Lạm phát gia tăng nhưng không quá quan ngại
Chính phủ thống nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 tối thiểu 6,7% | |
Vẫn là nỗi lo phụ thuộc FDI | |
IMF dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,6% trong năm 2018 và 6,5% trong năm 2019 |
Tăng trưởng GDP có thể đạt 6,8%
Gần đây, hàng loạt các tổ chức trong nước và quốc tế trong các báo cáo của mình đã thể hiện góc nhìn tích cực hơn về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay. Dù con số dự báo cụ thể có khác nhau nhưng đều điều chỉnh nâng lên so với chính các dự báo của họ trước đó.
Standard Chartered vừa công bố báo cáo “Tâm điểm toàn cầu quý II”, trong đó nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018 nhờ sự hỗ trợ của hoạt động sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực hàng điện tử. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực sản xuất công nghiệp, khu vực dịch vụ và nông nghiệp tiếp tục đà phục hồi, Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt 6,8%, có thể nhích nhẹ lên 6,9% trong năm 2019. Lĩnh vực sản xuất điện tử sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, khi nhu cầu toàn cầu cho mặt hàng này vẫn duy trì ở mức cao và dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam.
“Xuất khẩu hàng điện tử sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018 nhờ nhu cầu lớn đối với các linh kiện, đặc biệt là linh kiện dùng trong màn hình di động”, báo cáo này nhận định. Xuất khẩu hàng điện tử hiện chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu và riêng trong 2 tháng đầu năm 2018 đã tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với lợi thế dân số trẻ và được giáo dục tốt, lực lượng lao động ngày càng dồi dào, chi phí thấp, sự gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc cũng như tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại khu vực sẽ là những yếu tố tiếp tục giúp Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI trong trung hạn. Ngay trong năm nay, Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ thu hút được khoảng 15 tỷ USD vốn FDI trong năm 2018 (cả vốn đăng ký và thực hiện) và tỷ trọng cao nhất vẫn là vào lĩnh vực sản xuất.
Bên cạnh đó, với sự gia tăng về số lượng việc làm được tạo ra trong lĩnh vực sản xuất, chi phí tiền lương đã tăng mạnh và điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực bán lẻ - lĩnh vực ghi nhận sự tăng trưởng tốt từ nửa cuối năm ngoái. Du lịch cũng lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2017 và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ổn định, qua đó sẽ góp phần thúc đẩy doanh thu bán lẻ trong nước.
Lạm phát có thể vượt nhẹ mục tiêu đề ra
Các chuyên gia Standard Chartered dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, có thể đạt mức tăng trung bình 4,5% so với mức 3,5% năm ngoái. “Lạm phát chung dự báo sẽ tăng nhẹ vào nửa đầu năm 2018, có thể đạt đỉnh ở mức 5,5% vào tháng 7 (so với cùng kỳ năm ngoái), trước khi chậm lại vào nửa cuối năm”, báo cáo nhận định. Hoạt động kinh tế trong nước sôi động hơn, trong khi giá nhiên liệu tăng và mức lạm phát thấp khi bước vào năm 2018 sẽ là những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát gia tăng trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, lạm phát dù dự báo gia tăng nhưng chỉ ở mức nhẹ nên ít có khả năng trở thành một mối quan ngại.
Với lạm phát cơ bản tiếp tục duy trì ở mức thấp, các chuyên gia nhận định NHNN có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt trong trung hạn để hỗ trợ tăng trưởng, dự báo lãi suất chính sách sẽ không thay đổi trong năm 2018. Hơn nữa với kỳ vọng năm nay duy trì thặng dư thương mại, thu hút FDI mạnh mẽ và dòng vốn tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán sẽ hỗ trợ cho VND, với dự báo tỷ giá USD/VND ở mức 22.600 vào cuối năm 2018, tăng giá nhẹ 300 VND so với cuối năm 2017.
Nếu tăng trưởng tín dụng (TTTD) quá nhanh sẽ là một rủi ro, nhưng nhìn vào mục tiêu và các biện pháp điều tiết của cơ quan chức năng gần đây đã phần nào giúp giảm thiểu rủi ro này. TTTD dự kiến vẫn duy trì mạnh mẽ trong năm 2018, nhưng sẽ giảm so với mức tăng trưởng trong năm 2017. Cơ sở để các chuyên gia lý giải cho nhận định này là một mặt, NHNN đã ấn định mức trần TTTD cho năm nay là 17%, thấp hơn mục tiêu của năm 2017. Mặt khác, TTTD trong lĩnh vực bất động sản - vốn được liệt vào nhóm có rủi ro cao - cũng đã được kiểm soát ở mức thấp hơn. Trong khi đó, tín dụng cho ngành nông nghiệp và các lĩnh vực ưu tiên tương ứng tăng 23% và 22,1% trong năm 2017.
“Chúng tôi lo ngại TTTD quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng dùng đòn bẩy tài chính quá mức, làm gia tăng rủi ro bất ổn tài chính trong bối cảnh lĩnh vực ngân hàng đang hồi phục. Tuy nhiên, động thái của các nhà quản lý nhằm kiểm soát TTTD cho lĩnh vực bất động sản và áp dụng giới hạn cho vay trên một khách hàng là những biện pháp thận trọng và giúp giảm thiểu rủi ro đó”, báo cáo nhận định.
Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là định chế tài chính quốc tế có dự báo khả quan nhất về tăng trưởng của Việt Nam, với khả năng có thể đạt 7,1% năm nay. Tuy nhiên, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam lưu ý, tăng trưởng cao là tốt cho Việt Nam nhưng chất lượng của tăng trưởng còn quan trọng hơn và sự ổn định, bền vững của tăng trưởng còn quan trọng hơn nữa.
“Từ góc độ chính sách thì tất nhiên việc tiếp tục tạo ra tăng trưởng cao là cần thiết nhưng một điều cũng không kém phần quan trọng đó là tăng trưởng cao nhưng không được phép để xảy ra lạm phát quá cao. Bởi nếu lạm phát cao sẽ ảnh hưởng có hại nhiều hơn đối với tăng trưởng dài hạn”, ông Eric Sidgwick nói và nhấn mạnh: “Nên chúng ta đừng quá chú ý đến tốc độ tăng trưởng nói chung mà cần nhìn xem tăng trưởng đó có bền vững hay không. Đây mới là điều mà Việt Nam nên hướng tới, và do đó các chính sách kinh tế vĩ mô cần tiếp tục phải củng cố, như về củng cố ngân sách tài khóa hay phải luôn cảnh giác với nguy cơ lạm phát tăng”.
Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) của IMF vừa công bố dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ ở mức 6,6% trong năm 2018 và 6,5% trong năm 2019. Trong khi lạm phát được dự báo sẽ tăng lên 3,8% trong năm nay và 4% trong năm tới, từ mức 3,5% của năm 2017. |