Để hệ thống ngân hàng khỏe mạnh
Thông tư với những quy định khá chặt chẽ đang được kỳ vọng sẽ giảm tình trạng sở hữu chéo, sử dụng vốn sai mục đích… đảm bảo hệ thống NH hoạt động ngày càng lành mạnh minh bạch hơn.
Giảm tỷ lệ cổ phần vượt giới hạn là cần thiết để lành mạnh hóa hệ thống NH |
Giới NH cho rằng, việc các cá nhân và pháp nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ theo quy định, được xem là một thách thức trong quá trình tái cơ cấu NH, khi nhóm lợi ích lũng đoạn. Theo đó, những cổ đông nắm giữ tỷ lệ cổ phần vượt trần quy định tới đây sẽ phải bán bớt để giảm dần tỷ lệ sở hữu cổ phần trong NH.
Theo số liệu thống kê, hiện có 5 NHTMCP có cá nhân, tổ chức đang nắm giữ tỷ lệ cổ phần vượt quá mức quy định, lần lượt là 5%, 15% so với vốn điều lệ; 8 NHTMCP có nhóm cổ đông và người liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định 20% vốn điều lệ.
Ở góc độ đầu tư của các DNNN hiện cũng vướng vào tỷ lệ cổ phần vượt giới hạn. Ví như Tập đoàn Điện lực (EVN) nắm 16% cổ phần ABBank, Tập đoàn Dầu khí (PVN) nắm 52% cổ phần PVcomBank, Tập đoàn Masan cũng đang nắm 19,57% vốn Techcombank.... EVN phải xoay xở tìm cách giảm tỷ lệ sở hữu tại các đơn vị ABBank, Công ty tài chính Cổ phần điện lực, ABS và Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC). PVN phải thoái vốn một phần trong tỷ lệ 52% trong PVcomBank.
Thực tế, NHNN đã có Thông tư 36 để giải quyết tình trạng vượt sở hữu. Nhưng thời gian qua do giá cổ phiếu NH sụt giảm, khiến việc xóa cổ đông lớn thao túng còn nhiều khó khăn. Thừa nhận điều này, TS. Ngô Minh Châu, giảng viên tài chính NH cho biết: thoái vốn về đúng tỷ lệ sở hữu theo quy định trong các NHTMCP hiện nay cần có thêm thời gian cho các NH tìm đối tác, định giá hợp lý hiệu quả.
Đáng chú ý là những NH có cổ đông lớn nắm tỷ lệ cổ phần vượt trần chủ yếu là ở những NH nhỏ, không dễ “thoát hàng”, nhất là khi giá trị cổ phiếu giảm mạnh, vì vậy giải pháp tốt nhất lúc này là hợp nhất, sáp nhập.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, áp lực tăng vốn có thể là nguyên do gây ra sở hữu chéo giữa các NH. Không dễ xóa bỏ sở hữu chéo trong một thời gian ngắn, song giảm tỷ lệ cổ phần vượt giới hạn là cần thiết để lành mạnh hóa hệ thống NH.
Bởi hiện nay, cổ đông lớn và những người liên quan tại không ít NHTMCP vi phạm quy định vượt sở hữu cổ phần dẫn đến thao túng, chi phối NH, phục vụ cho lợi ích cổ đông lớn. Điều này đẩy NH đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch, quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc thận trọng và các quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc mở rộng cho nhà đầu tư mới tham gia vào mua cổ phần trong các NH, nhất là tìm kiếm những đối tác ngoại trong quá trình tái cấu trúc, theo các chuyên gia kinh tế, việc NHNN quyết tâm loại trừ lợi ích nhóm gây tiêu cực và nguy hại cho hệ thống, nền kinh tế là cần thiết.
