Mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa ADB và Việt Nam
Tại buổi tiếp, ông Ramesh Subramaniam – Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB cảm ơn Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã dành thời gian tiếp, ông nhấn mạnh: Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những thay đổi chiến lược trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA mới và NHNN đã phối hợp chặt chẽ với ADB trong quá trình đó.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB |
Ông Ramesh Subramaniam cho biết: “Đối với những công việc mà NHNN vừa triển khai thời gian qua, chúng tôi rất ấn tượng với những thành tựu của Việt Nam trong các lĩnh vực tài chính – ngân hàng, phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu… Chúng tôi thấy rằng, NHNN đã chủ trì các hoạt động để thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển khu vực tài chính, phổ cập tài chính toàn diện. Các chương trình này chúng tôi cũng tham gia hỗ trợ và mong muốn sẽ đẩy mạnh hợp tác và hỗ trợ trong thời gian tới”.
Đối với chương trình hỗ trợ phát triển khu vực tài chính và đẩy mạnh phổ cập tài chính toàn diện, ADB đánh giá cao nỗ lực của NHNN và hy vọng sẽ có sự hỗ trợ và sự đồng thuận trong quá trình triển khai không chỉ của NHNN mà cả các bên tham gia, bởi công cuộc cải tổ hay đổi mới trong lĩnh vực này khá phức tạp và đòi hỏi một thời gian nhất định.
Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB chia sẻ, ADB cũng đang tìm kiếm các cơ hội khác để hỗ trợ cho khu vực tài chính của Việt Nam. Hiện chúng ta đang có những nền tảng sáng kiến như ASEAN hay ASEAN+3, đặc biệt những sáng kiến có liên quan đến khu vực Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam. Trong khu vực này, Việt Nam cũng là nước tiên phong có nhiều đổi mới và sáng kiến. ADB mong muốn hợp tác sâu rộng hơn nữa để có thể thúc đẩy hỗ trợ kỹ thuật của ADB trong khu vực này, giúp cho Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của thị trường tài chính cũng như chia sẻ tri thức.
Theo ông Ramesh Subramaniam, Việt Nam trong quá trình triển khai phương thức mới về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA. ADB mong muốn phía ngành ngân hàng đưa ra và điều chỉnh những sản phẩm, dịch vụ, công cụ về tài chính giúp cho Việt Nam có thể phát triển thị trường tài chính tốt hơn, đồng thời đẩy mạnh hơn vai trò hợp tác của ngân hàng, của các cơ quan nhà nước với khu vực tư nhân. Đây cũng là lĩnh vực ADB rất muốn hợp tác với Việt Nam nói chung và với NHNN nói riêng.
“Chúng tôi đã thực hiện đánh giá về phát triển cơ sở hạ tầng khoảng 1,5 năm trước. Kết quả ấn tượng trong đánh giá này là ba nước Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam là ba nước hàng đầu trong số 25 nước mà chúng tôi thực hiện đánh giá có hoạt động đầu tư nguồn vốn công cũng như huy động từ khu vực tư nhân để thực hiện những hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất. Chúng tôi nhận thấy mức độ cạnh tranh để mà thúc đẩy đầu tư rất cao, chúng tôi cho rằng trong bối cảnh về nguồn vốn mới như vậy, chúng tôi mong muốn có thể hợp tác với Việt Nam, bao gồm NHNN, các doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân… để tăng cường hiệu quả hỗ trợ cho lĩnh vực này”, ông Ramesh Subramaniam chia sẻ.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao vai trò tích cực và quan trọng của ADB trong việc hỗ trợ nguồn lực tài chính cũng như hỗ trợ kỹ thuật đối với Việt Nam nói chung cũng như NHNN nói riêng.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, có thể nói trong hiện tại cũng như thời gian tới Việt Nam vẫn cần nguồn tài chính hỗ trợ từ các tổ chức, trong đó có ADB. Chúng tôi đánh giá cao việc ADB xây dựng chiến lược đa quốc gia. Chiến lược của ADB phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm tới. Và các nhu cầu nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, chương trình chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh... vẫn là những lĩnh vực mà Việt Nam cần sự hỗ trợ của ADB. Hệ thống ngân hàng đang đặc biệt quan tâm tới việc phát triển thị trường tài chính của Việt Nam bên cạnh nhiệm vụ xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện mà Chính phủ đã giao cho NHNN. Đây là những trọng tâm của NHNN trong nhiều năm tới. Hiện tại, Việt Nam đã tốt nghiệp ADF từ 1/1/2019 và mong muốn ADB bên cạnh những hỗ trợ về nguồn lực tài chính truyền thống sẽ có sản phẩm tài chính mới để có thể dễ dàng linh hoạt áp dụng với Việt Nam.
ông Ramesh Subramaniam nhấn mạnh: “ADB đánh giá cao những nỗ lực, sự hợp tác hiệu quả của NHNN kể từ khi ADB bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, đồng thời vui mừng khi được thấy NHNN tiếp tục tham gia chặt chẽ trong toàn bộ quá trình đánh giá TCTD cũng như phân tích khả năng tài chính.... Ngoài ra, NHNN cũng là đại diện chính thức của nước CHXHCN Việt Nam tại ADB, đây cũng là đóng góp lớn của NHNN trong việc hợp tác với chúng tôi. Chúng tôi thấy rằng kể từ khi chúng tôi hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt 10 năm trở lại đây, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và ADB ngày càng trở nên chặt chẽ, hiệu quả hơn”.
Ông Ramesh cũng bày tỏ vui mừng vì NHNN đóng vai trò chủ trì trong việc xây dựng và phát triển chiến lược tài chính xanh cho Việt Nam, mong muốn trong thời gian tới hợp tác để xúc tiến triển khai lĩnh vực này.
Việt Nam đã có những thay đổi về quản lý sử dụng vốn ODA cũng như các chương trình dự án. Theo đó, các cơ quan chủ quản cần có các hoạt động như: đánh giá về khả năng trả nợ, các điều kiện năng lực tài chính của các bên tham gia... Về những nội dung này, ADB mong muốn có thể hỗ trợ để làm cho lĩnh vực đổi mới sáng tạo này của Việt Nam được hiệu quả, phù hợp hơn. Việc thứ hai mà ADB muốn tập trung đó là cải thiện danh mục đầu tư chương trình dự án của ADB tại Việt Nam. Bởi Việt Nam cũng là quốc gia có danh mục chương trình/dự án lớn nhất khu vực ASEAN và lớn thứ tư trong các quốc gia của ADB, ADB muốn đảm bảo rằng nguồn lực mà ADB thực hiện tài trợ, đầu tư cho các dự án đạt hiệu quả về chi phí
Phó Thống đốc cho biết, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của ADB là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam cũng như các bộ, ngành thời gian qua cũng như trong thời gian tới.
Phó Thống đốc cảm ơn và mong muốn ông Ramesh Subramaniam trên cương vị Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á sẽ luôn ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển kinh tế - xã hội.