Mô hình mở cho khu công nghệ cao mới
Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành xúc tiến đầu tư vào một khu công nghệ cao thứ 2, hứa hẹn được xây dựng từ 2015-2020 trên diện tích 200 ha tại phường Long Phước, quận 9. Theo kế hoạch, khu công nghệ cao này sẽ được phát triển theo mô hình công viên khoa học với tổng vốn đầu tư (dự toán năm 2012) là hơn 2.612 tỷ đồng.
Câu chuyện xúc tiến đầu tư nói trên dấy lên nhiều ý kiến xung quanh việc lựa chọn mô hình nào cho phù hợp với điều kiện phát triển hiện tại của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Bởi hiện nay, trong số 3 khu công nghệ cao cấp quốc gia, thì chỉ có khu công nghệ cao hiện hữu tại TP. Hồ Chí Minh (SHTP) được các tập đoàn đa quốc gia và các DN lớn trong nước bỏ vốn kinh doanh trên diện tích lớn. Các khu còn lại như Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và Khu công nghệ cao Đà Nẵng tỷ lệ lấp đầy vẫn ở mức dưới 50%.
Khu công nghệ cao mới sẽ tập trung mạnh thúc đẩy nghiên cứu phát triển, sáng tạo và khởi nghiệp |
Bỏ qua lợi thế “người anh em”
Theo ghi nhận của nhiều chuyên gia kinh tế, tính đến thời điểm hiện nay mặc dù được đánh giá là khu công nghệ cao có mức độ phát triển mạnh nhất của cả nước nhưng SHTP về cơ bản vẫn là một mô hình lấp lửng giữa khu công nghiệp công nghệ cao (tức là khu dành riêng cho các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại các sản phẩm khoa học công nghệ với các chính sách thu hút và ưu đãi đặc biệt) và khu khuôn viên sáng tạo (tức là khu vực thúc đẩy nghiên cứu phát triển, sáng tạo và khởi nghiệp, thường có hoạt động gắn kết với các trường đại học, viện nghiên cứu và tập trung cho một số lĩnh vực công nghệ chuyên đề).
Chính vì phát triển theo mô hình lấp lửng trên nên cách thức vận hành của SHTP mang nặng tính cứng nhắc, phụ thuộc nhiều vào sự điều hành quản lý của Nhà nước, thiếu sự gắn kết với các đơn vị bên ngoài như các viện, trường cũng như cộng đồng DN.
Một ví dụ thấy rõ là đến thời điểm hiện nay, mặc dù trong số 40 DN đến đầu tư tại SHTP đã có nhiều DN sản xuất ra được các sản phẩm công nghệ mới nhưng hầu hết các sản phẩm công nghệ này chỉ đơn thuần nhập khẩu (NK) nguyên liệu và xuất khẩu (XK) sản phẩm đi chứ chưa được kết hợp để phát triển đổi mới công nghệ của các DN trong nước.
Quan sát ngay tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện mỗi năm các DN ở đây phải chi ra hàng trăm tỷ đồng để NK các hệ thống thiết bị bón phân, tưới nước tự động và các phần mềm điều hành thiết bị tự động hóa.
Trong khi đó, các công ty đang có mặt tại SHTP, Công viên phần mềm Quang Trung, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) hoàn toàn có thể sản xuất và cung ứng các hệ thống sản phẩm này lại chưa đáp ứng và kết nối để tận dụng lợi thế về vận chuyển, bảo trì bảo hành.
Ông Ngô Đức Hoàng, đại diện ICDREC cho hay, nếu ICDREC kết hợp với các đơn vị khác nghiên cứu, chế tạo ra hệ thống tự động trong nhà màng, nhà lưới thì giá thành các sản phẩm này chắc chắn rẻ hơn so với các sản phẩm NK. Ngoài ra, các sản phẩm như hệ thống châm phân, hệ thống tưới, bón nhỏ giọt tự động hiện cũng đã được các DN trong nước sản xuất thành công.
Các DN công nghệ cao ở ICDREC, SHTP hay Công viên phần mền Quang Trung đều có thể chế tạo các vi mạch cho các thiết bị tự động hóa, đáp ứng tốt nhu cầu ứng dụng của các DN tại khu nông nghiệp công nghệ này.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vấn đề kết nối giữa các khu công nghệ cao với nhau lại chưa được TP. Hồ Chí Minh đặt ra, hoặc nếu có thì cũng mới chỉ là những gợi ý ban đầu chứ chưa được triển khai cụ thể.
Sẽ làm một mô hình khu công nghệ mở
Trở lại việc chọn lựa một mô hình cho khu công nghệ cao mới tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng, khu công nghệ mới này phải thoát hoàn toàn mô hình lấp lửng mà SHTP và các khu công nghệ cao hiện hữu đã gặp phải.
Theo đó, khu công nghệ cao này cần được xây dựng theo hướng mở, học theo các mô hình của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore với nhiệm vụ nghiên cứu hỗ trợ nền công nghiệp, hỗ trợ DN phát triển.
Để hoạt động nghiên cứu và phát triển, ươm tạo công nghệ có kết quả tốt, theo TS. Nguyễn Anh Thi (Ban Khoa học và Công nghệ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), khu công nghệ cao mới phải có tác dụng bổ sung cho SHPT. Do vậy, khu công nghệ này nên đi theo mô hình khuôn viên sáng tạo, tập trung cho 3 lĩnh vực: công nghệ thông tin, công nghệ nano và công nghệ sinh học.
Về cách thức vận hành, khu công nghệ cao mới không nên đi theo cách thức của mô hình SHTP mà nên lựa chọn hình thức cổ phần hóa, giảm bớt vai trò của Nhà nước để tăng tính năng động. Hiện nay, Nghị định về hợp tác công – tư cũng đã được Chính phủ ban hành, trong đó có các điều khoản cụ thể liên quan đến các hoạt động hợp tác lĩnh vực công nghệ.
Vì vậy, ngay trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài nguồn vốn ngân sách cần phải có chính sách huy động nguồn vốn từ các các TCTD, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Song song đó, phải triển khai ngay các phương án hợp tác công – tư để tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý SHTP cho hay, việc lấy ý kiến xây dựng mô hình khu công nghệ cao mới đã được tiến hành từ các năm trước. Khi đề án bắt đầu được đưa ra, Ban quản lý SHTP cũng đã tổ chức hội thảo lựa chọn mô hình cho khu công nghệ mới này. Vì thế đến nay cơ bản đã thống nhất phương án xây dựng khu công nghệ cao mới theo mô hình khuôn viên sáng tạo.
Theo đó, trước mắt, TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng các trung tâm nghiên cứu, triển khai công nghệ tiên tiến để giải quyết các vấn đề về môi trường sống, trong đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ vũ trụ, cơ điện tử và tự động hóa.
Tiếp theo sẽ xây dựng chương trình hợp tác quốc tế về các chương trình phát triển khoa học, công nghệ ứng dụng trong nước và quốc tế, thúc đẩy liên kết công nghệ tạo ra sản phẩm công nghệ cao quốc gia với sự có mặt của các tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới.