Ngân hàng Phát triển Việt Nam: Huy động nguồn lực lớn cho nền kinh tế
Hiệu quả từ kênh huy động vốn
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được thành lập trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ Phát triển theo Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/05/2006 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Đến nay, sau 10 năm hoạt động, với sự nỗ lực và quyết tâm, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, hoạt động của VDB vẫn đảm bảo an toàn vốn và phát triển.
Tính đến 31/12/2015, tổng nguồn vốn của VDB tăng 2,9 lần so với năm 2006, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13%/năm. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng. VDB là một trong 10 ngân hàng có quy mô nguồn vốn lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.
Ngoài nguồn vốn điều lệ do Ngân sách Nhà nước cấp, trong giai đoạn 2006 - 2015, không kể vốn ODA, VDB đã huy động được hơn 400 nghìn tỷ đồng, đạt tốc độ tăng bình quân 13%. Số dư vốn huy động đến 31/12/2015 đạt hơn 150 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng nguồn vốn của VDB.
Quy mô vốn huy động thông qua VDB chiếm bình quân 5% GDP và 14% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hàng năm, thông qua VDB, một lượng vốn lớn trong nền kinh tế liên tục được tích lũy để đưa vào sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng... từ đó góp phần tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, gia tăng giá trị tài sản cố định cho nền kinh tế.
Do có ưu thế với các ngân hàng thương mại vì được Chính phủ tạo cơ chế đặc thù không phải dự trữ bắt buộc nên toàn bộ nguồn vốn do VDB huy động đều được cung ứng cho nền kinh tế, gia tăng hiệu suất sử dụng nguồn vốn một cách tối đa, tăng tỷ lệ tiền tệ hóa cho nền kinh tế. Dư nợ cho vay tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của VDB đến 31/12/2015 đạt hơn 170 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2006, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân 11%/năm.
Đáp ứng nhu cầu vốn ổn định, lâu dài
Các dự án đầu tư phát triển thường đòi hỏi lượng vốn lớn, có thời hạn vay dài, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia có quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng và thời gian hoàn vốn lên đến 30 năm mà các ngân hàng thương mại khó có thể đáp ứng được.
Tuy nhiên, được sự hỗ trợ và ủng hộ của Chính phủ cùng các bộ ngành, VDB đã tạo dựng thành công các kênh huy động vốn dài hạn với thời hạn lên tới 15 năm, phù hợp với quy định về thời hạn cho vay tối đa đối với các dự án tín dụng đầu tư tại VDB (15 năm).
Nguồn vốn huy động chủ yếu của VDB là phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, chiếm tỷ trọng 70%-80% tổng số vốn huy động của VDB và 40% tổng nguồn vốn (bao gồm cả ODA). Trong thời gian qua, trái phiếu do VDB phát hành được đa dạng hóa theo các kỳ hạn khác nhau 2 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm.
Thực hiện theo chủ trương của Quốc hội về việc tái cơ cấu các khoản nợ của Chính phủ, từ năm 2014, VDB giảm dần phát hành các kỳ hạn ngắn (2-3 năm) và tăng dần tỷ trọng các kỳ hạn dài (trên 5 năm). Việc kéo dài kỳ hạn huy động vốn cũng nằm trong chiến lược tái cơ cấu hoạt động của VDB theo đề án chiến lược tại Quyết định số 369/QĐ-TTg mà VDB đang triển khai những bước đầu tiên.