Chuyên gia NH TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tăng niềm tin của nhà đầu tư vào hệ thống NH Nếu khẳng định Thông tư 06 tác động tiêu cực hay tích cực có lẽ còn sớm. Nhưng có thể thấy ngay ảnh hưởng tích cực của nó khi tất cả các NH tuân thủ quy định của pháp luật, NHNN về cơ cấu, sở hữu vốn minh bạch. Điều này sẽ tạo niềm tin đối với nhà đầu tư khi họ có ý định tham gia đầu tư. Đương nhiên, với những quy định tương đối mạnh của NHNN sẽ gây bất lợi đối với lợi ích nhóm của nhóm cổ đông khi bắt buộc họ phải thoái vốn và có thể họ sẽ “phản kháng” dưới một vài hình thức. Nhưng với quyết tâm thực hiện tái cơ cấu hệ thống NH, tôi nghĩ chắc chắn NHNN sẽ có nhiều giải pháp lường đón để xử lý đối với những đối tượng cố tình không chấp hành hoặc chống đối. Với yêu cầu của NHNN, đến ngày 31/12/2015, cổ đông, nhóm cổ đông thoái vốn tại các NH theo đúng quy định, theo tôi, cũng có thể đẩy nhanh quá trình sáp nhập NH nhỏ hoặc yếu kém. Thời điểm này giá CP của các NH đang ở mức thấp, trong khi TTCK lình xình, nếu buộc phải bán CP thoái vốn chắc chắn các cổ đông thiệt hại lớn. Còn nếu các cổ đông không muốn khoản vốn đầu tư tại NH thua lỗ và vẫn đảm bảo quy định của NHNN thì phương án sáp nhập sẽ được họ tính đến. Nhìn từ góc độ này, việc sáp nhập có lẽ là giải pháp đỡ tốn phí nhất cho các cổ đông. Tuy nhiên, việc sáp nhập phức tạp hơn việc thoái vốn tình nguyện nhiều. Vì đối với hoạt động thoái vốn, chỉ đơn giản các cổ đông tìm đối tác mua CP. Còn sáp nhập là cả tiến trình đàm phán thương lượng giữa hai bên rất phức tạp và thời gian kéo dài. Nên đứng ở góc độ kinh tế, có thể giải pháp sáp nhập sẽ giúp các cổ đông đỡ tốn phí hơn nhưng về tính khả thi thì việc tự nguyện thoái vốn qua hình thức bán CP là tốt nhất đối với các đối tượng trên. Một điều tôi muốn lưu ý, quy định này dù khó khăn đối với các đối tượng bị điều chỉnh nhưng không nên gia hạn. Vì đây là những biện pháp hết sức cần thiết để đảm bảo hệ thống NH ngày càng minh bạch, hoạt động lành mạnh hơn. Bà Nguyễn Thị Thuỳ Giang, Phó Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng tổ chức, SSI: Kiểm soát tỷ lệ sở hữu vốn là cần thiết Thực tế đây không phải là một quy định mới. Quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa đã được nêu rõ trong Điều 55 của Luật Các TCTD có hiệu lực từ 1/1/2011. Tuy nhiên, hiệu lực của quy định này trong thực tế là rất hạn chế, còn nhiều trường hợp vi phạm mà không bị xử lý. Nếu Thông tư 06 được thực thi tốt thì sẽ có tác động lớn đến cổ đông của các NHTM. Đối với các cổ đông sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định, họ sẽ buộc phải giảm. Đối với các cổ đông nhỏ lẻ của NH, tôi cho rằng Thông tư này sẽ giúp bảo vệ lợi ích của các cổ đông này, khi NH không còn bị chi phối bởi quyết định của một (hoặc một nhóm) cổ đông. Tuy nhiên, xin nhắc lại, việc thực thi Thông tư 06 là điều rất quan trọng. Hy vọng, NHNN sẽ có các biện pháp cũng như chế tài hữu hiệu. Cũng có ý kiến cho rằng, Thông tư 06 ảnh hưởng tới CP NH, nhưng theo tôi, việc định lượng chính xác sự tác động là rất khó. Bởi các thông tin về cơ cấu cổ đông, đặc biệt là quan hệ giữa các cổ đông hiện chưa hoàn toàn minh bạch. Theo quan điểm cá nhân tôi, Thông tư 06 ảnh hưởng nhiều hơn đến cổ đông của các NH chưa niêm yết và giá CP NH cũng có thể bị ảnh hưởng, nhất là khi nguồn cung CP NH tăng do các cổ đông bán CP vượt giới hạn. Trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông không giảm tỷ lệ cổ phần sở hữu vượt giới hạn cho phép theo đúng quy định tại Thông tư 06, tôi ủng hộ các biện pháp “mạnh tay” của NHNN như: buộc cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan hoặc đại diện phần góp vốn phải rút lui khỏi HĐQT và/hoặc vị trí điều hành. Thậm chí, NHNN sẽ áp dụng phương án tái cơ cấu các TCTD mà có cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu cổ phần vượt giới hạn… Vì NH là một loại hình DN đặc biệt, có ảnh hưởng đến người gửi tiền, DN khác và cả nền kinh tế. Nên việc kiểm soát tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông, nhóm cổ đông tại một NH là việc làm cần thiết nhằm tránh việc cổ đông (hoặc nhóm cổ đông) đó sử dụng NH như một công cụ phục vụ cho lợi ích của mình. Hà Thành thực hiện |