Lo lỡ hẹn công nghiệp hóa
Con đường còn xa
Gần đây, cả chuyên gia nước ngoài và các chuyên gia trong nước cùng đồng thuận rằng, công nghiệp hóa cũng là một con đường để Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình. Là người nhiều lần cảnh báo về bẫy thu nhập trung bình đối với nền kinh tế Việt Nam, GS. Kenichio Ohno - Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản - gợi ý Việt Nam cần chuyển sang giai đoạn nâng cao năng suất, chất lượng và của sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm chế tạo, có hàm lượng công nghệ cao, phát triển những sản phẩm mũi nhọn.
Ông nói, Việt Nam đã có tầm nhìn là một nước công nghiệp hoá đầy đủ vào năm 2020. Đây là chủ trương phù hợp với mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Thế nhưng, khi chỉ còn 5 năm nữa tới mốc thời gian 2020 thì dường như, mục tiêu này nhiều khả năng khó đạt.
Ảnh minh họa
Đã nhiều lần nói đến mục tiêu này, PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chúng ta đã đặt mục tiêu chiến lược quá tham vọng, đến mức không tưởng là trở thành nước công nghiệp phát triển trong một thời gian quá ngắn mà không có các công cụ phù hợp bảo đảm. Với quan điểm nói thẳng, nói thật để cùng tìm ra giải pháp cho đúng, cho trúng và có lạc quan tin tưởng ở sự thay đổi thì mới thẳng thắn nói hết, ông Thiên phát biểu: “Sau gần 40 năm chỉ ra mục tiêu thì công nghiệp của Việt Nam vẫn ở đẳng cấp thấp, dựa vào tài nguyên, gia công và lắp ráp, có vẻ như còn lâu mới thoát khỏi đẳng cấp này”. Vì sao?
Không thoát được đẳng cấp thấp vì quan niệm về nước công nghiệp không đúng; đặt mục tiêu nước công nghiệp như thế nào, trình độ nào chưa rõ. Vì, không định dạng được mô hình thì không có giải pháp đúng. Thứ nữa, đã là công nghiệp hiện đại thì 80% phụ thuộc công nghiệp hỗ trợ… “Chúng ta không phát triển được công nghiệp hỗ trợ thì chân dung công nghiệp Việt Nam khó thay đổi và không bước vào chuỗi công nghiệp toàn cầu được”, ông Thiên thẳng thắn chỉ ra.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM), không ngần ngại khẳng định luôn rằng: “Đến năm 2020, nước ta chưa trở thành nước cơ bản công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”. Ông dẫn ra mục tiêu đã xác định: đến năm 2020 tỷ trọng của nông nghiệp trong GDP chiếm 16-17%, công nghiệp khoảng 40-41%, dịch vụ chiếm 42-43%; tỷ trọng lao động trong tổng lao động xã hội, lao động công nghiệp và dịch vụ là 50%, nông nghiệp là 50%. Với các tiêu chí đó, thực tế thực hiện cho đến nay cho thấy, nước ta đến năm 2020 chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế của một nước công nghiệp hóa.
Chưa xác định tiêu chí cụ thể
Từ năm 1975, Việt Nam đã xác định con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến năm 1986, Đại hội VI của Đảng vẫn kiên định con đường này và mục tiêu đặt ra đến năm 2020 nước ta trở thành nước “cơ bản công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”. |
Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa xác định tiêu chí cụ thể: “Nước công nghiệp là nước nào”, ông Thiên đặt câu hỏi. Theo ông, nếu là nước công nghiệp như Mỹ thì quá cao, như Pháp cũng không được, hay thấp xuống như Hàn Quốc cũng không được, khi thu nhập bình quân đầu người của họ là 30.000 USD trong khi Việt Nam chỉ có 1.500 USD/người. Ngay như để đạt mức của Thái Lan 8.000 USD/người thì cũng rất khó để Việt Nam bắt kịp. Cùng băn khoăn này, ông Doanh chia sẻ: “Nếu so sánh với các nước công nghiệp hoá khác trong khu vực, ta thấy Việt Nam còn một quá trình rất dài, hàng chục năm mới có thể bắt kịp các nước thu nhập trung bình khác”.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề nghị làm rõ hơn tiêu chí nước công nghiệp và tính khả thi của việc thực hiện mục tiêu chiến lược này đến năm 2020. Trước mắt, khi đang thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần rà soát lại chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu, sớm vượt qua giai đoạn gia công đơn thuần hiện nay để đi lên nấc thang cao hơn là công nghiệp chế tạo - một tiêu chí quan trọng của công nghiệp hóa. Ông một lần nữa nhấn mạnh: “Việt Nam cần thay đổi tư duy phát triển tiến lên hiện đại và tiến cùng thời đại, chứ không thể lằng nhằng như hiện nay”.
Ông Lê Đăng Doanh, dựa vào những giả định tính toán khác nhau, đưa ra 3 phương án. Phương án 1, tốc độ tăng trưởng đạt liên tục 13%/năm, GDP/người năm 2020 sẽ đạt khoảng 3.700 USD, gấp 3,5 lần năm 2010 (1.100 USD). Tính tròn dân số là 100 triệu người, năm 2020 GDP sẽ đạt 370 tỷ USD. Trong lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài như vậy. Với cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng hiện nay, ông cho rằng phương án này chỉ có ý nghĩa tham khảo.
Phương án 2 được tính dựa trên tốc độ tăng trưởng đạt 11%/năm liên tục cho đến năm 2020, GDP/người năm 2020 sẽ đạt 3.100 USD, gần gấp 3 lần mức đạt năm 2010. Quy mô GDP sẽ đạt 310 tỷ USD… Còn lại, phương án 3 đưa ra tốc độ tăng trưởng thấp hơn, đạt 9%/năm, GDP/người năm 2020 đạt 2.600 USD, gấp 2,5 lần so với năm 2010. Nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), chỉ số đã được điều chỉnh của Ngân hàng Thế giới năm 2007 (2,6) thì GDP/người của Việt Nam sẽ vào khoảng 6.700 USD.
Nhưng đó thậm chí là những kịch bản lạc quan. Theo ông Doanh, giai đoạn tới nếu không quyết tâm thực hiện cải cách cần thiết, “rất có thể tình trạng trì trệ sẽ kéo dài”.
Ngọc Linh