Nỗi đau phía sau cơn lũ
Ăn của rừng rưng rưng nước mắt
Từ khắp các cánh rừng vùng núi phía bắc, nơi đâu cũng thấy nạn chặt phá rừng. Máu rừng vẫn chảy, lâm tặc, những kẻ tiếp tay cho lâm tặc vẫn hoạt động vừa công khai, vừa bí mật. Ngay như tại Yên Bái, năm 2016 nạn chặt phá rừng ở Trạm Tấu, Văn Yên diễn ra khá nhức nhối.
Tuy thế, chỉ có một số ít vụ được làm rõ, xử lý một số trường hợp lâm tặc. Theo tìm hiểu, việc quản lý rừng đầu nguồn, rừng già ở Yên Bái gặp khó khăn, do địa bàn bị chia cắt, lực lượng chức năng chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ. Lại có chuyện “làm ngơ” cho lâm tặc “ăn rừng”.
Nước mắt người dân Mù Cang Chải (Yên Bái) |
Trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có 72.686ha rừng (rừng tự nhiên trên 53.000ha, gần 19.500ha rừng trồng), tỷ lệ che phủ rừng đạt 61%. Tuy nhiên, những năm qua, do rừng bị cháy nên diện tích này đã giảm nhiều. Đó là chưa kể đến việc làm thủy điện nhỏ như Dự án thủy điện Mường Kim, Hồ Bốn, Khao Mang Thượng, Khao Mang… rồi chuyện làm đường phục vụ dự án thủy điện đã “ngốn” rất nhiều diện tích rừng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, điều tiết nước, sinh ra lũ quét và sạt lở núi.
Năm 2011 xảy ra lũ ống, lũ quét tại xã Nậm Khắt làm 3 người thiệt mạng, hàng chục ngôi nhà bị trôi, sập đổ hoàn toàn, hàng chục hec - ta hoa màu bị thiệt hại; năm 2013 xảy ra sạt lở đất tại xã La Pán Tẩn làm 20 người chết…
Gần đây nhất khoảng gần 5 giờ sáng 3/8/2017, tại thị trấn Mù Cang Chải và các xã dọc dòng Nậm Kim có các khe suối chảy vào đã xảy ra lũ quét, lũ ống gây thiệt hại lớn về người và tài sản, thống kê thiệt hại gần 180 tỷ đồng.
Tại Sơn La, diện tích rừng cũng bị thu hẹp. Trong kết quả kiểm kê rừng tỉnh Sơn La giai đoạn 2013-2016 chỉ ra: Độ che phủ rừng trung bình toàn tỉnh chỉ còn 42,3%. Diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2015 giảm khoảng 32.860ha, tương ứng giảm 2,3% độ che phủ.
Nguyên nhân biến động diện tích rừng là do có gần 596ha rừng thuộc vùng ngập Thủy điện Sơn La; 200ha rừng chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng thủy điện; 683ha rừng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng cơ sở hạ tầng. Hơn 2.100 ha rừng tự nhiên, rừng nghèo kiệt được chuyển sang trồng cao su, cây công nghiệp.
Đáng lưu ý, trong giai đoạn 2005-2015, toàn tỉnh Sơn La có 352 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 1.200 ha rừng, chiếm 3,72% tổng diện tích giảm. Việc phá rừng làm nương rẫy trái phép giai đoạn 2006 - 2015 gây thiệt hại gần 1.200 ha rừng, chiếm 3,6% tổng diện tích giảm.
Tuổi trẻ Yên Bái đến với bà con vùng lũ |
Cơn lũ đi qua, tình người ở lại
Ai cũng biết thiên tai khó lường. Năm nào các tỉnh vùng núi phía bắc cũng có lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, thiệt hại về người và của. Nhưng theo nhiều chuyên gia, nếu không chặt phá rừng bừa bãi, kiểm soát tốt hơn việc làm thủy điện, công trình giao thông, bố trí đất ở, canh tác cho dân thì đã giảm đi nhiều thiệt hại, thiên nhiên đã chẳng nổi giận đến thế.
