Ngành Ngân hàng: Chủ động hóa giải thách thức
Điều hành chính sách tiền tệ: Kiên định với các mục tiêu | |
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt | |
Thống đốc chỉ đạo giải pháp điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm |
Chính sách tiền tệ vượt khó
Hệ thống NH đối mặt nhiều khó khăn thách thức cả nội tại lẫn bên ngoài trong năm 2016, nhưng theo đánh giá của thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia (CSTCTTQG) TS. Cấn Văn Lực, về cơ bản điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đã có một năm thành công. Đó là điều hành lãi suất, tỷ giá khá tốt cũng như tiếp tục đảm bảo ổn định thanh khoản đối với hệ thống NH, nhất là phối hợp CSTT và tài khóa đã tốt hơn.
Nguyên trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, TS. Trần Du Lịch cũng đồng tình với nhận định này và cho rằng một thành công lớn nữa của NHNN trong năm 2016 là đã điều hành một cách hài hòa các mục tiêu được giao: ổn định giá trị đồng tiền, chống lạm phát nhưng vẫn đảm bảo phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế.
Hai mục tiêu trên có lúc mâu thuẫn nhau, nhưng NHNN đã điều hòa được, như mua lượng lớn ngoại hối nhưng không gây áp lực lạm phát. Hay như vừa đảm bảo nguồn lực xử lý các vấn đề tồn tại nhưng vẫn giúp nền kinh tế có mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế…”. Việc giải quyết được hài hòa các mục tiêu là cái được lớn nhất” - TS. Lịch viện dẫn.
Nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các TCTD |
Nhiều chuyên gia dự báo điều hành CSTT sẽ gặp những áp lực lớn trong năm 2017, khi ngành Ngân hàng phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu lớn. Theo TS. Cấn Văn Lực có bốn mục tiêu sẽ là thách thức lớn đối với điều hành CSTT của NHNN năm nay. Thứ nhất là câu chuyện tăng trưởng kinh tế GDP đạt 6,7%. Thách thức ở mục tiêu này là Việt Nam đang thực hiện quyết liệt hơn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Do đó chúng ta phải tập trung vào vấn đề chất lượng hơn là số lượng, nên tăng trưởng kinh tế không thể quá nhanh được. Chính phủ vẫn đang tiếp tục kiểm soát chặt chẽ để giữ tỷ lệ nợ công, cũng như giảm thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, các trụ cột động lực tăng trưởng kinh tế khác như xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư nước ngoài… chưa có những đột phá. Như vậy, áp lực vẫn sẽ dồn lên vai NH với vai trò kênh cấp vốn chủ lực cho nền kinh tế.
Thứ hai, đối với chỉ tiêu lạm phát, từ năm 2017 chúng ta sử dụng chỉ tiêu CPI bình quân, nhiều khả năng có thể kiểm soát được mục tiêu lạm phát nhưng không nên chủ quan. Vì năm nay, giá cả hàng hóa thế giới có thể tăng, thậm chí là tăng mạnh hơn so với năm ngoái. Chưa kể trong nước giá nhiều hàng hóa do Nhà nước kiểm soát vẫn đang trong lộ trình tăng.
Bên cạnh đó, lượng cung tiền trong nền kinh tế từ năm ngoái dồn về 2017, cộng với cung tiền mới trong năm nay cũng khá lớn (tăng trưởng tín dụng 2017 dự kiến ở mức18%) cũng có tác động nhất định câu chuyện lạm phát. Thách thức thứ ba, liên quan đến điều hành lãi suất, tỷ giá. Chính phủ tiếp tục yêu cầu hệ thống NH giảm tiếp lãi suất, nhất là lãi suất trung, dài hạn. Khả năng giảm lãi suất lại gặp nhiều trở ngại khi nợ xấu chưa xử lý được nhiều, NH vẫn phải trích lập chi phí lớn cho dự phòng rủi ro.
Dù NH tiết giảm chi phí hoạt động nhưng đó chỉ là cấu phần nhỏ không tác động nhiều đến chi phí lãi suất. Còn tỷ giá vẫn được nhận định sẽ chịu nhiều áp lực khi đồng USD tiếp tục lên giá, Trung Quốc linh hoạt hơn trong CSTT... Thách thức thứ tư, đó là tái cơ cấu, xử lý nợ xấu hệ thống NH còn rất nhiều việc dang dở phải làm.
