Mobilebanking - xu hướng tất yếu
Hiện nhiều nước trên thế giới đang phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng trên thiết bị di động (mobilebanking). Ông Jitin Goyal – Chủ tịch và phụ trách kinh doanh toàn cầu của Công ty Polaris (chuyên cung cấp giải pháp ngân hàng) đã trao đổi với Thời báo Ngân hàng xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về thực trạng, tiềm năng để phát triển giao dịch ngân hàng trên các thiết bị cầm tay?
Ông Jitin Goyal |
Thời gian gần đây, qua tìm hiểu của một số khách hàng của Việt Nam cho thấy Việt Nam rất có tiềm năng về phát triển dịch vụ mobilebanking. Với kinh nghiệm của nhà cung cấp các giải pháp đã từng cung cấp cho các ngân hàng ở châu Âu, Bắc Mỹ thì, mobilebanking ra đời chủ yếu phục vụ cho các khách hàng cá nhân, tạo nên điểm nhấn quan trọng cho các sản phẩm cá nhân.
Ví dụ, trước đây, ở nhiều nước châu Âu, giống như Việt Nam hiện nay, khách hàng thường phải đến tận điểm giao dịch, hoặc nhanh hơn một chút thì gọi điện thoại cho ngân hàng để kiểm tra các thông tin về giao dịch. Còn bây giờ, ở châu Âu hầu hết các tác nghiệp đó đều được thực hiện thông qua các thiết bị điện thoại, đặc biệt với sự ra đời của các thiết bị như iphone android thì dịch vụ mobilebanking sẽ ngày càng được phát triển.
Tiềm năng để phát triển dịch vụ mobilebanking ở Việt Nam hẳn sẽ rất lớn, vậy theo ông, các ngân hàng nên triển khai thế nào cho hiệu quả nhất?
Theo tôi, về mặt công nghệ các ngân hàng hoàn toàn không gặp trở ngại gì. Các ngân hàng sẵn sàng đầu tư để thúc đẩy các sản phẩm liên quan đến dịch vụ mobilebanking phát triển. Điều băn khoăn lớn nhất của các ngân hàng khi đẩy mạnh dịch vụ mobilebanking là họ phải xem số lượng người sử dụng smartphone đã đủ lớn hay chưa. Bởi nếu khách hàng sử dụng điện thoại phím bấm thì không thực hiện được các giao dịch qua mobilebanking.
Khi lượng người sử dụng smartphone đã đủ lớn chắc chắn các ngân hàng sẽ đẩy mạnh được việc triển khai mobilebanking, và thời gian để triển khai dịch vụ này chỉ khoảng từ 3-6 tháng. Như vậy, có thể nói phát triển mạnh được dịch vụ mobilebanking hay không còn phụ thuộc vào thu nhập, đời sống của người dân Việt Nam.
Vậy tỷ lệ người dân sử dụng smartphone đủ lớn như ông nói là khoảng bao nhiêu?
Tỷ lệ người sử dụng smartphone các nước châu Âu và Bắc Mỹ hiện đã vượt 50%. Còn ở Việt Nam phải đạt mức tối thiểu 25-30% thì mới tạo được sự đột biến để phát triển dịch vụ mobilebanking.
Ở Việt Nam hiện đang có các dịch vụ thanh toán cước điện thoại, tiền điện, nước. Cần phải làm gì để triển khai tiếp dịch vụ về mobilebanking?
Trước mắt, mobilebanking sẽ đáp ứng các nhu cầu bình thường của khách hàng là kiểm tra số dư tài khoản, sau đó cao hơn nữa là cung cấp các sản phẩm về đầu tư. Chẳng hạn, bạn muốn đầu tư, muốn kiểm tra tổng tài sản hoàn toàn có thể thực hiện thao tác trên thiết bị cầm tay như điện thoại, ipad.
Song có một thực tế đã diễn ra ở nhiều nước là khi mà các dịch vụ ngân hàng điện tử, mobilebanking phát triển đến một lúc nào đó, thì các chi nhánh, phòng giao dịch của các NHTM dần co hẹp lại. Bởi khi đó, khách hàng không có nhu cầu đến chi nhánh, phòng giao dịch. Bản thân tôi, 10 năm qua đã sống tại nhiều nước trên thế giới, nhưng chẳng mấy khi phải bước chân đến ngân hàng, các giao dịch đều thực hiện bằng internetbanking, mobilebanking. Thậm chí mở tài khoản mới cũng không cần đến ngân hàng. Như vậy, có thể nói rằng, dần dần các dịch vụ ngân hàng nằm trên thiết bị cầm tay của bạn.
Xin cảm ơn ông!
Chí Kiên thực hiện