OCB với “tham vọng” dẫn đầu
Vượt qua khủng hoảng
Hành trình tự cứu mình của các ngân hàng không đơn giản như cụm từ “Tái cơ cấu” mà đó thực sự là quá trình “lột xác” trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn. Gánh nặng nợ xấu, mất cân bằng thanh khoản làm nhiều ngân hàng đi đến con đường sáp nhập và “biến mất” trên thị trường tài chính ngân hàng dù có đến mấy chục năm gây dựng thương hiệu như Habubank, Sourthern Bank, Western Bank…
Tuy nhiên, không ít ngân hàng đã tự tìm cho mình hướng đi bằng cách tái cơ cấu. Hành trình này bao gồm hai phần song hành là giải quyết các vấn đề tồn đọng và xây dựng một hệ thống vận hành toàn diện để phát triển bền vững, sẵn sàng hội nhập. Trong đó phải kể đến OCB đã vượt qua nhiều tồn tại, thách thức để hoàn thành mục tiêu tự tái cơ cấu một cách thành công.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ: “Ngay từ năm 2010, OCB đã xác định nghiêm túc, chủ động về quá trình tái cấu trúc. Với sự nỗ lực, thậm chí “hy sinh” kết quả tài chính và lợi nhuận trong vài năm gần đây khắc phục những tồn tại cũ đồng thời liên tục nâng cấp, đổi mới về chiến lược phát triển, quản trị điều hành, hệ thống công nghệ thông tin cũng như những vấn đề khác liên quan đến hạ tầng cơ sở.
Kết quả hoạt động của năm 2016 cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan khi phần lớn các ngân hàng đã vượt thoát khỏi những tàn dư của khủng hoảng. Sự bứt phá về tỷ suất sinh lời và tốc độ tăng trưởng, triển vọng vươn lên của các ngân hàng rất lớn. Trong khí thế đó, OCB hồ hởi bứt phá thành công tuổi 20 với lợi nhuận đạt 484 tỷ đồng vượt 108% kế hoạch năm và bằng 181% cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng tốt và dẫn đầu
Trong cuộc cạnh tranh không kém phần khốc liệt của các ngân hàng bán lẻ, tham vọng dẫn đầu trở thành động lực lớn cho các ngân hàng tăng tốc ngay sau khi có những tín hiệu lạc quan từ thị trường, từ chính sách tài khóa “linh hoạt” của cơ quan quản lý. Niềm tin đối với nhà đầu tư và người dân góp phần làm “bệ phóng” cho các ngân hàng dần trở lại với thời cổ phiếu “vua” và thực hiện tham vọng của mình.
Có thể thấy cụm từ “Tốt và dẫn đầu” được đặt thành trọng tâm cho các kế hoạch hành động của các nhà băng, cũng là định vị chiến lược, tầm nhìn phát triển trong những năm 2017- 2020 được nhiều ngân hàng đặt ra.
Trong thông điệp đầu năm gửi đến toàn thể CBNV, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết: “Chúng tôi đã đạt được những mục tiêu nhất định và sẽ đặt ra những mục tiêu mới, khát vọng mới trong năm 2017 để OCB chinh phục những đỉnh cao, phải có sự bứt phá. Định hướng 2017 của OCB là tập trung cao vào việc mở rộng khách hàng, điều chỉnh cơ cấu tài sản & thu nhập, tăng năng suất lao động, giảm chi phí và triển khai Basel II để thực hiện mục tiêu trở thành Top Ngân hàng tốt nhất Việt Nam”.
Mục tiêu đó đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là sự ràng buộc tuân thủ và tham vọng phát triển. Một ngân hàng tốt phải hội đủ các yếu tố như tạo lợi nhuận tốt, sinh lời cho khách hàng và cổ đông; có hệ thống quản trị tốt và tốc độ tăng trưởng cao, bền vững. OCB là một trong các ngân hàng đang có tham vọng xây dựng một ngân hàng “tốt” thực sự.
Có thể thấy, các chỉ số hoạt động của ngân hàng đang được kiểm soát một cách chặt chẽ để đạt tăng trưởng cao mà vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ số về an toàn. Tính đến 31/12/2016, OCB đã có tổng tài sản tăng trưởng 29% đạt 63.834 tỷ đồng; Tổng dư nợ tăng trưởng 35% đạt 39.607 tỷ đồng; Tổng huy động tăng trưởng 57% đạt 46.192 tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,51%; chỉ số an toàn được OCB tuân thủ nghiêm ngặt hướng đến các chuẩn mực theo Basel II. OCB cũng dự kiến sẽ hoàn thành chủ động việc áp dụng Basel II cho toàn hệ thống vào tháng 9/2017.
Sau quá trình sàng lọc khắc nghiệt sẽ có những kết quả tốt, các nhà băng dần lấy lại niềm tin với khách hàng bằng hành động quyết liệt thông qua quá trình tái cấu trúc toàn diện. Theo đó, giới đầu tư cũng kỳ vọng những cuộc lên sàn ngoạn mục của Nhóm Ngân hàng có triển vọng tốt, trong đó có OCB sẽ “cất tiếng gáy vang” trong năm Đinh Dậu 2017 này.