Lợi nhuận ngân hàng: Tiếp tục “năng nhặt chặt bị”
Bức tranh lợi nhuận với nhiều gam màu xám
Những ngày qua các NH lần lượt công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý I/2015. Trong bức tranh lợi nhuận có đủ các gam màu sáng tối. Soi vào báo cáo kinh doanh thì BIDV là NH đang dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý I/2015 của NH này lên đến 1.854 tỷ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của BIDV tăng mạnh chủ yếu là nhờ cắt giảm nhiều chi phí như lãi tiền gửi, thu nhập từ các hoạt động dịch vụ khác tăng nhẹ.
Eximbank – cái tên được chú ý bởi thông tin về mua bán sáp nhập, sau khi bị lỗ nặng trong quý IV/2014, bước sang quý I/2015, lợi nhuận sau thuế của Eximbank đã được cải thiện tăng 20% so với cùng kỳ năm trước đạt 415 tỷ đồng. Cũng như BIDV, lợi nhuận của Eximbank, ACB, Sacombank… cũng tăng nhẹ chủ yếu do cắt giảm được chi phí.
NH khó kỳ vọng lợi nhuận cao trong năm 2015 |
Nhưng trong bức tranh lợi nhuận NH, mảng màu xám cũng xâm chiếm không ít. Theo báo cáo kinh doanh của Techcombank tổng lợi nhuận lũy kế trước thuế quý I/2015 của NH này chỉ đạt 408 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế quý I/2015 của Vietcombank đạt 1.135 tỷ đồng giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng màu xám trong bức tranh lợi nhuận còn lan sang OCB, MB, SHB… Lợi nhuận của nhiều NH giảm sút trong quý I/2015 không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia và bản thân các NH cũng lường trước điều này.
Theo Chủ tịch HĐQT một NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh, có ba lý do lý giải cho sự sụt giảm lợi nhuận của nhiều NH trong thời gian qua. Đó là các NH phải tăng trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) để xử lý các khoản nợ xấu. Nhất là kể từ 1/4 khi Thông tư 02 của NHNN được áp dụng một cách đầy đủ, quy định phân loại nợ chặt chẽ hơn, các NH trích lập DPRR nhiều hơn. Trích lập DPRR tăng đương nhiên lợi nhuận NH sẽ bị sụt giảm. Thậm chí, lãnh đạo một NH cho biết, họ còn trích lập hơn cả mức quy định để dự phòng cho những biến động xấu trong thời gian tới.
Thứ hai, tuy tín dụng đã khởi sắc hơn so với trước, nhưng lại diễn ra không đồng đều giữa các NH. Thêm nữa, rất có thể dòng vốn chảy vào phân khúc khách hàng VIP thường lãi suất thấp hơn so với khách hàng thông thường nên lãi biên của ngân hàng không cao. Nguyên nhân thứ ba là chi phí xã hội vẫn tăng lên như phí giao thông, phí lệ phí, thuế… làm tăng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vì thế, các DN, nhất là DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa dám mạnh dạn vay vốn. Mà đây mới là đối tượng khách hàng có thể mang lại lãi biên tốt hơn cho NH.
Khó kỳ vọng lợi nhuận cao
Nhiều NH cho rằng, trong năm 2015 lợi nhuận không phải là mục tiêu hàng đầu, mà quan trọng là đưa nợ xấu về mức 3% thậm chí thấp hơn mức này. Nhưng nếu lợi nhuận của NH sụt giảm kéo dài chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống. “Nếu kéo dài tình trạng này làm sức khỏe suy giảm đi. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng phục vụ, đóng góp của NH đối với nền kinh tế nói chung, DN nói riêng bị hạn chế”, một lãnh đạo NH bày tỏ lo ngại.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến tỏ ra lạc quan hơn trước diễn biến lợi nhuận của các NH trong giai đoạn vừa qua. Một chuyên gia NH cho hay, ở đâu cũng vậy, khi hệ thống NH thực hiện tái cơ cấu, có nghĩa là nó đang gặp phải những khó khăn nhất định và như thế không thể đòi hỏi kết quả hoạt động kinh doanh tốt với lợi nhuận cao được. Ví như, tại Mỹ vào giai đoạn 2008, cả hệ thống NH nước này rơi vào khủng hoảng và họ phải trả giá rất đắt cho cuộc khủng hoảng này. Nhiều NH lớn sụp đổ biến mất khỏi hệ thống, các cổ đông NH và cả nền kinh tế chịu thiệt hại.
Tại Việt Nam cũng vậy, trong giai đoạn tái cơ cấu, nhất là trong thời điểm năm cuối cùng thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCTD, bắt buộc cái giá phải trả để thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu sẽ rất cao. Chi phí xử lý tăng, lợi nhuận thuyên giảm là chuyện bình thường. “Cái giá phải trả của NH là hôm nay họ chấp nhận hưởng ít đi để dành cho tương lai được tốt đẹp hơn”, vị chuyên gia này chia sẻ thêm. Khoản trích lập DPRR có thể được coi là của để dành trong tương lai của các NH, nếu họ xử lý tốt được vấn đề nợ xấu.
Thời gian gần đây, tốc độ xử lý nợ xấu ngày càng được cải thiện tốt lên nhờ cơ chế hoạt động mới cho VAMC tốt hơn. Chính phủ, NHNN tập trung chỉ đạo các NHTM quyết liệt xử lý nợ xấu với nhiều giải pháp đồng bộ. Nhờ sự chuyển động đồng bộ qua tác động của chính sách, nên tốc độ xử lý nợ xấu trong toàn Ngành đang chuyển biến tích cực hơn. Như vậy, trong tương lai các khoản nợ xấu NH đã trích lập DPRR cao sẽ có khả năng thu hồi được và bù đắp lợi nhuận sụt giảm trong thời gian trước đó.
Nói như vậy, không có nghĩa là NH không thể tìm kiếm thêm được lợi nhuận trong giai đoạn khó khăn. Chỉ khác trước là các NH sẽ phải chấp nhận năng nhặt chặt bị chứ rất khó kỳ vọng tìm kiếm lợi nhuận cao. Để tăng lợi nhuận trong thời gian tới, lãnh đạo một NHTMCP cho rằng, NH phải tiết giảm chi phí quản lý hoạt động trong đó có chi phí quản lý hành chính, quản trị kinh doanh...
Ngoài ra, nếu NH quản lý, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng thì vừa giúp DN khởi sắc,hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, lại đảm bảo thu nhập tốt, bền vững cho NH. Các yếu tố khác như cải cách tư pháp, thủ tục hành chính đơn giản, bớt phiền hà… cũng sẽ giúp các NH tiết giảm thêm chi phí hoạt động bù đắp lợi nhuận biên đang khá thấp.
Để lợi nhuận NH thực sự tăng trưởng tốt, bền vững hơn, theo các chuyên gia NH thì phải chờ sự hồi phục tốt của nền kinh tế. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các NH phải hy sinh ít nhất 3 năm nữa tình hình hoạt động mới được cải thiện. “Trong vòng hơn 3 năm nữa, nhất là giai đoạn cuối năm 2020, khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng, với nhiều chính sách mới thay đổi rất có thể kinh tế tăng trưởng hồi phục rất nhanh. Đó cũng là lúc ngành NH đi vào ổn định và phát triển rất tốt, vì sức khỏe của NH phản ánh qua lăng kính của nền kinh tế. Từ nay đến lúc đó là giai đoạn NH chấp nhận phải hy sinh lợi nhuận”, ông Hiếu lạc quan nói.