Nan giải... “giải cứu” hồ tiêu
Rớt giá trên thị trường
Cây hồ tiêu khá phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở một số khu vực như Tây Nguyên hay Đông Nam bộ. Những năm gần đây, cây hồ tiêu đã góp phần nâng cao đời sống nhiều hộ dân trong cả nước. Thậm chí, có nhiều nơi người dân đã vươn lên làm giàu từ loại cây gia vị này.
Thế nhưng, từ khoảng giữa năm 2017 tới nay, do cung vượt cầu nên giá hồ tiêu trên thị trường thế giới, cũng như trong nước rớt thê thảm. Điều này, khiến nhiều người trồng hồ tiêu, lẫn doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang đứng trước rất nhiều khó khăn.
Phát triển “nóng” đang để lại nhiều hệ lụy cho hồ tiêu Việt Nam |
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, những ngày cuối tháng 3/2018 tại những vùng trồng, giá tiêu được các DN và thương lái thu mua ở mức 54 nghìn đồng/kg. Vùng nguyên liệu có mức giá thu mua cao nhất được ghi nhận tại Bà Rịa - Vũng Tàu với giá 56 nghìn đồng/kg.
Trước đó, có thời điểm giá hồ tiêu trong nước sụt giảm xuống chỉ còn khoảng 51 đến 52 nghìn đồng/kg, như thời điểm vào ngày 22/3/2018. Đây được coi là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Điều đáng nói, bên cạnh việc sụt giá thê thảm trên thị trường, năm nay người trồng hồ tiêu trong cả nước lại phải đối mặt với những khó khăn do thời tiết...
Được biết, khối lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 3/2018 ước đạt 24 nghìn tấn, với giá trị đạt 88 triệu USD. Khối lượng xuất khẩu tiêu 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 54 nghìn tấn và 203 triệu USD, tăng 5,5% về khối lượng nhưng giảm 37,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Theo nhiều chuyên gia, mức giá này chưa phải là đáy, nếu thời gian tới nhiều người trồng tiêu trong cả nước tiếp tục bán tiêu ra thị trường. Cùng với đó, là những áp lực nguồn cung từ Campuchia hay Brazil khi những quốc gia này cũng đang phát triển mạnh diện tích trồng loại cây này.
Được biết, hiện giá thành sản xuất hồ tiêu bình quân chung của cả nước khoảng 49 nghìn đồng/kg. Như vậy, với mức giá chỉ khoảng 52 đến 54 nghìn đồng/kg, giá hồ tiêu đã gần chạm tới mức sản xuất không có lãi. Với việc rớt giá nghiêm trọng trên thị trường như vậy, người trồng hồ tiêu sẽ không còn lợi nhuận, thậm chí có thể thua lỗ.
Trên thực tế, thời gian gần đây do giá tiêu xuống thấp, người trồng đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên đã gặp rất nhiều khó khăn. Giá xuống thấp kỷ lục, khiến nhiều chủ vườn không muốn thu hoạch sản phẩm. Bởi, nếu thu hoạch sẽ phải trả thêm khoản tiền nhân công. Cũng do mất giá, không có tiền trả cho người thu hoạch các chủ vườn phải chấp nhận việc thay vì trả tiền công, người thu hái sản phẩm được chia một nửa sản lượng.
Tuy nhiên, phương án này cũng gặp khó, nhiều người không mặn mà với việc được trả tiền công bằng hồ tiêu. Theo một chủ đại lý thu mua hồ tiêu ở huyện Chư Sê (Gia Lai), chưa thấy thời điểm nào giá hồ tiêu giảm mạnh như thời gian qua. Tình hình trong thời gian tới cũng không mấy khả quan. Bởi, hiện nay lượng dự trữ hồ tiêu trong nông dân còn khá nhiều, với tâm lý “găm” hàng chờ giá nhích lên chút rồi mới bán.
Khó... “giải cứu”
Việc giá hồ tiêu rớt giá thê thảm như trong thời gian qua là điều đã được nhiều người dự báo trước. Khi những cảnh báo về vỡ quy hoạch diện tích trồng cây gia vị này đã được đưa ra từ cách đây nhiều năm. Vào thời điểm đó, nhiều hộ dân đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên ồ ạt chặt bỏ các cây công nghiệp khác như cao su, điều để trồng hồ tiêu vì thấy sản phẩm được giá trên thị trường.
Theo số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vào năm 2015, giá hồ tiêu đạt tới mức 200 nghìn đồng/kg, gấp hơn 4 lần so với giá thành sản xuất. Với mức giá này, chưa có loại nông sản nào có được mức lãi như vậy. Chính điều đó đã là làm cho một số nông dân mở rộng diện tích ngoài quy hoạch. Thậm chí, có nhiều nơi còn trồng xen canh vào cây cà phê...
Trước đó, ở thời điểm năm 2010 diện tích trồng hồ tiêu của cả nước chỉ khoảng 51,5 nghìn ha. Đến năm 2017, con số này đã nhảy vọt lên tới trên 152 nghìn ha, tăng 196,3% so với năm 2010. Người ta còn trồng hồ tiêu cả ở những diện tích đất không thích hợp, dẫn tới hiện tượng sâu bệnh, thoái hóa giống...
Đơn cử, có thời điểm ở Đắk Lắk có gần 2,8 nghìn ha ha hồ tiêu bị sâu bệnh gây hại, chiếm phần lớn diện tích trồng hồ tiêu ở địa phương. Tương tự, Đắk Nông cũng có hơn 2,3 nghìn ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó, diện tích nhiễm bệnh chết nhanh là 642 ha. Điều đáng nói, mặc dù các cơ quan chức năng đã có những khuyến cáo, nhưng ở nhiều nơi người dân vẫn bất chấp, lao vào trồng hồ tiêu để lại những hệ lụy khó khăn như hiện nay.
Trước việc cây hồ tiêu gặp nhiều khó khăn về đầu ra, sản xuất nhiều nhưng không tiêu thụ được, các cơ quan chức năng ở các địa phương cũng đã đưa ra những biện pháp nhằm “giải cứu”. Tuy nhiên, khác với những nông sản khác như, dưa hấu, thanh long hay củ cải... việc “giải cứu” hồ tiêu khó khăn hơn rất nhiều. Giải pháp cốt lõi nhất được Hiệp hội Hồ tiêu đưa ra là cần quy hoạch diện tích trồng hồ tiêu cả nước ổn định ở khoảng 100 nghìn ha.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từng yêu cầu các địa phương tập trung giảm diện tích ở những nơi không phù hợp với cây tiêu, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết. Các địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ sản lượng hồ tiêu thế giới đã vượt quá nhu cầu, không nên phát triển ồ ạt diện tích.
Bên cạnh, cần có những giải pháp nhằm sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn VietGAP, để có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường lớn như Mỹ hay EU. Thay vì chỉ tập trung vào những thị trường truyền thống như Ấn Độ hay các nước khu vực Trung Đông. Thực tế, tại những thị trường này thời gian gần đây sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt đến từ Brazil và một số quốc gia khác.
Trong khi đó, đối với thị trường trong nước, hồ tiêu chủ yếu được dùng làm gia vị, nên số lượng sử dụng có hạn… sản phẩm không thể dùng nhiều trong các bữa ăn của người Việt, nên cũng rất khó để đòi hỏi việc “giải cứu” ồ ạt hồ tiêu như những nông sản khác.