Ngành NH Đà Nẵng góp phần tạo gam màu sáng trong tăng trưởng kinh tế địa phương
Tham dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN; ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cùng đại diện các vụ, cục NHNN, các ngành chức năng địa phương và lãnh đạo các TCTD trên địa bàn.
Nỗ lực vượt bậc…
Theo ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng, thời gian qua, ngành Ngân hàng Đà Nẵng bám sát và thực hiện đúng chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Hệ thống ngân hàng Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD và đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu...
Cùng với đó, NHNN Đà Nẵng ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 35 của Chính phủ; phối hợp cùng với các ngành chức năng của địa phương, tăng cường hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là tiếp cận vốn tín dụng và giảm lãi suất cho vay. Nhờ đó, ngành Ngân hàng Đà Nẵng đạt được những kết quả khả quan, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Những nỗ lực của ngành Ngân hàng Đà Nẵng được ông Võ Minh dẫn chứng bằng những con số cụ thể như: Tổng vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt trên 98.158 tỷ đồng, tăng 24,68% so với cuối năm 2015. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động của một số TCTD là giải pháp tích cực, kịp thời, trên tinh thần thực hiện đúng sự chỉ đạo của Thống đốc NHNN về tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và nền kinh tế. Thời điểm cuối năm, giá vàng, ngoại tệ có biến động nhưng không gây tác động đến hoạt động huy động trên địa bàn.
Công tác huy động vốn tại chỗ tốt, hỗ trợ tích cực cho đầu tư tín dụng của TCTD. Đến cuối năm 2016, Đà Nẵng có mức tăng trưởng tín dụng 27,56% so với cuối năm 2015, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đạt 94.604 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay DN là 61.946 tỷ đồng, chiếm 65,48% trên tổng dư nợ, tăng 18,79%.
Năm 2016, hoạt động của các TCTD có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra giám sát, phối hợp xử lý nợ xấu thực hiện có hiệu quả. Do đó, tỷ lệ nợ xấu năm 2016 được kiểm soát ở mức rất thấp, thấp nhất trong các năm trước đây, góp phần đảm bảo tính an toàn và ổn định của hệ thống ngân hàng. Cụ thể, nợ xấu chỉ 899 tỷ đồng, giảm 418 tỷ đồng so với cuối năm 2015, chiếm tỷ lệ 0,95% trên tổng dư nợ.
Để có được con số tăng trưởng ấn tượng như trên, NHNN Đà Nẵng quyết liệt vào cuộc chỉ đạo các TCTD trên địa bán bám sát chỉ đạo của NHNN, chính quyền thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn và kết nối NH – DN. Ông Minh khẳng định, cho vay bằng VND tăng mạnh (30,83%), cho vay bằng ngoại tệ giảm 10,07% so với năm 2015, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa và vàng hóa của Chính phủ, góp phần ổn định thị trường ngoại hối. Dòng vốn tín dụng tiếp tục tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, tín dụng bất động sản và các lĩnh vực rủi ro khác được kiểm soát nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ vốn cho dự án nhà ở xã hội, dự án phục vụ nhu cầu thực của người dân và tổ chức kinh tế.
Chính quyền đánh giá cao
Các chuyên gia nhận định năm 2016 kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức bởi DN chưa thực sự phục hồi, sức cầu thị trường vẫn còn yếu, thị trường xuất khẩu có nhiều biến động... Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, song kinh tế Đà Nẵng được đánh giá là có sự phát triển tốt so với những năm trước đó. Các ngành kinh tế trọng điểm như du lịch, công nghiệp, thương mại dịch vụ đều đạt được sự tăng trưởng như sự kỳ vọng của chính quyền TP. Đà Nẵng.
Theo ông Trần Văn Miên, trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen do ảnh hưởng của diễn biến thị trường trong nước và thế giới, Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng cùng các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương của Chính phủ, Nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp điều hành phù hợp, cùng với sự nỗ lực của DN, tình hình kinh tế, xã hội được duy trì ổn định, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, tăng trưởng GDP đạt khá.
Năm 2016, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) của Đà Nẵng đạt khoảng 53.900 tỷ đồng, tăng 9,04% so với năm 2015. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt khoảng 77.050 tỷ đồng, đạt 91,2% kế hoạch, tăng 15,3% so với năm trước. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 9,6%. Trong khi, kim ngạch nhập khẩu khoảng 1,115 tỷ USD, tăng 3,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt khoảng 50.627 tỷ đồng, tăng 11,3%. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 12,3%. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt khoảng 2.048 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2015.
Ông Miên khẳng định, góp phần tạo nên những gam màu sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng, chính nhờ sự đóng góp rất lớn của ngành Ngân hàng. Chính quyền Đà Nẵng biểu dương tinh thần nỗ lực của ngành Ngân hàng Đà Nẵng trong suốt thời gian qua. Từ đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN, người dân tiếp cận vốn vay duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây là điều đáng mừng, tạo đà phát triển cho kinh tế, xã hội của Đà Nẵng trong giai đoạn tiếp theo. Chính quyền thành phố ghi nhận và tiếp tục đồng hành cùng ngành Ngân hàng Đà Nẵng để đạt được nhiều kết quả cao hơn trong thời gian tới.
Để có được kết quả đáng khích lệ, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương, ngành Ngân hàng Đà Nẵng có sự nỗ lực vượt bậc trong việc tập trung tháo gỡ vướn mắc trong đầu tư tín dụng cho DN; xử lý nợ xấu, cải cách thủ tục hành chính cũng như đẩy mạnh hiện đại hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng biểu dương sự nỗ lực vượt qua thách thức, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao và tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân trên địa bàn có đủ vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; đảm bảo an toàn hệ thống; cung ứng đầy đủ dịch vụ ngân hàng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Cùng với đó, NHNN Đà Nẵng đã triển khai có hiệu quả các vấn đề về tỷ giá, ngoại hối và thị trường vàng trên địa bàn ổn định, trật tự thị trường được đảm bảo, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được các NHTM đáp ứng đầy đủ; mặt bằng lãi suất thị trường ổn định. Đảm bảo được thị trường tiền tệ hoạt động ổn định, không có sự xáo trộn. Đặc biệt, có nhiều nỗ lực trong việc cơ cấu nợ, xử lý nợ xấu đạt hiệu quả tốt; đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 1% trên tổng dự nợ trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý, Đà Nẵng là thành phố du lịch, năng động, do đó ngành Ngân hàng Đà Nẵng tiếp tục có những nỗ lực hơn nữa trong việc phối hợp với chính quyền địa phương, các Hiệp hội ngành nghề tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp.
Cùng với đó, đẩy mạnh các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ; tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, kiểm soát rủi ro trong đầu tư tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản; luôn chú trọng công tác truyền thông.
Đặc biệt, năm 2017, Đà Nẵng được chọn đăng cai tuần lễ cấp cao APEC, do đó ngay từ bây giờ, các chi nhánh NHTM trên địa bàn phải chú trọng trang bị cơ sở vật chất để cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng, đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế khi đến Đà Nẵng tham dự sự kiện này.
Với sự chủ động, quyết liệt và linh hoạt trong điều hành và giải pháp điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ của NHNN, cùng với sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Thành ủy, UBND thành phố, sự phối hợp của các ngành chức năng cùng với những nỗ lực vượt bậc, hoạt động của ngành Ngân hàng Đà Nẵng đã đảm bảo ổn định, an toàn, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Đà Nẵng.