Quá lãng phí khi ưu đãi thuế cho nhà đầu tư
Nước đang nghèo không nên ưu đãi thuế
Hơn 138 tỷ USD là số lượng tiền mà các tập đoàn lớn được hưởng từ chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN tại các nước đang phát triển. Điều đó cũng có nghĩa hàng năm ngân sách của các quốc gia đang phát triển đã mất đi một nguồn thu tương ứng, theo ước tính của Tổ chức Action Aid.
Nếu 138 tỷ USD đó được bổ sung vào nguồn chi ngân sách, sẽ có thêm 57 triệu trẻ em được đi học, ngành nông nghiệp có thêm 42,7 tỷ USD đầu tư để loại bỏ hoàn toàn nạn đói trên thế giới và có thêm nguồn kinh phí khoảng 58,9 tỷ USD (gấp gần 2 lần so với hiện nay) để thực hiện những mục tiêu quốc tế về y tế, chăm sóc sức khỏe, nhờ đó có thể giảm được một nửa gánh nặng bệnh tật so với hiện nay…
Chính vì vậy, Action Aid là tổ chức hành động vì mục tiêu xóa bỏ đói nghèo trên phạm vi toàn cầu nên đã rất “xót ruột” khi các nước nghèo, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam mất thu vì ưu đãi thuế cho đầu tư nước ngoài mà không mang lại hiệu quả.
Việc cấp ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nên được xem xét kỹ hơn
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, tỷ lệ người nghèo còn cao, ngân sách Nhà nước (NSNN) thường xuyên bội chi, nợ công liên tục tăng cũng vẫn chưa đáp ứng đủ các nhu cầu chi cho các dịch vụ công ích, an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo cũng như đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở và phát triển kinh tế bền vững. Nhưng hàng năm, chúng ta đã tự làm hụt đi khoản thu ngân sách lớn khi áp dụng khá rộng chính sách ưu đãi thuế cho đầu tư nước ngoài.
Có một số nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn, công ty đa quốc gia lớn thường yêu cầu Chính phủ dành cho những ưu đãi thuế như là một điều kiện tiên quyết để họ quyết định đầu tư vào Việt Nam. Nhưng “các cơ chế ưu đãi về thuế này không phải là yếu tố nhà đầu tư quan tâm mà lại đang làm khó ngược trở lại cho NSNN”, ông Ramesh Khadka nhấn mạnh.
Chính sách thu hút nhà đầu tư bằng ưu đãi về thuế không hợp lý khiến các nước đang phát triển mất đi một lượng lớn nguồn thu ngân sách và khoản này còn lớn hơn cả số tiền nhận được từ các nguồn viện trợ. “Thay vì đi xin viện trợ, vay nợ, các nước đang phát triển và Việt Nam hãy tự cứu mình, ngay tại đất nước mình, bằng việc quản lý thuế cho tốt, sử dụng chính sách ưu đãi thuế cho hợp lý và không để thất thu thuế”, theo ông Ramesh Khadka – cố vấn cấp cao của Action Aid.
Càng ưu đãi càng bất lợi
Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư không hiệu quả bởi đây là yếu tố thứ 17/21 yếu tố nhà đầu tư quan tâm khi quyết định đầu tư. Ngược lại, theo kết quả điều tra về ưu đãi đầu tư và hoạt động của DN tại Việt Nam, được UNIDO công bố hồi tháng 6/2014, thì chính sách ưu đãi đầu tư bằng thuế đã tạo ra sự khác biệt giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước và gây ra những bất lợi nhiều hơn cho Việt Nam.
Theo kết quả điều tra này thì chính các công ty đa quốc gia, xét trên kết quả tài chính, hầu như không được lợi gì bởi họ phải tính thuế theo doanh thu toàn cầu. Các khoản thuế được miễn nộp, giảm nộp ở các nước đang phát triển vẫn phải tính để nộp tại công ty mẹ. “Điều này cũng có thể hiểu rằng ưu đãi thuế của quốc gia này lại mang đến cho quốc gia kia số thu thuế nhiều hơn. Thế nên, các nước phát triển hầu như không áp dụng các cơ chế ưu đãi thuế và cho rằng chính sách ưu đãi này làm méo mó chính sách thuế”, theo ông Patrick J. Gilabert, đại diện UNIDO.
Các chính sách này đang làm cạn kiệt ngân sách công của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lẽ ra số tiền ưu đãi này, nếu không cho ưu đãi thì số tiền này sẽ được thu vào NSNN, được dùng cho đầu tư công, cho các hoạt động công ích… và những khoản đầu tư này sẽ trở lại tạo điều kiện về hạ tầng kỹ thuật thiết yếu thuận lợi hơn cho đầu tư tư nhân trong nước và doanh nhân nước ngoài.
Không chỉ là tiền ưu đãi thuế bị lãng phí, theo tổng hợp của UNIDO, quốc gia ưu đãi có 3 mất mát không nhỏ: Thứ nhất là mất thu ngân sách vì ưu đãi thuế. Thứ hai là khi ngân sách mất đi khoản thu này cũng có nghĩa là chi phí cơ hội của nguồn ngân sách bị mất mà lẽ ra, nếu thu được, sẽ được sử dụng cho các chính sách công khác. Thứ ba là làm tăng chi phí gián tiếp, chẳng hạn như những sự bóp méo, lệch lạc kinh tế và hành chính và chi phí rò rỉ.
“Các bằng chứng từ thực tiễn ở Việt Nam dường như gợi ý rằng, việc cấp ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nên được xem xét kỹ hơn vì đây là một chính sách rất tốn kém, tạo ra sự biến dạng hệ thống thuế quốc gia và những hạn chế về ngân sách mà nó tạo ra đối với nước sở tại… Nước sở tại nên có sẵn cơ chế thực hiện và giám sát để xác định liệu các ưu đãi đó có thực sự mang lại kết quả đầu tư như mong đợi về hiệu quả năng suất và tạo nên giá trị gia tăng hay không”, UNIDO khuyến cáo.
Tri Nhân