“Trong khi NH đang phải phục vụ mục tiêu tái cơ cấu, tăng trưởng kinh tế, Chính phủ yêu cầu NH tham gia nhiều gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Công việc này đáng nhẽ phải do ngân sách Nhà nước thực hiện chứ không phải NH. NH phải tiến tới thị trường, giảm dần ưu đãi. Đây là yêu cầu quá nặng đối với hệ thống NH”, TS. Trần Du Lịch bổ sung thêm những áp lực nặng nề của NHNN trong năm 2017…
Xử lý nợ xấu vẫn là ưu tiên số một
Nhận diện những thách thức trên, ngay từ những ngày đầu năm, Thống đốc NHNN đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với toàn hệ thống.
Tại Chỉ thị 01, Thống đốc đưa ra định hướng điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; bảo đảm thanh khoản của các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ. Năm 2017, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 -18%, tín dụng tăng khoảng 18%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế…
Còn tại Chỉ thị 02, Thống đốc NHNN nhấn mạnh đến mục tiêu tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống và xử lý nợ xấu. Theo đó, Thống đốc yêu cầu các TCTD kết hợp triển khai những giải pháp xử lý nợ xấu với các giải pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. NHNN không xem xét chấp thuận mở rộng mạng lưới, hạn chế tạm ứng chia cổ tức… đối với các TCTD chưa phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.
Đối với hoạt động tái cơ cấu, người đứng đầu NHNN cũng đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn: Các TCTD không đáp ứng được các chuẩn mực an toàn, TCTD không có phương án cơ cấu lại khả thi hoặc không thực hiện được phương án cơ cấu lại được phê duyệt sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp can thiệp như sáp nhập, hợp nhất, mua lại…
Cho rằng, những mục tiêu NHNN đưa ra tại hai chỉ thị rất trúng và đúng, song một thành viên Hội đồng tư vấn CSTCTTQG lưu ý vấn đề tái cơ cấu, xử lý nợ xấu vẫn là ưu tiên số một và đây cũng là vấn đề mà xã hội đang trông chờ vào giải pháp quyết liệt từ nhà điều hành. Điều hành lãi suất và tỷ giá đã được NHNN thực hiện khá tốt trong thời gian qua, nhưng tới đây cần phải theo tính thị trường, linh hoạt hơn đảm bảo mức độ ứng biến tránh những cú sốc.
TS. Trần Du Lịch cũng tỏ ra lo lắng về mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, lãi suất trong tình thế thế giới rất biến động, khó dự báo. TS. Lịch khuyến nghị và kỳ vọng ngành Ngân hàng thực hiện hiệu quả tái cơ cấu, lành mạnh hóa hệ thống NHTM bằng những giải pháp căn cơ chứ không phải chỉ bằng các giải pháp tình thế. Giải pháp căn cơ mà TS. Lịch đề cập tới là cấp bách thông qua Luật về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu tại kỳ họp Quốc hội tới đây...
TS. Luật sư Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh Vẫn có cơ hội giảm lãi suất Việc bảo hộ mậu dịch của chính quyền tân Tổng thống Mỹ, tình trạng Brexit, kinh tế khu vực EU còn khó khăn cũng như tình hình kinh tế của Trung Quốc chưa mấy khả quan chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến 50% thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Cùng với việc đồng USD mạnh lên và các nước trong rổ tiền tệ tính tỷ giá trung tâm sẽ có xu hướng phá giá càng làm cho tỷ giá của VND khó duy trì ổn định như năm 2016. Dự đoán tỷ giá USD/VND sẽ tăng lên từ 2 - 4%. Đối với tình hình trong nước, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 2017 dự kiến là 18%, GDP mục tiêu dự kiến là 6,7% và NHNN cũng sẽ tích cực hỗ trợ thanh khoản trên thị trường liên NH. Cộng với đà tăng giá của nhiều mặt hàng trên thế giới và áp lực tỷ giá gia tăng chắc chắn sẽ làm cho lạm phát khó giảm hơn so với năm 2016, lãi suất cũng sẽ khó giảm hơn mức năm 2016. Như vậy năm 2017, có nhiều thách thức cho hệ thống