc cảm giác bất an trước thay đổi lớn. Sáp nhập, giải thể có thể dẫn đến dư thừa cán bộ, khó khăn trong xử lý nhân sự. Nếu không thực hiện khoa học, tái cơ cấu dễ bỏ sót nhiệm vụ hoặc giảm hiệu quả. Quá trình không đồng bộ có thể gây bất bình hoặc gián đoạn dịch vụ công; chưa đồng bộ công nghệ hiện đại, đặc biệt ở các địa phương, làm giảm hiệu quả vận hành.
“Tinh gọn bộ máy không chỉ là giảm biên chế mà cần đảm bảo công việc hiệu quả hơn thông qua chiến lược toàn diện, tập trung vào con người, quy trình và công nghệ”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm.
Do vậy, để thực hiện thành công “cuộc cách mạng” này, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần tập trung vào một số yếu tố cốt lõi. Trước hết là sự quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất. Khi lãnh đạo dám đối diện với thách thức, không ngại thay đổi, thì đó sẽ là động lực lớn nhất để thúc đẩy cải cách. Bên cạnh đó, việc xây dựng một kế hoạch rõ ràng, có lộ trình cụ thể và dựa trên nghiên cứu khoa học là điều không thể thiếu.
Thứ hai, yếu tố nhân sự đóng vai trò quyết định. Đào tạo, chuyển đổi năng lực cho cán bộ để họ thích ứng với cơ cấu mới là một nhiệm vụ quan trọng. Không thể chỉ sáp nhập hay tinh gọn trên danh nghĩa mà bỏ qua vấn đề con người - lực lượng thực thi chính sách. Bên cạnh đó, sự đồng thuận từ xã hội là điều không thể thiếu.
“Tôi nghĩ, bất kỳ cuộc cải cách nào cũng cần sự ủng hộ của người dân, bởi đây là đối tượng hưởng lợi cuối cùng từ một bộ máy hành chính hiệu quả”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn lưu ý và thêm rằng, để làm được điều đó, cần minh bạch hóa thông tin, truyền thông hiệu quả và giải quyết các lo ngại phát sinh.
Cuối cùng, sự thận trọng nhưng quyết liệt trong thực hiện là yếu tố then chốt. Đây là một quá trình phức tạp và dài hạn, cần thử nghiệm, điều chỉnh linh hoạt nhưng không để mất đi mục tiêu lớn.
Cùng chung nhận định này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, lộ trình sắp xếp, tinh giảm bộ máy cần khoa học, minh bạch và tập trung vào ba trụ cột về tư duy chiến lược, đánh giá thực trạng và tái cơ cấu có hệ thống. Theo đó, lãnh đạo cần quyết tâm cao, chỉ đạo sát sao để vượt qua lực cản từ lợi ích cục bộ và tâm lý ngại thay đổi; rà soát kỹ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan để xác định chồng chéo, kém hiệu quả, làm cơ sở cho việc tái cơ cấu hoặc sáp nhập; sáp nhập các lĩnh vực tương đồng để tăng tính liên kết, giảm cấp trung gian, và đơn giản hóa quy trình làm việc, đảm bảo bộ máy nhanh, linh hoạt; công khai lộ trình, giải thích rõ mục tiêu để tạo sự đồng thuận, đồng thời hỗ trợ cán bộ bị ảnh hưởng bằng chính sách hợp lý; đồng thời, chia lộ trình thành từng giai đoạn, thí điểm trước khi nhân rộng và giám sát chặt chẽ để đảm bảo không chậm trễ hoặc sai lệch.
“Tôi tin rằng, với tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo sáng suốt, Việt Nam hoàn toàn có thể biến cuộc cách mạng này thành hiện thực, mở ra một chương mới cho quản trị quốc gia”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn khẳng định.