ODA đẩy mạnh tư nhân hóa
90% vốn vay ưu đãi (lãi suất 0%) trích từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) dành cho sinh viên nghèo trong những năm vừa qua đã được hoàn trả đầy đủ. Trong khi đó, lại có một tỷ lệ không nhỏ cán bộ viên chức Nhà nước, lãnh đạo địa phương vẫn nghĩ rằng ODA là nguồn vốn cho không, càng vay nhiều càng tốt, vì vậy đã vung tay tiêu xài phung phí.
Hai cách ứng xử khác nhau với ODA như nêu trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh dẫn ra tại cuộc họp báo trước Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), diễn ra ngày 2/12. Chuyện ông nêu đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và một số đối tác quốc tế chuyển từ “nhà tài trợ” thành “đối tác phát triển”. Cùng với đó, câu chuyện cam kết rót vốn ODA bao nhiêu sau mỗi kỳ Diễn đàn kết thúc cũng không còn được đặt lên hàng đầu.
Ảnh minh họa
“Đây là bước chuyển đổi nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa vô cùng sâu sắc”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh. Theo ông, không chỉ cơ quan quản lý mà cả người dân cũng đã quen với tâm lý cho không. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của việc không thể sử dụng hiệu quả nguồn lực ODA. Do đó, mới có chuyện nhiều hộ đua nhau xin vào diện nghèo, không ai muốn phát triển chỉ vì hộ nghèo được hưởng quá nhiều cơ chế ưu đãi. Với thực tế như vậy, vai trò “cho cần câu, không cho con cá” của quan hệ đối tác phát triển càng trở nên ý nghĩa hơn.
Ông Cao Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, để các bên quen dần với nguồn vốn vay ngày càng kém ưu đãi, Chính phủ sẽ bắt đầu lồng ghép giữa các nguồn vốn thương mại và vốn viện trợ không hoàn lại để phân bổ tùy vào tính chất và mục đích của từng dự án. Do đó, sẽ không còn các dự án hỗ trợ vốn lên tới 100%, kể cả cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, mà chỉ tối đa 85% - 90%.
Tại Diễn đàn Nâng cao hiệu quả viện trợ lần thứ 7 diễn ra tuần trước, nhiều đối tác phát triển của Việt Nam đã khuyến cáo: Nguồn lực trong nước vẫn còn rất sẵn, song đang bị phân tán và chưa được khai thác hiệu quả. Bà Keiko Sato, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) dẫn chứng từ chính con số 23 tỷ USD vốn ODA chưa được giải ngân trong suốt 20 năm qua, chiếm tỷ lệ tới hơn 30% số vốn mà các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam.
Theo chuyên gia này, các cải cách thể chế, chính sách mới là điều mà Việt Nam cần làm lúc này để thu hút và giải ngân nguồn vốn ODA hiệu quả hơn. Bà cho rằng, còn nhiều dư địa để hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội mà không cần huy động từ ngân sách. Chẳng hạn trong lĩnh vực giáo dục, không cần tăng chi tiêu công mà nên tập trung vào thay đổi quy tắc cấp vốn và cơ chế khuyến khích cho các trường tự chủ. “Lúc này chưa nhất thiết phải xây thêm trường học vì cơ sở hạ tầng đã ít nhiều có rồi, nhưng quy cách dạy học, quản lý trường học... thì nên thay đổi”, bà Sato giải thích.
Bên cạnh đó, các nhà tài trợ cũng tin tưởng Việt Nam đang phát huy tốt vai trò của ODA trong việc làm đòn bẩy thu hút thêm các nguồn lực mới, mà tiêu biểu là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Báo cáo Đầu tư thế giới 2013, trong năm 2012, FDI vào các nước đang phát triển đã lần đầu tiên vượt các nước phát triển với 703 tỷ USD, chiếm tới 52% tổng vốn FDI toàn cầu. Dòng vốn này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới đây. Diễn biến của dòng vốn FDI tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Ngay trong 11 tháng năm 2013, thu hút FDI trong nước đã vượt 20 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, khiến FDI trở thành điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế ảm đạm hiện nay. Và, Việt Nam cũng vào nhóm các nước Đông Nam Á sẽ tiếp tục duy trì sức hút với dòng vốn FDI trong thời gian tới.
Tại Diễn đàn lần này, nhiều ý kiến cho rằng, sự thay đổi phương thức thu hút ODA trong thời kỳ mới còn nhằm lôi kéo sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển kinh tế, mà mở đầu là trong phát triển các dịch vụ công. Đây cũng là điểm mới đáng chú ý trong định hướng thu hút ODA thời gian tới. “ODA năm nay sẽ tập trung hỗ trợ tư nhân tham gia lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường, từ đó mở rộng ra các lĩnh vực khác mà tư nhân có thể làm và muốn làm”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kết luận.
Ngọc Khanh