Lấp lỗ hổng cho vay thế chấp hàng tồn kho
Rủi ro từ hàng tồn kho
Vụ Công ty Trường Ngân dùng một kho cà phê thế chấp cho tận 7 ngân hàng (NH) vay 600 tỷ đồng, trong khi giá trị thực của kho hàng này chỉ có 100 tỷ đồng đã khiến các NH phải tranh giành quyền kiểm soát kho cà phê này. Trước đó, dư luận xôn xao vụ ông Lâm Ngọc Khuân, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) bỏ trốn ra nước ngoài, để lại khoản nợ hơn 1.500 tỷ đồng…
Điều đáng nói ở đây, đến khi vụ việc vỡ lở thì các NH mới “biết” số hàng tồn kho mà công ty này thế chấp để vay 700 tỷ đồng nhưng giá trị thực hàng hóa lưu giữ trong kho chỉ đáng vài chục tỷ đồng… Liên tiếp các vụ việc lừa đảo lớn xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các NH về sự rủi ro trong cho vay thế chấp hàng tồn kho. Đâu là lỗ hổng khiến việc cho vay thế chấp hàng tồn kho lại rủi ro như vậy.
Số cà phê tại kho của Công ty Trường Ngân đang bị cưỡng chế đưa về cất giữ ở một kho khác
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết: những lỗ hổng trên xuất phát từ nhiều vấn đề: lựa chọn hình thức thế chấp; việc đăng ký và giao dịch đảm bảo trong thế chấp hàng hóa rất khó vì, với quy định hiện nay, hàng hóa không phải tài sản có sở hữu. Việc lựa chọn nơi để hàng và phương thức quản lý hàng hóa cũng là một yếu tố dẫn đến rủi ro. Nếu NH không may chọn nhầm đơn vị giữ kho hàng không uy tín, thì việc để xảy ra “hao hụt” kho hàng thế chấp rất dễ xảy ra.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia về tài chính thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về NH do không kiểm soát hàng tồn kho định kỳ chặt chẽ. Đồng thời, không ngoại trừ khả năng cán bộ nhân viên của NH có sai phạm trong kiểm tra kiểm soát hoặc quy trình cho vay không chuẩn mực. Nhưng vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, người đồng trách nhiệm trong các vụ việc này chính là DN đi vay.
“Dù cho NH kiểm soát chặt thế nào, nếu người đi vay cố tình lừa gạt, kiểu gì họ cũng tìm được lỗ hổng để lừa NH nhất là gặp đối tác xảo quyệt, dày dạn cho vay thế chấp hàng tồn kho thì việc qua mặt NH không phải khó”, chuyên gia này khẳng định.
Vỏ quýt dày, nên móng tay phải nhọn
Dù cho vay thế chấp bằng hàng lưu kho có vai trò rất quan trọng trong việc cấp tín dụng của NH, nhưng các NH đều thừa nhận rất khó kiểm soát số hàng hóa này. Vì hàng hóa thế chấp trong kho rất dễ “lưu động” chứ không nằm một chỗ như tài sản bất động sản như: nhà cửa, máy móc, nên việc kiểm soát thế nào để đảm bảo mình luôn quản lý được tài sản nhận thế chấp là điều vô cùng khó. Nếu không kiểm soát tuyệt đối, hàng tồn kho đã thế chấp vẫn được các DN lấy ra, bán đi.
Phân tích sâu hơn, lãnh đạo một NHTMCP cho biết, hàng tồn kho gồm 3 cấu phần: nguyên vật liệu; bán thành phẩm khi đang trong quy trình sản xuất và thành phẩm. Trong một quy trình sản xuất như vậy, NH khó có thể kiểm soát được hàng tồn kho.
Sau những sự cố xảy ra, là người trong cuộc trong vụ việc tại Công ty Trường Ngân, ông Tùng khẳng định: cách thức quản lý rủi ro trong cho vay thế chấp bằng hàng hóa của NH có vai trò rất quan trọng. Từng NH rút kinh nghiệm từ thực tế để lựa chọn phương thức quản lý hàng lưu kho làm vật thế chấp cho phù hợp. Ví dụ, hình thức kiểm soát rủi ro quản lý hàng lưu kho bằng phương thức luân chuyển tức là giao cho DN tự quản lý, tự giao hàng.
Ông Tùng lý giải thêm, nói như vậy cho thấy khi nhận thế chấp bằng hàng lưu kho, NH phải quản lý hàng hóa chặt chẽ hơn. Với những hàng hóa nhiều rủi ro thì chỉ nên áp dụng đối với DN có độ uy tín cao. Thậm chí chỉ xem xét với những DN có hồ sơ tín dụng tốt, đạt tiêu chí có thể cho vay chỉ bằng tín chấp thì lúc đó mới nên áp dụng hình thức nhận thế chấp hàng lưu kho có thể luân chuyển.
Một giải pháp có thể giúp các NH hạn chế rủi ro trong cho vay thế chấp hàng tồn kho là NH cấp tỷ lệ tín dụng căn cứ trên giá trị hàng tồn kho. Tùy theo loại sản phẩm, như gạo có tính thanh khoản cao thì có thể cho vay với tỷ lệ đến 60% giá trị hàng thế chấp. Nhưng những mặt hàng không có tính thanh khoản cao, tỷ lệ cho vay chỉ nên ở mức 30% và giá trị lô hàng đó phải được kiểm định định kỳ. NH phải có bộ phận chuyên trách gồm những chuyên viên luôn có khả năng thẩm định hàng tồn kho và làm sao kiểm soát hàng tồn kho qua nhiều cách.
Thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo cũng là một trong những lỗ hổng trong cho vay thế chấp hàng lưu kho khiến DN có thể lợi dụng để dùng một lô hàng đăng ký nhiều lần để vay ở các ngân hàng khác nhau. “Vì dù các NH cố gắng thẩm định cẩn thận nhưng vì hàng hóa không có giấy tờ chứng minh sở hữu, chỉ có hóa đơn mua bán nên cũng rất khó cho NH”, lãnh đạo một NH bày tỏ.
Rút kinh nghiệm sự việc đã xảy ra, ông Tùng cho rằng, trong trường hợp các NH khi đã cùng cho một khách hàng vay, đặc biệt là nhận thế chấp hàng hóa của cùng một DN thì nên chủ động ngồi lại với nhau để bàn phương pháp quản lý thống nhất với DN cách thức quản lý. “Đừng đến lúc nợ quá hạn, DN phá sản thì mới nhảy vào phân chia nhau lô hàng thế chấp vì lúc đó mọi chuyện đã muộn. Tốt nhất là san sẻ thông tin, phân chia nhau trách nhiệm quản lý, giám sát lúc DN còn khỏe. Nói tóm lại phòng bệnh hơn chưa bệnh”, ông Tùng nhấn mạnh.
Hà Thành