Đến lúc này, nhiều bàn tay, tấm lòng chia sẻ đã đến với bà con gặp thiên tai ở Sơn La và Yên Bái. Công tác cứu trợ, hỗ trợ bà con được làm rất khẩn trương. Không kể các lực lượng chức năng, mà các tổ chức xã hội, cá nhân đã và đang tiếp tục chung tay cùng bà con, thể hiện văn hóa trợ giúp và tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam. Nhiều đoàn từ thiện từ Hà Nội và các tỉnh xa xôi đã đi bộ, tiếp cận các bản xa của Mường La (Sơn La) bị lũ cuốn mất nhà cửa.
Bà Trần Thị Hồng An, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Trung ương Hội đã thành lập các đoàn công tác để trực tiếp phối hợp cùng với tỉnh để thăm hỏi động viên bà con, trước mắt Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ gia đình có người mất là 3 triệu đồng, gia đình có nhà bị hỏng, trôi sập hoàn toàn là 3 triệu đồng, về lâu dài thông qua các đoàn công tác này chúng tôi sẽ tiến hành tổng hợp để nắm bắt xem tình hình thiệt hại cũng như là nhu cầu đề xuất của bà con để ổn định sinh kế, bảo đảm cuộc sống lâu dài.
Trước mắt, tỉnh Yên Bái hỗ trợ mỗi gia đình có người chết và mất tích 10 triệu đồng, mỗi gia đình có nhà bị cuốn trôi 25 triệu đồng, mỗi nhà bị sạt lở 10 triệu đồng và hỗ trợ các gia đình có nhà bị trôi hoàn toàn 15 kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian 6 tháng.
Chuyển hàng đến với bà con Mường La |
Bà Lương Thị Xuyến, Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải - Trưởng ban Chuyên trách tiếp nhận, quản lý ủng hộ thiên tai chia sẻ: “Đến nay chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ của các cơ quan, người dân trong tỉnh cũng như trong cả nước đối với nhân dân Mù Cang Chải. Đối với công tác tiếp nhận cứu trợ, trong ngày hôm nay chúng tôi đã chuyển tới tất cả các gia đình bị thiên tai, trong đó có 50 hộ sập hoàn toàn. Tại các xã bị thiệt hại nặng nề như Lao Chải, Kim Nọi, thị trấn Mù Cang Chải… những hộ dân bị nước lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn đã được bố trí nơi ở tạm ổn định, đảm bảo lương thực, dịch vụ y tế”.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La cũng đã phát động kêu gọi ủng hộ đồng bào bị lũ lụt đến các đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra rất nhiều nhóm từ thiện trong và ngoài tỉnh cũng đang kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ nhân dân vùng lũ Mường La. Đặc biệt, nhiều người dân trên địa bàn huyện Mường La cũng đã trực tiếp đến ủng hộ gạo, mì tôm, nước uống để ứng cứu cho các gia đình bị thiệt hại.
Người dân còn gì sau cơn lũ đi qua? Không, nhiều người dân đang đêm lũ về là bỏ chạy, chỉ còn bộ quần áo trên người. Dường như không còn nước mắt để khóc, chị Lò Thị Hặng (xã Nặm Păm, huyện Mường La) thổn thức: “Con tôi chết rồi, nhà cửa chẳng còn gì cả. Nhiều đoàn đã giúp đỡ động viên gia đình và bà con trong bản. Nhưng mà xót xa lắm. Biết sống sao những ngày tới đây!”.
Trên cung đường cũ từ thị trấn Ít Ong (Mường La) dẫn vào các bản của xã Nặm Păm dài chừng hơn 10km đã bị tàn phá tan tành, chỉ còn lởm chởm những khối đá nặng hàng tấn, những mảnh gỗ nát, cây cối đổ, chúng tôi bắt gặp nhiều ánh mắt thất thần. Trong đó có nhiều em bé mất nhà. Các em, cũng như cha mẹ mình đang mong mỏi được giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hơn. Tôi hiểu, phía sau cơn lũ là những phận người chịu thiệt thòi, hơn thế, phía sau đó là nhiều bất cập, hạn chế trong công tác bảo vệ rừng, chặn từ xa để không xảy ra những cơn lũ quét kinh hoàng tương tự.