Quyết liệt giải quyết sở hữu chéo
Tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2016-2020: Mạnh tay với sở hữu chéo | |
Để hệ thống ngân hàng khỏe mạnh | |
Đã có đơn thuốc cho sở hữu chéo |
Lòng vòng... gỡ mạng nhện
“Hiện nay, tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động NH chưa được xử lý triệt để. Các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý nhưng một số TCTD vẫn đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với DN” - đó là một trong những nhận định được NHNN đưa ra trong Bản dự thảo lần I Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu.
Đây cũng là nội dung được Thống đốc NHNN đề cập mạnh mẽ và quyết liệt tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2017. Tư lệnh ngành NH khẳng định về việc cần thiết phải có những quy định cụ thể nhằm ngăn ngừa việc thao túng, sử dụng tài sản của NH cho một nhóm công ty liên quan.
Minh bạch hoá hệ thống giúp tháo gỡ vướng mắc sở hữu chéo |
Sở hữu chéo là câu chuyện trở đi trở lại rất nhiều năm trở lại đây, song kết quả xem ra vẫn chưa được như kỳ vọng. Quy định của NHNN về việc thoái vốn của các NHTM có sở hữu chéo đã được đề ra tại Thông tư 36 (nay là Thông tư 06). Theo đó, một NHTM chỉ được sở hữu tối đa hai TCTD và tỷ lệ sở hữu vốn không quá 5%. Hạn cuối cùng để các NHTM thực hiện thoái vốn là 1/2/2016. Đã hơn một năm kể từ “deadline” này nhưng một số TCTD vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ; cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của TCTD.
Hiện Vietcombank vẫn đang nắm giữ cổ phần tại 4 NHTM và một công ty tài chính; Eximbank sở hữu khoảng 9% cổ phần tại Sacombank. Trước đó, kể từ khi có quy định của NHNN, nhiều TCTD đã tất tả trong công cuộc thoái vốn. Đơn cử như Maritime Bank sáp nhập MDBank và Công ty tài chính cổ phần Dệt may. NH này cũng thoái vốn tại MB từ mức 8,96% xuống dưới 5%. VietinBank thoái vốn ở Saigonbank xuống còn 4,91%...
Mới đây, Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết: VietinBank đã bán phần vốn Nhà nước xuống chỉ còn 64,5% - đáp ứng được định hướng của Chính phủ cũng như NHNN phần vốn nhà nước ở các NHTM là 65%.
Trong danh sách sắp xếp thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020, Nhà nước chỉ còn nắm giữ 100% vốn tại NH Chính sách Xã hội Việt Nam và 3 NH NHNN mua lại 0 đồng. Tới năm 2020, Agribank cũng sẽ không còn là NH 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, NHNN vẫn sẽ nắm giữ trên 65% vốn tại NH này.
Thực tế các đơn vị cũng muốn thực hiện quy định của NHNN nhưng không phải cứ muốn thoái vốn, bán cổ phần là sẽ bán được. Nhiều khó khăn cho NHTM trong vấn đề xử lý dứt điểm sở hữu chéo. Một trong số đó liên quan tới việc định giá lại các cổ phần. Làm sao để tìm được đối tác sang nhượng; hay việc tính toán lại giá trị của cổ phần để giảm thiểu khả năng chịu lỗ cũng là chuyện đau đầu của các TCTD.
Nhìn sâu hơn, TS. Luật sư Bùi Quang Tín nhận thấy, hiện sở hữu chéo còn biến thể sang một hình thức khác, có thể gọi là sở hữu vòng. Khi không chỉ TCTD sở hữu lẫn nhau mà còn thông qua cả các DN. Có thể thấy, rủi ro của sở hữu chéo còn tồn tại rất nhiều. Đặc biệt khi đó là quyền lợi của nhóm lợi ích, không chỉ chạy quanh những người nằm trong NH, mà còn là những cá nhân bên ngoài. Chính điều này làm chậm quá trình giải quyết sở hữu chéo.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: “Các vấn đề tồn tại của hệ thống NH còn rất nhiều. Mấu chốt yếu kém chính là ở việc sở hữu chéo, đầu tư chéo, thôn tính, sử dụng NH vào mục đích “công ty sân sau”. Các cá nhân mua cổ phần NH phải chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp, hợp lệ, không được sử dụng vốn vay dưới bất cứ hình thức nào. Cá nhân nào vi phạm các quy định thì vĩnh viễn không được tham gia quản trị điều hành NH”. |
... Để công khai, minh bạch
Sở hữu chéo trong hệ thống NH không phủ nhận là thuộc tính khách quan, tồn tại từ lâu của nhiều nền kinh tế thế giới, nhất là ở những quốc gia có hệ thống tài chính phát triển dựa trên hoạt động NH. Nó là tất yếu gắn với quá trình phát triển của các TCTD. Nhưng với Việt Nam, hầu hết sở hữu chéo lại gây hại cho hệ thống tài chính, khi lợi ích nhóm đi ngược lại với lợi ích của đại đa số người dân.
