Ngẫm nghĩ với thương hiệu Việt
Chuyển hồ sơ vụ khăn lụa Khaisilk sang công an Hà Nội | |
Sự sụp đổ của một thương hiệu |
Ảnh minh họa |
Người tiêu dùng đã từng tin tưởng vào chiếc dịch quảng bá dai dẳng, bền bỉ về một thương hiệu nổi tiếng, với các sản phẩm có được từ sản xuất nguyên vật liệu trong nước. Điều này đã đánh trúng tình cảm và ngọn lửa âm ỉ trong lòng mỗi người “Yêu nước nên chúng ta mua và sử dụng hàng hóa nội địa!”.
Nhưng lòng tin ấy đã bị phản bội, kẻ khôn lỏi, biển lận đã trục lợi cho bản thân trên niềm tin có màu sắc thiên vị của lòng yêu nước mà cộng đồng dành cho các hàng hóa mang thương hiệu Việt. Vì sao? Vì đồng tiền, lợi nhuận che mắt, hay còn vì một lý do nào khác?
Đây không phải lần đầu tiên người tiêu dùng thất vọng trước một sản phẩm buôn gian bán lận. Nhưng vụ Khaisilk như một giọt nước tràn ly. Và người tiêu dùng bấy lâu nay sẽ hoang mang, không biết thương hiệu lụa này đã lừa người tiêu dùng một lần, hay mấy chục năm thì chỉ có người chủ mới biết. Hành vi “treo đầu dê, bán thịt chó” này phải bị lên án.
Nó cho thấy một thói kinh doanh thiếu văn hóa, hay là một “văn hóa kinh doanh tham lam” như nhiều người từng nhận định. Nhiều món hàng tương tự núp bóng hàng Việt Nam chất lượng cao, được nâng lên tầm mỹ miều, đáng tự hào, nhưng lại trộn “hàng dởm” vào để bán kiếm lời.
Có một điều tra năm 2016 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) cho thấy, hàng giả “đội lốt” hàng Việt luôn là vấn đề nhức nhối. Đặc biệt, trong năm 2016, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện gần 1.500 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó có không ít vụ hàng Trung Quốc nhập lậu nhưng nhái nhãn hiệu hàng của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều cá nhân, tổ chức đến tận gốc nhập hàng ngoại về, sau đó chế biến nhãn, thương hiệu của một số doanh nghiệp có uy tín ở trong nước để bán kiếm lời. Rồi ngay cả những doanh nghiệp từng có uy tín, cũng đến lúc đem uy tín của mình thả trôi theo cơ chế thị trường mà lợi nhuận luôn che cả cái tâm.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị nhỏ và vừa chia sẻ rằng, nạn cân điêu, đong thiếu làm giảm đi lối ứng xử văn hóa tốt đẹp của người dân ta. Nạn hàng giả, hàng nhái thì hoành hành, làm suy giảm lòng tin vào văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh của giới doanh nhân. Đồng thời những điều đó cũng làm mất ổn định việc tiêu dùng của người dân.
Bởi theo tìm hiểu, những năm qua tại các chợ đầu mối, hàng nông sản cũng bị “treo đầu dê, bán thịt chó” chứ không cứ gì hàng may mặc, dân dụng. Rồi ở một số làng gốm, khi không sản xuất đủ độ bóng bẩy, một số doanh nghiệp nhập hàng nước ngoài giá rẻ về bán lẫn với hàng Việt Nam.
Lúc này, nhiều cơ sở kinh doanh hàng lụa, hàng may mặc sẽ bị ảnh hưởng bởi “cơn bão” Khaisilk bán lụa Trung Quốc với mác Việt. Kể cả thương hiệu của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông), Nha Xá (Hà Nam), Duy Xuyên (Quảng Nam)… Những năm qua, lụa Vạn Phúc đã gặp nhiều khó khăn bởi kinh tế thị trường. Thực tế là đã có những người phải nhập hàng Trung Quốc về bán. Tất nhiên nhãn mác vẫn giữ nguyên và giá rất rẻ.
Nhưng, cùng với đó là sự cố gắng của các nghệ nhân làng nghề vẫn bền bỉ với đôi bàn tay khéo léo dệt lên những tấm lụa mượt mà, mang đậm nét văn hóa, bảo tồn một thương hiệu lụa có tiếng.
Dư luận sẽ không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi: Liệu còn có bao nhiêu Khaisilk, hoặc tương tự như vậy? Thực tế những sản phẩm đã làm nên thương hiệu của không ít doanh nhân, nhưng từ thương nhân biến thành gian thương cũng chỉ như chớp mắt, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, thậm chí làm suy yếu đất nước.
Đã đến lúc cần phải nhấn mạnh hơn nữa văn hóa, đạo đức kinh doanh. Mà điều đó có được cần sự nghiêm minh của pháp luật, sự công tâm của người thực thi và sáng suốt của người tiêu dùng.