NH, đặc biệt là vấn đề lãi suất. Song cơ hội để giảm lãi suất không phải là không có. Thứ nhất, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chờ đợi nhiều DN nhà nước được cổ phần hoá và lên sàn chứng khoán. Đây sẽ là cú hích quan trọng cho dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, hỗ trợ cho việc ổn định tỷ giá và giảm lãi suất. Thứ hai, kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt từ số lượng DN tăng mạnh, khu vực công nghiệp và dịch vụ vẫn đà tăng trưởng, khu vực nông - lâm - thuỷ sản phục hồi sau những tác động bất lợi của thời tiết, cán cân thương mại có thặng dư càng tạo đà cho lãi suất giảm. Điều kiện thứ ba nằm ở Đề án tái cơ cấu hệ thống NH giai đoạn 2016 - 2020 cũng như dự thảo đề án xây dựng luật riêng cho xử lý nợ xấu. Kiểm soát rủi ro tín dụng, xử lý nợ xấu một cách quyết liệt như lộ trình NHNN đề ra cũng là cơ sở để các NH có thêm thanh khoản dồi dào, tạo điều kiện cho các NH giảm chi phí, hỗ trợ cho việc giảm lãi suất. TS. Nguyễn Trí Hiếu Cơ cấu tín dụng cần phân bổ hợp lý Phải thừa nhận NHNN cũng như toàn ngành Ngân hàng đang đứng trước một gánh nặng, nhiệm vụ rất lớn trong năm 2017. Nếu muốn kiềm chế lạm phát, sẽ phải thắt chặt CSTT, gây khó cho tăng trưởng mạnh. Ngược lại, muốn cho tăng trưởng mạnh thì phải đẩy một lượng tiền vào lưu thông, như vậy việc kiểm soát lạm phát 4% là không dễ. Xét về lâu dài, hai mục tiêu này sẽ hỗ trợ cho nhau, khi ổn định vĩ mô phải đạt được cả về kiểm soát lạm phát lẫn tăng trưởng kinh tế. Nhưng trong ngắn hạn lại có thể xung đột với nhau. Nên vấn đề là các NHTW phải có sự lựa chọn đâu là ưu tiên chính. Đối với lĩnh vực tài chính - NH, vấn đề xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngành NH, đưa lãi suất cho vay xuống thấp hỗ trợ DN... đã là những thử thách lớn. Chưa kể năm 2017 là năm được dự báo thế giới sẽ gặp những biến động lớn. Ngay từ đầu năm, có thể thấy trên thế giới đã có những biến động về mặt chính trị toàn cầu khi Tổng thống mới của Mỹ lên nhậm chức như: việc cấm nhập cư với một số quốc gia, hay việc Mỹ có thể thay đổi chính sách về mậu dịch, đối ngoại với các quốc gia khác. Đặc biệt tiến trình toàn cầu hoá dường như đang bị đảo ngược bởi Chính phủ Mỹ... Những thay đổi trong môi trường kinh doanh, tài chính, đầu tư trên thế giới sẽ ảnh hưởng và gây ra những khó khăn cho Việt Nam. Chúng ta kỳ vọng sẽ đạt được nhiều mục tiêu, nhưng khả năng đạt được tất cả cũng không hề dễ dàng. Để đạt được mức tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng, thì tăng trưởng tín dụng cũng phải ở một mức phù hợp. Vấn đề vô cùng quan trọng là tín dụng phải được đẩy vào những khu vực có hiệu quả kinh tế cao. Rót vốn vào những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, DNNVV, công nghệ thông tin... là cần thiết, nhưng nếu dồn quá nhiều vốn vào khu vực này, trong khi hiệu quả kinh tế chưa cao thì chúng ta sẽ khó đạt được mức tăng trưởng kinh tế như mong muốn. Do đó, NH phải có sự phân bổ cơ cấu tín dụng hợp lý vào những lĩnh vực kinh tế năng suất cao, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu như: hàng hoá tiêu dùng, nông nghiệp xuất khẩu... Mục tiêu chung của ngành Ngân hàng Việt Nam là hoạt động ổn định, bền vững và lành mạnh với hiệu quả kinh tế cao, phục vụ lợi ích của đại bộ phận dân chúng. Bên cạnh đó, nếu thực sự để ngành Ngân hàng vững vàng chèo lái qua sóng gió thì việc xử lý nợ xấu phải dứt điểm. Ngành Ngân hàng phải quản lý rủi ro và được quản trị thích hợp. Theo đó, Basel II phải được áp dụng càng sớm càng tốt, và ngân hàng phải có những cơ chế, chính sách để phù hợp với hiệp ước vốn này. Những vấn đề trong quá khứ như lợi ích nhóm, sở hữu chéo, đầu tư chéo... cũng cần được giải quyết hết sức mạnh mẽ. Thảo Minh thực hiện |