Nghiêm cấm ban hành điều kiện kinh doanh trái quy định
Thời gian tới, Việt Nam phải tiếp tục tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, dựa trên đổi mới sáng tạo, nền tảng tri thức và công nghệ mà khu vực DN là cốt lõi; phải coi DN là nền tảng, là động lực tạo sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước có khoảng 1 triệu DN hoạt động. Khu vực tư nhân trong nước đóng góp khoảng 48-49% GDP.
Đây là nội dung viết trong dự thảo Nghị quyết về phát triển DN Việt Nam vừa được Chính phủ thảo luận tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2016.
Dự thảo đưa ra 10 nguyên tắc để xây dựng thể chế, tạo môi trường kinh doanh, thuận lợi cho DN, doanh nhân. Trong đó nêu rõ:
Không lạm quyền, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Xử lý nghiêm việc tùy tiện hình sự hóa các quan hệ kinh tế;
Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách, văn bản pháp luật quy định rõ một vấn đề, một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm và hướng tới người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm đến cùng;
Các quy định về điều kiện kinh doanh phải lượng hóa được, minh bạch, dễ hiểu để nhà đầu tư, DN tự đánh giá được việc tuân thủ, đáp ứng được yêu cầu với chi phí tuân thủ thấp, giảm rủi ro pháp lý trong kinh doanh;
Các quy định của Nhà nước phải tạo thuận lợi cho người dân, DN, nhận khó khăn về phía cơ quan nhà nước theo tinh thần Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân, DN;
Cần có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển mạnh DNNVV, DN khởi nghiệp.
Để tạo động lực phát triển, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan và địa phương quyết liệt cải cách thủ tục hành chính. Dự thảo Nghị quyết có điểm đáng lưu ý là không chỉ tập trung yêu cầu các bộ ngành, dự thảo nghị quyết này đặt rõ yêu cầu với lãnh đạo địa phương: “Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại công khai thường kỳ hàng quý với cộng đồng DN, nhà đầu tư, báo chí để nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, DN trên địa bàn; Thành lập và công khai đường dây nóng điện thoại, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử để lãnh đạo UBND cấp tỉnh, cấp huyện và lãnh đạo các Sở ngành lắng nghe phản ánh và giải đáp các vướng mắc, hướng dẫn cho nhà đầu tư, DN;
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, tổ chức lại, thống nhất đầu mối tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc không bổ sung hồ sơ quá một lần; Các địa phương có hơn 3.000 DN đang hoạt động cần lập trung tâm hoặc bộ phận hành chính công, tiếp nhận, xử lý và trả kết quả theo nguyên tắc chỉ có một đầu mối.
Chỉ đạo các sở ban ngành, đơn vị liên quan quán triệt đến từng cán bộ công chức về cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, chuyển mạnh mẽ sang tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ DN; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho DN. Lãnh đạo UBND các tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các vi phạm của công chức trong phạm vi quản lý.
Đẩy mạnh cải cách và nâng cao chất lượng các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Kiên quyết bãi bỏ, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, đặc biệt là giấy phép con; chỉ quy định các điều kiện thực sự cần thiết để bảo đảm quản lý về chất lượng, hiệu quả. Nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới nào trái quy định của pháp luật, ban hành không đúng thẩm quyền về điều kiện kinh doanh. Loại bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh ra khỏi các văn bản quy đinh về tiêu chuẩn, quy chuẩn của sản phẩm và chất lượng sản phẩm... gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ tháng 5/2016.
Dự thảo đưa ra giải pháp xây dựng Đề án thành lập Hội đồng tư vấn cải cách thể chế kinh tế, rà soát quy định hiện hành về đầu tư, kinh doanh, đề xuất các giải pháp chính sách nhằm liên thông giữa các thủ tục quy định giữa Luật DN, Luật Đầu tư với các Luật chuyên ngành, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 6/2016; Tập trung xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV có chất lượng, coi như một giải pháp nền tảng phát triển DNNVV; Kiện toàn Hội đồng Phát triển DNNVV quốc gia do Thủ tướng làm chủ tịch, có sự tham gia của đại diện cộng đồng DN, các tổ chức liên quan.
Thủ tướng đã giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI tiếp thu những ý kiến phù hợp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, sớm trình Thủ tướng ký ban hành.
Thủ tướng nhấn mạnh Nghị quyết phải thể hiện rõ thông điệp đã công bố với DN là tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển; Nghị quyết phải được triển khai ngay sau khi ban hành, sớm biến chủ trương, chính sách thành hành động cụ thể của mỗi cán bộ, công chức, tạo động lực mới cho phát triển DN.