Nhà băng hút kiều hối cuối năm
Theo báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” do UNDP vừa công bố, Việt Nam thuộc top 10 nước tiếp nhận lượng kiều hối lớn nhất thế giới với khoảng 2,5% tổng lượng kiều hối toàn cầu năm 2017. Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) mới đây cũng thông tin thêm: trong 12 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về nước tăng từ 10 - 15%/năm. Năm 2017 là 13,8 tỷ USD (số liệu từ WB).
Nhiều năm gần đây kiều hối gửi về Việt Nam tăng trung bình từ 10 - 15%/năm |
Về triển vọng kiều hối năm nay, trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính không thật sự lạc quan. Bởi vị này cho rằng, do năm nay có nhiều biến động trên thị trường tài chính thế giới sẽ có tác động làm chậm lại việc ngoại kiều gửi tiền về nước, trong đó có Việt kiều. Bên cạnh đó Fed tăng lãi suất 4 lần trong năm 2018 và dự báo tiếp tục nâng lãi suất thêm 2-3 lần trong năm 2019 khiến không ít ý kiến cho rằng việc USD tiếp tục lên giá sẽ có tác động nhất định lên nguồn kiều hối, khi lãi suất cơ bản USD lên tới 2,25 - 2,5%.
Tuy nhiên, một chuyên gia khác lại cho rằng việc Fed nâng lãi suất đều nằm trong dự báo, và mỗi lần tăng chỉ 0,25 - 0,5% nên nếu nói áp lực thì cũng có nhưng không là quá lớn. Nếu kiều bào chuyển tiền về chỉ để làm tài sản tích lũy họ sẽ chuyển USD sang VND gửi tiết kiệm với lãi suất khá cao. Việt Nam vẫn kiểm soát tốt biến động của tỷ giá, do đó khi việc gửi tiết kiệm bằng USD sẽ không có lợi. TS. LS. Bùi Quang Tín nêu ví dụ, “kiều hối là USD chảy về nếu người dân đổi ra VND, gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 6 tháng với lãi suất khoảng 7-8%/năm, cộng thêm biến động tỷ giá thì chỉ riêng việc USD chuyển về gửi tiết kiệm VND cũng đã có lời không ít”.
Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở khi mà lượng kiều hối chảy về TP.HCM (thường chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối của cả nước) trong 10 tháng đầu năm đã đạt gần 4 tỷ USD. Trong khi theo quy luật, kiều hối thường chảy mạnh về nước trong những tháng cuối năm, cận Tết Nguyên đán. Chính vì thế các nhà băng đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà cho khách nhận tiền gửi từ nước ngoài về.
Đơn cử, SHB triển khai chương trình khuyến mãi “Chuyển tiền kiều hối - Kết nối yêu thương”, tặng 30.000 đồng/giao dịch cho khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ chuyển/nhận tiền có giá trị từ 500 USD (hoặc VND có giá trị quy đổi tương đương) qua hệ thống Western Union tại các điểm giao dịch của SHB tại Việt Nam. SCB cũng tặng tiền trực tiếp kèm quà tặng cho người nhận kiều hối Tết Kỷ Hợi 2019. Hay Công ty kiều hối Đông Á (DongA Bank) có chương trình “Nhận tiền trúng vàng, rộn ràng đón Xuân” từ nay tới 28/2/2019, giải thưởng bằng vàng miếng SJC cho khách bốc thăm may mắn.
Các NHTM lớn cũng không đứng ngoài cuộc. Vietcombank kết hợp với nhiều công ty chuyển tiền trên thế giới nhận kiều hối nhanh nhất, trao thưởng lên tới 1 triệu đồng cho mỗi kênh nhận tiền mà khách hàng sử dụng. Agribank với chương trình “Nhận tiền nhanh - Nhiều quà tặng”, khách hàng có cơ hội trúng hàng chục ngàn giải thưởng bằng tiền mặt với tổng giá trị lên tới 1,6 tỷ đồng. BIDV có chương trình khuyến mãi giải thưởng lớn như ô tô Hyundai Accent trị giá 500 triệu đồng/giải cho khách hàng tham gia chương trình “Hành trình Tết yêu thương”: tiền gửi có kỳ hạn, nhận tiền kiều hối...
Phải khẳng định rằng, nhiều năm qua, kiều hối là nguồn ngoại tệ quan trọng, tương đối ổn định, bền vững, đóng góp lớn vào việc tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Tháng 6/2018, dự trữ ngoại hối theo công bố của Thống đốc Lê Minh Hưng tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương là ở mức 63,5 tỷ USD. Những tháng cuối năm, để giảm bớt căng thẳng trên thị trường ngoại tệ, đảm bảo thanh khoản, NHNN nhiều lần bán ngoại tệ cho các NHTM. Tới cuối tháng 10/2018, dự trữ ngoại hối nhà nước khoảng 60 tỷ USD, vẫn là một con số khá cao.
Những biện pháp của NHNN trong hạn chế rủi ro cho vay bất động sản sẽ tiếp tục tác động thị trường bất động sản năm 2019. Tuy vậy, điều này lại trở thành điểm lợi cho kiều hối. Vì nếu phía NHNN siết chặt tín dụng thì các nhà đầu tư sẽ buộc phải đi tìm nguồn đầu tư thay thế, trong đó có kiều hối.
Quả vậy, theo NHNN TP.HCM, trong số kiều hối chuyển về nước thời gian qua, “chiếm khoảng 73% là tiền gửi về qua các NHTM, khoảng 70% chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, và 22% đổ vào lĩnh vực bất động sản, số còn lại hỗ trợ người thân, các lĩnh vực khác...”.
Cũng chính bởi vậy, theo các chuyên gia, chính sách về đất đai cần phải có sự thay đổi để kêu gọi nhiều hơn sự đầu tư mạnh mẽ của kiều bào vào bất động sản tại Việt Nam.