Kinh tế số: Động lực để miền Trung phát triển bền vững
Thúc đẩy 3 trụ cột chuyển đổi số
Năm 2024, đã được Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số lựa chọn chủ đề là năm: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Trong đó, khu vực miền Trung có địa bàn rộng lớn, đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trong khu vực cũng đã quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trên cả ba trụ cột gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, kinh tế số ở khu vực đã và đang đạt được nhiều bước phát triển.
Theo nhiều chuyên gia, một trong những tiềm năng và lợi thế của miền Trung về phát triển kinh tế số là hạ tầng kĩ thuật đang được chú trọng đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông và Internet, đang tạo môi trường kinh doanh thuận tiện cho các doanh nghiệp, các startup công nghệ số.
Trên thực tế, ở miền Trung thời gian gần đây kinh tế số đã có sự phát triển nhanh chóng và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình tăng năng suất, đổi mới mô hình tăng trưởng. Một số địa phương trong khu vực đã đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh như: TP. Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định hay Thừa Thiên - Huế…
Bình Định - một trong những địa phương rất chú trọng phát triển kinh tế số. Đến nay, công tác chuyển đổi số của địa phương đang có nhiều chuyển biến tích cực: Công nghiệp công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc với việc hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Hiện, có 2 tập đoàn lớn về công nghệ thông tin đang hoạt động tại đây, là TMA và FPT, với trên 1.000 nhân sự. Doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 1.363 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 57 tỷ đồng…
Bình Định - một trong những địa phương ở miền Trung rất chú trọng phát triển kinh tế số. |
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, các con số nói trên tuy còn rất khiêm tốn. Song, đó là những nỗ lực, quyết tâm chung của các cấp, các ngành tỉnh trong điều kiện xuất phát điểm của địa phương thấp, doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, năng lực quản trị và nguồn vốn cho chuyển đổi số còn những hạn chế...
Mục tiêu cơ bản của kinh tế số Bình Định đến năm 2025, phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP; tối thiểu 50% sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử; 50% các doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) thực hiện chuyển đổi số.
Tương tự, tại TP. Đà Nẵng từ tháng 6/2021, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 05 về chuyển đổi số trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Đà Nẵng thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.
Kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP của địa phương, trong đó công nghiệp công nghệ thông tin chiếm tối thiểu 10% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; có 1.000 bộ dữ liệu mở, công khai cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp sử dụng, phục vụ tạo ra sản phẩm mới; có 3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, ít nhất 5 doanh nghiệp doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm…
Ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin cho cả vùng
Kinh tế số ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở trong khu vực miền Trung. |
Có thể nói, kinh tế số ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở trong khu vực miền Trung, cũng như cả nước, bằng cách tạo ra các cơ hội mới cho nền kinh tế, tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh cho hệ thống doanh nghiệp, nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị công, qua đó không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân…
Tuy nhiên, cũng như cả nước tại miền Trung việc phát triển kinh tế số vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định như, nhận thức về chuyển đổi số, nhân lực số còn nhiều hạn chế; số doanh nghiệp công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa nhiều; cùng với đó là những khó khăn về thị trường; khung khổ, môi trường pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin còn yếu và chưa đồng bộ; tâm lý, tập quán và thói quen của người dân…
Trong khi đó, về nguồn nhân lực nếu như ở hai đầu đất nước cơ sở đào tạo gấp nhiều lần miền Trung, có các viện nghiên cứu kinh tế số, trong khi ở miền Trung gần đây một số trường đại học như Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế mới bắt đầu đưa các chương trình đào tạo kinh tế số vào giảng dạy.
Thêm vào đó, liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ; mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược trong đó có hạ tầng số nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển…
Trước những khó khăn trên, kinh tế số đang được kỳ vọng sẽ góp phần để miền Trung phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế số cần có thêm các giải pháp mang tính đột phá mới trên cơ sở nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của chuyển đổi số nói chung và kinh tế số nói riêng.
Trên thực tế, việc phát triển kinh tế số vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. |
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng, để phát triển kinh tế số, các địa phương trong khu vực cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng thông tin và truyền thông. Hạ tầng thông tin và truyền thông là hạ tầng cho kinh tế số, thúc đẩy hạ tầng thông tin và truyền thông chính là mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội, gắn kết sự phát triển trên không gian số với không gian phát triển vật lý truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Do đặc điểm chung của vùng là còn nhiều khu vực khó khăn, Bộ Thông tin và truyền thông đề xuất các địa phương của miền Trung tăng cường sử dụng quỹ dịch vụ viễn thông công ích và các chương trình mục tiêu quốc gia... để hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh, phổ cập hạ tầng mạng băng rộng đến 100% người dân. Đối với các hạ tầng phát triển mới thì đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần mạnh dạn thay đổi thể chế số thông qua đề xuất với các cấp có thẩm quyền để áp dụng cơ chế đặc thù tại các địa phương, cho phép cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox); hình thành khu thương mại tự do (free trade zone); ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt làm việc tại khu công nghiệp, trung tâm chuyển đổi số của vùng.