Chính sách công nghiệp quốc gia: Một số xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam
Kinh tế thế giới và khu vực hiện nay đang chứng kiến những chuyển biến nhanh, mạnh mẽ và sâu rộng trên nhiều phương diện, trong đó nổi bật là sự phát triển chưa từng có tiền lệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Với trọng tâm là chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ cao, CMCN 4.0 đang làm thay đổi cơ bản mô hình phát triển kinh tế, phương thức sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế lớn, đã và đang điều chỉnh chiến lược công nghiệp của mình để thích ứng với xu hướng này, tận dụng công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu (trong đó có sự gia tăng các diễn biến thời tiết cực đoan), suy giảm tài nguyên thiên nhiên và yêu cầu cấp bách về phát triển bền vững đang tạo ra áp lực to lớn lên các quốc gia, đặc biệt là những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, việc thích ứng và giảm nhẹ tác động đối với các nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào chính sách môi trường của các quốc gia, mà còn phụ thuộc vào năng lực phát triển các ngành công nghiệp mới nhằm tạo động lực cho quá trình thích ứng và giảm nhẹ tác động ấy.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc xây dựng và triển khai chính sách công nghiệp quốc gia hiệu quả không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn mang tính chiến lược lâu dài. Chính sách công nghiệp ngày nay không chỉ giúp định hướng và tạo động lực cho phát triển các ngành kinh tế riêng lẻ, mà còn phải tạo dựng động lực mới để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tăng cường mức độ và hiệu quả tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với tư duy đó, CIEM đã thực hiện nghiên cứu và xây dựng báo cáo “Chính sách công nghiệp quốc gia: Một số xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam”. Trình bày kết quả nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, báo cáo hướng tới ba mục tiêu chính: (i) Phân tích cơ sở lý luận và các xu hướng chính sách công nghiệp quốc gia trên thế giới; (ii) Đánh giá mức độ thích ứng với các xu hướng mới của chính sách công nghiệp tại Việt Nam; và (iii) Đề xuất tầm nhìn mới và các khuyến nghị chính sách nhằm phát triển công nghiệp quốc gia bền vững và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng nâng cao hàm lượng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc tập trung phát triển các ngành kinh tế trọng điểm như công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu và các lĩnh vực gắn với công nghệ số sẽ tạo nền tảng đột phá cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế xanh, gắn với động lực cho doanh nghiệp khai thác giá trị từ các mô hình mới như kinh tế tuần hoàn, ứng dụng đổi mới sáng tạo, cũng là một hướng đi quan trọng để chuyển đổi khu vực công nghiệp theo hướng “xanh hóa”, “hiện đại hóa”.
Theo đó, báo cáo đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cải cách thể chế và chính sách trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Việc rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế từ các xu hướng phát triển mới, từ các hiệp định thương mại tự do và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên.
Ngoài ra, báo cáo cũng phân tích các định hướng, yêu cầu chính sách công nghiệp nhằm tháo gỡ những vấn đề “cố hữu” của Việt Nam như năng suất lao động còn thấp, khả năng phát triển công nghệ hạn chế và sự phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động.
Các khuyến nghị tập trung vào việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước kết nối hiệu quả vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Các giải pháp như nâng cao năng lực sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vượt qua rào cản hiện tại và dần đóng góp vào năng lực tự chủ của nền kinh tế, kể cả trong các ngành, lĩnh vực mới gắn với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Báo cáo kiến nghị tăng cường liên kết thực chất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, từ đó hình thành hệ sinh thái công nghiệp bền vững, thích ứng với xu hướng phát triển toàn cầu. Những đóng góp này khẳng định giá trị ứng dụng thực tiễn cao của báo cáo trong việc định hình chiến lược công nghiệp quốc gia, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền công nghiệp hiện đại và bền vững.
Tại hội thảo, các chuyên gia thảo luận sâu về xu hướng chính sách công nghiệp trên thế giới, đánh giá thực trạng tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp cụ thể cho giai đoạn tiếp theo.
GIZ đã hoạt động ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Thay mặt cho Chính phủ Đức, GIZ cung cấp các dịch vụ tư vấn cho Chính phủ Việt Nam và hiện đang tham gia vào ba lĩnh vực ưu tiên, bao gồm dạy nghề, chính sách về môi trường và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, và năng lượng. Với Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng Xanh, GIZ Việt Nam trực tiếp kết nối những hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên với “Chiến lược tăng trưởng xanh” của Việt Nam nhằm đạt được hiệu quả lâu dài trong tất cả các lĩnh vực và tạo thuận lợi cho Việt Nam hướng tới một tương lai bền vững. |