Sự sụp đổ của một thương hiệu
Ông chủ Khaisilk cũng thừa nhận có tới hơn 50% sản phẩm của đơn vị có nguồn gốc từ Trung Quốc (mặc dù theo nhận định của nhiều chuyên gia thì con số này phải chiếm cao hơn nữa do thực tế trình độ xử lý tơ và kỹ thuật dệt của Việt Nam chưa thể cạnh tranh với TQ).
Một cửa hàng Khaisilk |
“Hành vi này là lừa dối khách hàng, lợi dụng lòng tin người tiêu dùng để thu siêu lợi nhuận cho bản thân. Không bàn đến chất lượng sản phẩm, việc lấy hàng “made in China” để biến thành khăn mang thương hiệu Việt như vậy là không thể chấp nhận được và không thể chỉ xin lỗi là xong. Ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm, trách nhiệm đó có thể là 10 năm tù, là mấy trăm triệu tiền đền bù thiệt hại cho khách hàng, hay những năm tháng bị miệt thị họ vẫn phải chịu bởi khi bắt đầu bán hàng giả họ đã lựa chọn cho mình cái kết như thế”, chị Hồng Minh (Văn Miếu) chia sẻ.
Câu chuyện của Khaisilk chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện đánh mất niềm tin của người tiêu dùng Việt. Trước đó, khóa Minh Khai, một thương hiệu lâu đời trong làng khóa cũng đã bị phanh phui chuyện đóng mác Việt cho khóa nhập ngoại. Rồi hàng loạt những thương hiệu vỏ Việt ruột China như nồi cơm điện, bếp… đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin với các doanh nghiệp Việt.
Đáng lưu ý là kết quả điều tra người tiêu dùng năm 2016 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) cho thấy, hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt luôn là vấn đề nhức nhối khi chính các doanh nghiệp Việt Nam đã "châm ngòi" cho "phong trào" này.
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã sang Trung Quốc đặt sản xuất các loại bếp gas, lò nướng, lò vi sóng… sau đó dán nhãn mác mang thương hiệu của một số doanh nghiệp Việt Nam sản xuất để dễ tiêu thụ. Thậm chí, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng trong tình trạng tương tự và được bày bán công khai tại các chợ.
“Những thương hiệu lớn, làm ăn lâu đời mà còn bán rẻ chữ “Tín” như thế thử hỏi ai còn tin vào hàng Việt được nữa? Hàng giả, hàng nhái công khai đánh lừa người tiêu dùng ngay trước mắt các cơ quan quản lý, người tiêu dùng tổn thất niềm tin còn nặng nề hơn nhiều so với tổn thất về vật chất. Đã đến lúc các DN nâng cao hơn nữa niềm tự tôn dân tộc. Đây là bài học quý cho các DN Việt làm thật và sống thật hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần phải xem lại mình, tại sao một thương hiệu lớn làm ăn giả dối trong bao nhiêu năm lại không một cơ quan quản lý thị trường nào phát hiện ra? Chỉ đến khi người tiêu dùng tung hê lên mạng xã hội mới biết, trách nhiệm của cơ quan quản lý, giám sát ở đâu?”, anh Trần Minh Đăng (Hào Nam) chia sẻ. Cộng đồng mạng cũng cho rằng việc nhận sai và xin lỗi của ông chủ Hoàng Khải đã thể hiện sự thẳng thắn, có trách nhiệm (?!).
Tuy nhiên, điều này không thể cứu vớt được sự tổn thất về niềm tin, tiền bạc của người tiêu dùng. "Biết bao nhiêu khách hàng tin tưởng mua hàng về sử dụng, làm kỷ niệm, tặng quà cho đối tác... trong từng ấy năm, giờ xin lỗi có giải quyết được gì không? Và liệu có thu hồi được tất cả sản phẩm đã bán?".
Theo ông Phạm Khắc Hà (Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc), việc bỏ mác nước ngoài đi đưa mác Việt Nam là việc làm phi đạo đức vì đây chính là hành vi lừa dối khách hàng, không trung thực. Ngay tại địa phương, chúng tôi, luôn nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh phải minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Nếu lụa là hàng ngoại nhập thì phải ghi rõ là hàng nhập, hàng Việt Nam ghi rõ là Việt Nam và lụa của Vạn Phúc phải có in tên tuổi đàng hoàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nguyên nhân của hiện tượng này là mục tiêu lợi nhuận đã khiến không ít doanh nghiệp phá vỡ những giá trị đạo đức xã hội và kinh doanh để hưởng lợi, họ sẵn sàng “ăn gian, nói dối” miễn là làm sao đạt được điều mong muốn.
Với Khaisilk có lẽ bản án sụp đổ thương hiệu sẽ theo đuổi đại gia này cho đến cuối cuộc đời. “Một lần bất tín vạn lần bất tin” câu nói của cổ nhân luôn đúng và tôi tin chắc rằng để lấy lại chữ tín, Khaisilk cần phải vượt qua một chặng đường vô cùng gian lao ngay trước mắt.