Sốt sắng ngóng cơ chế “đặc thù”
Theo chương trình kỳ họp thứ tư, tuần này, Quốc hội sẽ quyết định nghị quyết về cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển TP.HCM. Theo đó, nếu được Quốc hội thông qua, hàng loạt các chính sách đặc thù liên quan đến quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền… sẽ được thí điểm tại TP.HCM.
Nhiều dự án xây dựng - chuyển giao lĩnh vực hạ tầng tại TP.HCM đang được tạm ngưng chờ cơ chế mới |
Tháo nhiều nút thắt về vốn
Theo những nội dung trong dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, hầu như tất cả các nút thắt chính trong hoạt động quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách… đều đã được TP.HCM kiến nghị đưa ra cơ chế tháo gỡ.
Cụ thể, về quản lý đất đai, bản dự thảo nghị quyết kiến nghị giao quyền tự quyết cho chính quyền TP.HCM trong việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên. Về quản lý đầu tư, TP.HCM kiến nghị được quyền tự quyết chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công.
Trong khi đó về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, TP.HCM đề nghị áp dụng thí điểm việc tăng một số mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành. Đồng thời cho phép TP.HCM được chủ động hơn trong hoạt động sử dụng, phân bổ nguồn vốn ngân sách và hoạt động vay vốn kiến tạo cũng như trả nợ.
Theo đó, ngân sách TP.HCM sẽ được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Số thu từ cổ phần hóa của các DNNN do TP.HCM quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP.HCM làm đại diện chủ sở hữu sẽ được sử dụng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập và 2 bệnh viện tuyến cuối của thành phố. Ngân sách Trung ương sẽ không bổ sung cho TP.HCM 18.800 tỷ đồng từ nguồn thu cổ phần hóa để thực hiện các dự án này như dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Về việc vay vốn, TP.HCM kiến nghị được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
Ngoài ra, đối với các dự án đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương trên địa bàn TP.HCM, dự thảo cũng kiến nghị cho phép TP.HCM sử dụng ngân sách của mình và có thể vay hoặc huy động theo phương thức đối tác công tư PPP để thực hiện.
Nước lên thuyền sẽ lên
Đánh giá về việc tạo ra cơ chế “đặc thù” cho TP.HCM, TS. Trần Du Lịch - Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, điểm quan trọng nhất của cơ chế mới là cho phép TP.HCM chủ động hơn trong việc quyết định một số khoản chi, tạo điều kiện cho thành phố tăng nguồn thu, chủ động chi.
Theo ông Lịch, cơ chế mới về tỷ lệ điều tiết thu/chi ngân sách hoàn toàn không phải là điều chỉnh lại tỷ lệ phân chia mà chỉ nhằm giải quyết vấn đề tăng nguồn vốn đầu tư cho TP.HCM về hạ tầng. Việc chủ động tăng đầu tư như thế không làm giảm đi phần điều tiết về Trung ương mà sẽ tạo ra thế “nước lên thuyền lên”. Tức là khi cho phép TP.HCM được chủ động hơn trong thu chi thì ngân sách tạo ra sẽ lớn hơn, khi đó dù phân chia theo tỷ lệ nào thì Trung ương cũng được nhiều hơn và TP.HCM cũng được nhiều hơn.
Hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng khi TP.HCM được thông qua cơ chế đặc thù để phát triển thì sẽ phát huy được vai trò đầu tàu kinh tế của mình và lan tỏa đến các khu vực kinh tế trọng điểm. Viễn cảnh một TP.HCM với cơ chế quản lý đặc thù có hạ tầng hiện đại, kết nối với các khu vực lân cận như Đông Nam bộ và ĐBSCL, tạo ra sự phát triển mạnh các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế và thị trường lao động thì gần như không có gì bàn cãi và hầu hết các thành phần kinh tế đều đang trông đợi.
Tuy nhiên, trong chừng mực thảo luận, chờ đợi những quyết định cuối cùng của Quốc hội TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng khi tạo ra cơ chế đặc thù cho TP.HCM thì cũng cần phải đưa ra các cam kết về hiệu quả sau khi đã có cơ chế mới. Theo đó, TP.HCM cần cam kết sẽ thu hút, huy động được bao nhiêu nguồn lực đầu tư. “Lãnh đạo TP.HCM phải cam kết, có kế hoạch chi tiết, có cơ chế, thành phố sẽ thực hiện được bao nhiêu, chứ không phải cứ xin mà không biết quá trình thực hiện như thế nào”, ông Hồ nói.
Trong khi đó, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thì cho rằng, một trong những điểm thay đổi cốt lõi mà TP.HCM phải thực hiện được khi được trao các công cụ quản lý mới là phải vận dụng sáng tạo mô hình hợp tác công tư PPP.
Theo ông Tự Anh, từ trước đến nay trong điều kiện ràng buộc về ngân sách, TP.HCM cũng đã có những cách thức vận dụng để tạo ra nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó phải kể đến cách thức “đổi đất lấy hạ tầng” đã được thực hiện khá hiệu quả với nhiều dự án lớn. Tuy nhiên, cách thức “hàng đổi hàng” nên được vận dụng một cách sáng tạo và xem xét thấu đáo những rủi ro liên quan của mô hình hợp tác công tư. Vì thế ngay cả khi đã có cơ chế đặc thù thì TP.HCM cũng cần phân tích và đánh giá những dự án đã thực hiện trên địa bàn để rút ra các bài học kinh nghiệm, đồng thời tham khảo kinh nghiệm từ các nơi khác để lựa chọn mô hình phù hợp.