Ngành Ngân hàng chủ động trong Cách mạng công nghiệp 4.0
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu khai mạc Hội thảo |
Nổi bật nhất là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo; các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học, trao đổi dữ liệu qua giao diện chương trình ứng dụng mở... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, làm phong phú thêm những trải nghiệm dịch vụ của khách hàng.
Các ngân hàng Việt Nam cũng đang có sự đầu tư lớn về hạ tầng công nghệ thông tin, corebanking thế hệ mới, triển khai các công nghệ nền tảng mới, ứng dụng các giải pháp sáng tạo theo xu hướng chung về chuyển đổi số, số hóa dịch vụ của ngành Ngân hàng nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số theo hướng đơn giản, thân thiện, tự động, thông minh và tiếp cận khách hàng đa kênh đồng nhất (Omni-Channel).
Tọa đàm với chủ đề “Phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng” |
Cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, nhận biết được tầm quan trọng và sự tác động mạnh mẽ của các thành tựu khoa học công nghệ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động của ngành nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mới đây, ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ ngành Ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng được xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong những năm tới.
Trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các công nghệ mới nổi và sự đổi mới sáng tạo được khuếch tán nhanh hơn và bao phủ rộng hơn so với những cuộc cách mạng trước, làm thay đổi căn bản, toàn diện cách thức sản xuất, sinh sống và làm việc, giúp định hình lại các giá trị và đem đến các sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn mới.
Có thể thấy, bên cạnh sự xuất hiện và ứng dụng các công nghệ số trong hoạt động ngân hàng thông qua xu hướng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam là sự phát triển, mở rộng hệ sinh thái dịch vụ tài chính trong nước với sự góp mặt của các doanh nghiệp fintech (công nghệ tài chính), phát triển dựa trên thành tựu của khoa học công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử gia tăng, các hoạt động đa dạng của kinh tế số và thỏa mãn tốt hơn nhu cầu, hành vi thay đổi của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số. Xu hướng hợp tác đôi bên cùng có lợi, cộng hưởng sức mạnh giữa ngân hàng và doanh nghiệp fintech đang là xu hướng phát triển chủ đạo tại thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam hiện nay.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Phó Thống đốc cũng cho rằng, dù đã đạt được những thành tựu cơ bản, quan trọng và được đánh giá là ngành đi đầu trong công cuộc đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ, nhưng trước mắt ngành Ngân hàng còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải liên tục đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng để hướng tới tầm phát triển cao hơn.
Những đòi hỏi đó là: sự tích hợp liên thông dịch vụ ngân hàng tới tất cả các ngành kinh tế - xã hội khác; triển khai thành công mô hình ngân hàng số tại Việt Nam; đưa công nghệ dữ liệu lớn ứng dụng rộng rãi và hiệu quả hơn nữa trong phân tích hành vi, đánh giá, xếp hạng khách hàng, hỗ trợ ra quyết định…; sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích yêu cầu, tự động kiểm soát, giám sát giao dịch và dần thay thế con người để đưa ra các quyết định một cách thông minh, hiệu quả và khách quan; sử dụng sinh trắc học trong e-KYC và ứng dụng trong dịch vụ thanh toán trên mobile cùng các thiết bị di động; đặc biệt là chú trọng mở rộng triển khai dịch vụ ngân hàng điện tử tới mọi người dân tại các vùng nông thôn nhằm thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện…