Rủi ro khi ngân hàng cho vay theo Nghị định 67 (Bài 2)
Rủi ro khi ngân hàng cho vay theo Nghị định 67 (Bài 1) |
Bài 2: Xử lý nợ xấu: Ngân hàng không thể đơn thương độc mã
Đồng cảm chia sẻ những khó khăn trong thu hồi nợ của Agribank dẫn đến tình trạng nợ xấu trong cho vay theo Nghị định 67, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu quá lớn trong thực hiện Nghị định 67 không phải là vấn đề riêng của Agribank mà là thực trạng chung của các ngân hàng khác. NHNN cũng đã báo cáo Chính phủ thực trạng này. Mặc dù thời gian qua, các địa phương đã vào cuộc rất tốt, tuy nhiên trước những khó khăn vướng mắc hiện nay cần có sự quyết liệt hơn nữa. Nhất là khi sự việc xảy ra không thể để một mình ngân hàng đơn thương độc mã vào cuộc đôn đốc trả nợ.
Agribank là một trong những ngân hàng giải ngân hàng đầu cho vay tàu 67 |
“Một đối tượng khách hàng để được ngân hàng giải ngân vốn phải trải qua nhiều khâu: chủ tàu lên phương án, mẫu tàu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn, chỉ tiêu phê duyệt do UBND tỉnh và ngân hàng chỉ là đơn vị cuối cùng chịu trách nhiệm giải ngân. Nên không thể đổ nợ xấu do ngân hàng và để tự ngân hàng giải quyết. Nếu như tổ chức tuyên truyền tốt, quán triệt đến ngư dân và kiên quyết xử lý tôi nghĩ đâu đến nỗi để bị lợi dụng, ỷ lại chính sách như hiện nay”, ông Hùng đưa ra quan điểm.
Vì vậy, không chỉ riêng ngành Ngân hàng mà sự vào cuộc giải quyết vấn đề này một cách kịp thời của các địa phương và các bên liên quan là rất cần thiết để một chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ được thực hiện hiệu quả. Mặc dù vậy, về phía mình Agribank cần chủ động phối hợp sâu sát với các cơ quan, ban, ngành UBND, Ban chỉ đạo tại 28 tỉnh, thành phố để nắm bắt tốt tình trạng cho vay Nghị định 67, đồng thời tổ chức tuyên truyền vận động đến bà con ngư dân hiểu rõ chính sách nghị định lớn này của Chính phủ.
Cũng có chung quan điểm như vậy, ông Nguyễn Văn Chung – Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng “thời gian tới chúng ta cần phải có những xử lý kiên quyết, mạch lạc trong vấn đề này, thậm chí phải “làm điểm” trong công tác xử lý để ngăn chặn tình trạng lôi kéo làm sai lệch chính sách”. Theo ông, chủ tàu không thể trông chờ ỷ lại vào nhà nước. Bởi cùng là ngư dân, nhưng ngư dân vay theo Nghị định 67 nhận được rất nhiều ưu đãi so với ngư dân khác như được vay vốn lãi suất ưu đãi, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm… Hơn nữa ngay từ khi ký kết vay vốn, chủ tàu xác định đây là vốn vay thương mại, nợ phải trả nên không có chuyện không làm được, lại đòi trả ngân hàng.
Đứng trên giác độ chính quyền địa phương, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, Thanh Hoá đã chủ trì và đưa ra nhiều giải pháp để tránh sự trục lợi chính sách. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền, đối thoại với các chủ tàu về chủ trương, chính sách của nhà nước để tránh việc cố tình hiểu sai, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng cùng ngân hàng phân loại hiệu quả của từng con tàu, đánh giá năng lực từng chủ tàu để đưa ra định hướng phát triển. Với những chủ tàu bị đánh giá yếu kém, tỉnh cũng có giải pháp kiên quyết, đồng ý cho chuyển đổi và cam kết cụ thể về hướng xử lý theo đúng các quy định của Luật Các TCTD. “Tuy chưa có trường hợp nào phải khởi kiện, nhưng tỉnh cũng cương quyết với hướng xử lý này nếu vẫn còn những trường hợp cố tình chây ì”, ông Quyền cho biết.
Trong khi đó, với quan điểm không nên gộp chung cơ chế vay ưu đãi với các chính sách khác, đại diện Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất, để nợ xấu không ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngân hàng, vị này cho rằng, NHNN đưa khoản nợ cơ cấu theo Nghị định 67 được cơ cấu riêng không đưa vào đối tượng điều chỉnh chung theo Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp.