Tuy nhiên, đây không phải là việc có thể “dọn sạch” trong một sớm một chiều, mà chắc chắn sẽ phải giải quyết theo lộ trình. Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu. Chuyên gia này cho rằng, trong vòng khoảng 5 năm trở lại đây, NHNN đã rất nỗ lực trong vấn đề giải quyết sở hữu chéo, và cũng đã đạt được những thành công nhất định để giảm thiểu một cá nhân, hoặc một tập thể sở hữu nhiều NH với mục đích lợi dụng NH mình sở hữu trục lợi cho cá nhân hoặc nhóm lợi ích. Song ông Hiếu cũng thừa nhận, các “chân rết” vẫn còn nhiều. Đâu đó vẫn có NH sở hữu ngoài quy định của Luật Các TCTD không những về số lượng mà còn cả về tỷ lệ sở hữu.
Chia sẻ thêm, vị chuyên gia này cũng chỉ ra sự khác biệt ở hệ thống tài chính Việt Nam và nước ngoài. Đơn cử như tại Việt Nam, số % sở hữu của DN nhiều hơn với cá nhân. Còn tại Mỹ, cá nhân có thể có tỷ lệ sở hữu cao hơn DN. Bởi người Mỹ quan niệm rằng, cá nhân khó có khả năng khuynh đảo NH nhiều hơn các DN. Do đó, các DN chỉ được sở hữu tối đa 5%, còn cá nhân là 10%.
Điểm thứ hai, tại Mỹ các cơ quan chức năng, quản lý NH không cho phép cổ đông đi vay để mua cổ phiếu. Tiền mua cổ phiếu NH phải cam kết là tiền mà cổ đông đó tích luỹ được và được điều tra, thanh tra cặn kẽ. Còn với Việt Nam, trước nay chuyện này lại thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Chỉ mới gần đây, vấn đề này mới được nghiên cứu xem xét chặt chẽ hơn.
Như vậy, có thể hiểu rằng trước khi sở hữu chéo được dọn dẹp chúng ta phải chấp nhận thực tế này. Nhưng chấp nhận không đồng nghĩa với “bình chân như vại”. Để lành mạnh và trong sạch hoá hệ thống tài chính, giới chuyên gia đều đồng tình trước hết các NH phải lên sàn, cổ phiếu được mua/bán theo giá thị trường một cách minh bạch.
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính của các NH phải được đăng tải hàng tháng trên website của NH đó. “Dù đương nhiên, với nhiều NH việc niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ có bất lợi cho họ khi “vạch áo cho người xem lưng”, song chúng ta đã có lộ trình rồi, không thể vịn vào đó mà trì hoãn mãi được” - một chuyên gia thẳng thắn.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã mở ra cơ hội qua thông điệp nới room của các nhà đầu tư nước ngoài tại các NH, và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, cơ cấu lại vốn của các NHTM Nhà nước cũng như các NHTMCP.
“Đây là chủ trương đúng đắn và chắc chắn sẽ có lộ trình quy định cụ thể. Tôi tin rằng cơ cấu vốn của các NHTM, kể cả NHTMCP sẽ phải thay đổi theo hướng tích cực hơn. NH thay đổi cơ cấu vốn không chỉ theo hướng mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài mà còn cần đa dạng hoá các cổ đông hiện hữu. Sở hữu chéo không gì hơn là quyết liệt, rốt ráo. Và đặc biệt phải đi cùng với thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các TCTD vi phạm mới mong có hiệu quả” - TS. Luật sư Bùi Quang Tín nhận định.