Rác và hoa
Phàm đã là con người thì ai cũng muốn gần hoa và xa lánh rác. Hoa là nhan sắc, tỏa hương thơm, khoe sức vóc tinh diệu. Hoa sinh ra thơ ca nhạc họa. Hoa quyến rũ những trái tim yêu về bên, thưởng lãm. Còn rác quen bị coi là thứ nhơ nhớp, đồ bỏ đi, bị tống vào bên trong bức tường ghẻ lạnh.
Mỗi thứ một phận. Đằng thì kiêu sa rực rỡ ong bướm viếng thăm, đằng bị coi thường ruồi bọ tìm đến. Hai thế giới cứ thế đẩy nhau ra xa.
Con người cần ứng xử tốt hơn với những giá trị |
Nhưng cứ để ý kỹ thì chẳng thứ gì đáng bị bỏ đi. Đó là sự phân công chức phận trong cuộc đời. Nhiều thứ đồ trước khi là rác, chúng là những thứ con người trân trọng, nâng niu. Khi ở trên bàn, chúng là tài sản, khi bị ném vào sọt rác thì thành… rác. Ví dụ chai nước suối, con người cũng phải sử dụng những cỗ máy hiện đại để tạo dáng, sản xuất, sau mới đóng nước vào. Trong quá trình sử dụng, con người đã nâng niu cái chai nước, gồm cả nước và vỏ chai đấy thôi. Hay vỏ các loại bánh, là đồ nhựa thì con người cũng phải áp dụng công nghệ mới sản xuất được. Lá bánh chưng, bánh tẻ, bánh khúc… chẳng hạn, con người cũng phải lựa chọn lá đẹp, lá ngon, rửa sạch, tạo thêm thẩm mỹ để dùng vào mục đích gói bánh. Lá gói bánh chỉ trở thành rác khi ruột bánh đã được rút hết. Rồi những bộ bàn ghế, quần áo, giày dép… chúng đã từng là vật đắt tiền, làm sang cho chủ, rồi khi cũ kỹ mới bị bỏ đi, thành rác.
Lại nữa. Không phải rác cũng dễ bị bỏ đi lãng phí. Những thứ cần bỏ đi, chôn vùi chính là tà tâm, rác rưởi trong tâm trí con người. Bởi rác ngoài thực tế, rác nếu biết cách vẫn có thể sinh lợi. Ở nhiều nước phát triển, rác thải nhựa vẫn được tái chế bằng công nghệ cao, thay vì để mặc chúng đầu độc môi trường.
Lại nữa. Nếu để ý thì để làm nên những đóa hoa thơm, thì cây phải tươi tốt, có sức sống. Nhưng cây mọc ở đâu? Chẳng phải là mọc lên từ đất, từ cát, cũng đã được dồn ứ, tích tụ từ rất nhiều thứ rác đấy sao? Chúng ta chỉ nhìn thấy vẻ đẹp của hoa, nhưng ít quan tâm rễ cây hoa đã uống những gì trong đất, đã gạn lọc tinh chất từ bùn đất, thậm chí từ trong rác rưởi, để biến đổi thành sắc và hương. Chúng ta về những vùng nông thôn, trong sắc diện nông thôn mới, ven nhiều lề đường ngày xưa là nơi xả rác, thì nay đã biến thành những hàng hoa dâng đời. Đó là sự sáng tạo, cũng là cách con người khéo léo muốn chữa những vết thương của thiên nhiên, cảnh sắc.
Người là hoa của đất. Khi biết được điểm mạnh của hoa, và biết được tác dụng và những giá trị của rác, ta biết cách tìm vẻ đẹp trong bóng tối, tìm mặt mạnh trong con người khuyết thiếu, tìm cái cứng trong vô số cái mềm...
Trong mỗi con người, những đối kỵ, hiềm khích, ghen ghét, ích kỷ là những thứ rác đã bị biến đổi từ chiếc bánh bác ái, từ đóa hoa tin yêu. Khi con người không đủ bao dung, nhân hậu, có trách nhiệm vì cuộc sống chung, thì đừng nói sẽ xả ra rác, mà còn xả ra mầm mống bất hòa. Nếu con người biết cách biến đổi, thì rác trong tâm hồn lại nở hoa. Khi biết vui bồi, tưới tắm, thì cây phúc sẽ sinh hoa nhân ái, kết quả tình yêu trong tâm hồn.