Liên quan đến cơ cấu nợ, một số lãnh đạo tại các chi nhánh của Agribank cũng đề xuất NHNN xem xét cho tăng số lần cơ cấu kỳ hạn trả nợ nhưng không chuyển nhóm nợ đối với các trường hợp chủ tàu không trả được nợ theo phân kỳ nhưng do khó khăn tạm thời trong khai thác, đánh bắt thủy sản… để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ tàu cũng như TCTD trong triển khai Nghị định 67.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều trở ngại nhưng Phó tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, Agribank luôn xác định hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trước một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Từ kinh nghiệm liên tục bám sát địa bàn, tổng kết thực tiễn triển khai, Agribank đã kịp thời có nhiều giải pháp sát với tình hình, kịp thời tháo gỡ để nguồn vốn Nghị định 67 được khơi thông. Tuy nhiên, đối với một chủ trương lớn, quan trọng trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, để giải quyết các khó khăn cần có sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của các địa phương, các bộ, ngành.
Cụ thể, từ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế, Agribank kiến nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư 114/2014/TT-BTC theo hướng cho phép các khoản điều chỉnh kỳ hạn trả nợ được hỗ trợ lãi suất để tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn giảm bớt khó khăn để tiếp tục thực hiện việc khai thác đánh bắt; đồng thời bổ sung nội dung về hỗ trợ lãi suất đối với cơ chế chuyển đổi chủ tàu, trong đó hướng dẫn các trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, đề nghị NHNN Việt Nam xem xét đề xuất với Chính phủ có cơ chế xử lý rủi ro đặc thù hỗ trợ ngân hàng và các chủ tàu trường hợp các chủ tàu hoạt động không hiệu quả, không có nguồn thu trả nợ, ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ...
Agribank cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền để các chủ tàu hiểu rõ chính sách ưu đãi của nhà nước, thực hiện đúng cam kết với ngân hàng, đồng thời hỗ trợ ngân hàng trong quá trình xử lý và thu hồi nợ đối với các trường hợp chủ tàu chây ì, không hợp tác trong việc trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm. Đối với các trường hợp có hành vi tuyên truyền, vận động các chủ tàu khác không chấp hành nghĩa vụ trả nợ, ông Trần Văn Thành đề nghị Ban chỉ đạo tỉnh chỉ đạo cơ quan Công an điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN: Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của ngư dân Về kiến nghị của Agribank đối với cơ cấu nợ, hiện tại NHNN đang có chủ trương sửa đổi Nghị định 55. Và NHNN cũng đã báo cáo thực trạng triển khai Nghị định 67 với Chính phủ. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và rà soát lại quá trình triển khai Nghị định 67, thậm chí cả Thông tư của NHNN hướng dẫn triển khai Nghị định 17. Quan điểm cá nhân tôi, nếu tách cơ chế xử lý nợ của Nghị định 67 ra khỏi Nghị định 55 thì cũng nên tách. Với đề xuất chuyển đổi chủ tàu, tuy đây là đối tượng được phép, nhưng đồng ý chuyển hay không do ngân hàng quyết định. Bởi nó gắn liền trách nhiệm trả nợ của chủ mới. Vì vậy, ngân hàng phải thẩm định chủ mới như một khách hàng vay mới, đánh giá đúng quy định đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng. Hiện tại, số lượng vốn Agribank còn phải giải ngân chiếm tới hơn 50% vốn cam kết nên phải rà soát đánh giá kỹ đối tượng vay. Còn với đề xuất có cơ chế hỗ trợ đối với những trường hợp khó khăn do chủ tàu cũ có nợ quá hạn khi chuyển sang chủ mới, NHNN ghi nhận đề xuất này và phối hợp Bộ Tài chính trình Chính phủ có hướng tháo gỡ. NHNN cũng sẽ đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành sửa đổi Thông tư 114 phù hợp với Nghị định 17 cũng như với những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 67. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi cho rằng cần có giải pháp làm sao hỗ trợ ngân hàng định vị được tàu khai thác ở vị trí nào, xây dựng quy định quản lý lịch trình nhật ký khai thác của ngư dân giúp ngân hàng kiểm soát dòng tiền thu hồi nợ. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp nên chủ trì phối hợp bộ, ngành liên quan đề xuất mô hình khai thác hải sản xa bờ theo tổ đội sản xuất trên biển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ khai thác đến chế biến, tiêu thụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra cho ngư dân, đảm bảo nguồn thu ổn định trả nợ cho ngân hàng… Trong thời gian tới, NHNN đề nghị UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục chỉ đạo sở, ban, ngành đối với chủ tàu không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, đồng thời rà soát lại đối tượng không đúng theo quy định Nghị định 67 để có biện pháp xử lý. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị trên, các cấp chính quyền địa phương cùng ngân hàng đôn đốc ngư dân vay vốn trả nợ. Đối với trường hợp chây ì phải xử lý theo quy định của pháp luật… Cuối cùng và cũng là giải pháp quan trọng đó là công tác thông tin tuyên truyền tại địa phương cần đẩy mạnh hơn để ngư dân hiểu rằng họ đang được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, nhà nước và đây không phải vốn tài trợ của nhà nước mà là nguồn vốn của ngân hàng tạo điều kiện cho ngư dân có cơ hội đóng tàu lớn vươn khơi để cải thiện cuộc sống. Vì thế, phải có trách nhiệm trả nợ đúng hạn cả gốc, lãi cho ngân hàng. |