Lường đón rủi ro cho tăng trưởng
Xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, từng lĩnh vực và của cả nền kinh tế | |
Nhận diện rõ cơ hội, thách thức để chủ động có đối sách phù hợp | |
Việt Nam - nền kinh tế nổi bật ở châu Á |
Nền kinh tế trong các tháng đầu năm vẫn đan xen đồng thời cả yếu tố khó khăn và thuận lợi. Tuy nhiên, điểm đáng lo là tính bất định đã lớn hơn, khiến các dự báo về kịch bản tăng trưởng trong năm 2017 đều ít tích cực hơn so với mục tiêu đã đặt ra, dù nền kinh tế mới qua chưa được 1/4 chặng đường.
Bên ngoài khó khăn
Mặc dù xu hướng tăng trưởng chưa được định hình rõ nét qua các chỉ số kinh tế vĩ mô của quý I, song chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành vẫn giữ nguyên dự báo của ông hồi đầu năm là tăng trưởng năm nay sẽ khó đạt mốc 6,7% mà Quốc hội đã đặt ra. Lý do khiến tăng trưởng “chật vật” là bối cảnh quốc tế và cả trong nước dường như đều đối diện với các yếu tố bất lợi nhiều hơn.
Ổn định vĩ mô vẫn phải là ưu tiên hàng đầu |
Ông Thành phân tích, diễn biến của kinh tế thế giới được thể hiện qua các đặc trưng là tăng trưởng hồi phục khó khăn, đầu tư có xu hướng giảm và thương mại hàng hoá rất yếu. Các dự báo hiện nay đều thống nhất kinh tế thế giới năm 2017 và 2018 sẽ tăng nhẹ từ mức 3,1% năm 2016 lên khoảng 3,4% năm 2017 và 3,6% năm 2018. Trong đó ông Thành đặc biệt nhấn mạnh tới sự phục hồi chậm chạp của tăng trưởng thương mại toàn cầu bởi điều này có liên quan mật thiết tới tăng trưởng xuất khẩu, cũng là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng thương mại ở các nước phát triển được dự báo sẽ đạt khoảng 3,6% trong năm nay, và tăng nhẹ lên 3,8% trong năm 2018. Ông Thành lưu ý, trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng thương mại thấp hơn nhiều so với tăng trưởng GDP toàn cầu. Đó là điều chưa từng có vì thông thường trong giai đoạn trước, tốc độ tăng trưởng thương mại luôn cao hơn gấp rưỡi so với tăng trưởng GDP, tạo thành lực kéo mạnh mẽ cho các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam.
Phân tích cụ thể hơn vào các thị trường xuất khẩu lớn, kinh tế Mỹ, bạn hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam được dự báo phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên việc Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP có thể ảnh hưởng không mấy tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Tình hình suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong 2 năm tới, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của EU được dự báo là đi ngang trong năm 2017 cũng là nhân tố thiếu khả quan ảnh hưởng đến xuất khẩu. Đó là chưa kể chủ nghĩa bảo hộ lên cao sẽ là yếu tố khó đoán định tác động tới tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Các chuyên gia lưu ý, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, các tác động của kinh tế thế giới đối với kinh tế trong nước đang có phần mạnh mẽ hơn. Do đó khi dự báo kịch bản tăng trưởng trong nước, cần hết sức lưu ý tới các diễn biến từ bên ngoài.
Dưới góc độ đầu tư, Báo cáo kinh tế Việt Nam 2016 của trường Đại học Kinh tế quốc dân mới đây đã đưa ra cảnh báo, các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Ấn Độ, và các nước ASEAN sẽ mang vai trò cạnh tranh với kinh tế Việt Nam hơn là vai trò hỗ trợ. Trong đó, Ấn Độ nổi lên như một điểm đến tốt hơn Việt Nam cho các nhà đầu tư muốn dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc. Nước này được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2017 ở tốc độ 7,2% và 2018 là 7,7%.
Bên trong nặng gánh
Trong khi bối cảnh quốc tế có nhiều bất định thì trong nước, nhiều chỉ số vĩ mô vẫn đang là ẩn số. TS. Võ Trí Thành cho biết, đầu tư FDI có tăng trưởng song các nhà đầu tư đã do dự hơn trước viễn cảnh TPP không có Mỹ; với đầu tư tư nhân thì số DN thành lập mới tăng nhưng số đóng cửa cũng không ít; đầu tư nhà nước giải ngân vẫn chậm… Trong khi đó, với các chính sách vĩ mô thì ngân sách vẫn hết sức khó khăn, dư địa dành cho chính sách tiền tệ không còn nhiều…
Ngay thời điểm này, nền kinh tế lại phải hài hoà quá nhiều mục tiêu, từ thúc đẩy quá trình hồi phục, ổn định vĩ mô, cải cách, tái cấu trúc DNNN, đầu tư công, hệ thống tài chính - NH, và lại thêm một số lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục đào tạo, bên cạnh đó lại phải thúc đẩy nhiều ngành kinh tế có lợi thế như công nghệ thông tin, du lịch… Để cân đối những mục tiêu này thì dư địa cho chính sách vĩ mô lại càng hạn hẹp hơn.
Trước bối cảnh rủi ro đến từ bên ngoài rất cao, chính sách tiền tệ lại được kỳ vọng sẽ là tuyến đầu trong việc chống đỡ các bất ổn đến từ bên ngoài và duy trì tăng trưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng áp lực lạm phát rất cao sẽ khiến mục tiêu giảm lãi suất thật sự là thách thức lớn trong năm nay. Áp lực lạm phát trong năm 2017 đến từ sức ép của lộ trình điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế và lương.
Ông Thành phân tích, điều hành chính sách tiền tệ do vậy sẽ phức tạp hơn khi không chỉ phải cân đối giữa tăng trưởng và ổn định mà còn chịu sức ép lớn hơn đối với việc tăng lãi suất, tăng tỷ giá… Ông khuyến cáo: “Chúng ta vẫn phải cần ổn định chứ không chỉ tăng trưởng”.
Cùng chung nhận định, TS. Đinh Tuấn Minh, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phát triển cho rằng, trước tình hình kinh tế thế giới nhiều bất ổn, Chính phủ sẽ lựa chọn giải pháp ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh cho năm 2017, thay vì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng. Chốt lại, các chuyên gia nhấn mạnh, nỗ lực ổn định vĩ mô và cải cách mạnh mẽ trong thời gian tới sẽ là động lực để kinh tế phục hồi tăng trưởng một cách dài hơi và bền vững.