Quản lý ví điện tử theo rủi ro
Hạn mức ví điện tử: Phù hợp với thu nhập của người dân | |
Ví điện tử - cuộc chơi tốn kém |
Ảnh minh họa |
Bỏ giới hạn hạn mức thanh toán theo ngày
NHNN mới đây đã chấp thuận đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc sửa đổi dự thảo Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về trung gian thanh toán. Theo đó, hạn mức thanh toán đối với mỗi ví điện tử người tiêu dùng NHNN chỉ giữ lại hạn mức thanh toán 100 triệu đồng/tháng, thay vì giới hạn 20 triệu đồng/ngày như trước đây.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán, nhà quản lý thị trường tiền tệ chỉ giữ lại hạn mức chi tiêu tối đa 100 triệu đồng/tháng trên mỗi tài khoản ví điện tử sẽ tạo thuận lợi hơn cho người tiêu dùng, tương tự như hạn mức thẻ tín dụng các ngân hàng phát hành chỉ quản hạn mức theo tháng không quản lý hạn mức theo ngày.
Hiện NHNN Việt Nam vẫn đang tiếp nhận các ý kiến để xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cộng nghệ tài chính trong đó có hoạt động trung gian thanh toán. Theo thống kê của Vụ Thanh toán NHNN, hiện nay cơ quan quản lý tiền tệ đã cấp phép cho 31 công ty trung gian thanh toán, trong đó có 27 đơn vị làm ví điện tử đang cung ứng dịch vụ ra thị trường.
Việc cơ quan quản lý khống chế hạn mức chi tiêu qua ví điện tử là để giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng và tránh trường hợp lợi dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp. Trong khi ví điện tử chủ yếu được sử dụng để thanh toán những món nhỏ lẻ của giới trẻ mua sắm đồ ăn thức uống hàng ngày và chi trả cước phí viễn thông, điện nước…
Theo thống kê của NHNN, giá trị giao dịch bình quân thực tế của một ví điện tử là 58.870 đồng/giao dịch và 1,7 triệu đồng/tháng. Trong khi việc áp dụng hạn mức 100 triệu đồng/tháng đối với cá nhân là không hề thấp so với quốc tế.
Nhìn vào thực tế phát triển ví điện tử trong vòng khoảng 4-5 năm trở lại đây, các chuyên gia thanh toán quốc tế đánh giá nhờ có dân số lớn nên Việt Nam có tốc độ phát triển ngang bằng các nước trong khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, Việt Nam hiện đang thiếu một mã phản hồi nhanh (QR Code) chung cho tất cả các ví điện tử mà mỗi nhà cung ứng ví điện tử lại làm một mã QR Code cho riêng mình nên không có tính liên thông quốc gia và thiếu tương tác cao với các cửa hàng phân phối.
Để thực hiện quản lý QR Code liên thông tương tác chung tính trên thời gian thực đến nay trong khu vực Đông Nam Á mới chỉ có Thái Lan thực hiện được. Mới đây, NHNN Việt Nam và NHTW Thái Lan có ký một biên bản ghi nhớ hợp tác liên thông QR Code nhằm phục vụ cho khách du lịch hai bên thanh toán nhanh chóng...
Định danh khách hàng
Do cơ chế hoạt động của các ví điện tử hiện nay mới chỉ liên kết với tài khoản ngân hàng để thanh toán phi tiền mặt chứ chưa được phép nạp tiền mặt trực tiếp vào tài khoản ví điện tử. Bên cạnh đó, do ví điện tử chủ yếu được sử dụng để thanh toán những món nhỏ lẻ nên hoạt động xác thực người dùng cá nhân hiện còn rất sơ sài, người dùng chỉ cần thao tác trên ứng dụng điện thoại là đã có thể thanh toán ngay.
Tuy nhiên, về lâu dài để quản lý các khoản thanh toán lớn thông qua công cụ ví điện tử, theo lãnh đạo Vụ Thanh toán có thể cần phải xác thực danh tính người dùng lần đầu tại quầy, các lần sau mới có thể xác thực định danh điện tử (eKYC).
Theo đó, thời gian tới NHNN sẽ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 166 về phòng chống rửa tiền, từ đó các nhà cung ứng ví cũng có điều kiện tốt hơn định danh khách hàng sử dụng ví điện tử. Đồng thời các công ty cung ứng ví điện tử trước mắt có thể khai thác dữ liệu khách hàng cá nhân thông qua kho dữ liệu của bảo hiểm xã hội và công an, tới đây có thêm kho dữ liệu dân số của các tỉnh, thành phố cung cấp ở địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm từ nước mình, ông Varun Mittal - Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore cho biết, không nên quản lý xác thực người dùng thanh toán qua ví điện tử tính trên giao dịch, ví như dùng ví điện tử thanh toán mua vé máy bay khác hẳn với số tiền mua một ly cà phê.
Tại Singapore Luật Thanh toán điện tử chính thức có hiệu lực từ năm 2020, quy định người dân muốn mở ví điện tử hạn mức thanh toán trên 50.000 SGD/tháng cần xác thực danh tính cá nhân. Theo đó, tùy vào mục đích của người dùng ví điện tử khác nhau, các nhà cung ứng yêu cầu người dùng xác thực định danh và người dùng có thể thực hiện định danh khách hàng ở các cửa hàng phân phối nơi chấp nhận thanh toán ví điện tử.
Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore quản lý các công ty ví điện tử theo rủi ro thanh toán, trong đó có nhiều hình thức cấp giấy phép khác nhau bao gồm quản lý theo hạn mức, giấy phép quản lý theo quy mô hoạt động của doanh nghiệp thì cần xác thực định danh cá nhân. Đối với công ty cung ứng ví quản lý hạn mức dựa vào tính chất hoạt động của doanh nghiệp, tính tuân thủ càng cao sẽ được trao hạn mức thanh toán cho khách hàng của họ càng nhiều. Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore cũng dành điểm thưởng là tiền kỹ thuật số tặng cho các nhà cung ứng ví điện tử tính trên doanh số khách hàng cao trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Từ đó, nhà cung ứng sẽ áp dụng cho khách hàng, thanh toán nội địa không phải định danh khách hàng cá nhân, nhưng thanh toán quốc tế phải định danh, hoặc trong 48 giờ đồng hồ chỉ có thể nhận tiền thì không phải xác thực còn chuyển tiền phải xác thực định danh điện tử. Đối với tương tác liên thông giữa các ví điện tử, nếu chỉ gửi tiền trong nước ví điện tử đó không cần đến mức tương tác liên thông, hoặc muốn đổi tiền không cần cho phép ứng dụng khác tham gia.
“Đây là cơ chế quản lý nhà nước dựa trên quản lý rủi ro, mặc dù sẽ có những nhà quản lý lo ngại về khách hàng mất tiền, rủi ro công nghệ, rửa tiền, sự manh mún. Thế nhưng, nhà quản lý chỉ cần kiểm tra các công ty cung ứng ví làm gì sẽ có cách thức quản lý vừa linh hoạt và chặt chẽ”, ông Varun Mittal nói.