Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Phạt chưa đủ nặng để răn đe
Đá ném ao bèo
Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh vào cuối năm 2015 đã phối hợp với cơ quan công an tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Tino (KCN Tân Tạo, quận Tân Bình), phát hiện DN này đang sản xuất hàng loạt sản phẩm thức ăn chăn nuôi chưa được cấp phép.
Đáng chú ý là qua kiểm tra phát hiện hàng chục tấn nguyên liệu đã quá hạn sử dụng. Lực lượng chức năng đã niêm phong, tạm giữ khoảng 200 tấn thức ăn chăn nuôi thành phẩm hiệu Tinomix cùng 16 tấn nguyên liệu quá hạn nhập khẩu từ Trung Quốc để xử lý.
Bằng mắt thường khó phân biệt được đâu là thực phẩm có chứa chất cấm |
Cũng trong đợt cao điểm ra quân từ tháng 10/2015 - 2/2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện 5 DN sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; tiêu hủy tại chỗ hơn 13kg hóa chất vàng ô (vat yellow); tịch thu 20kg bột màu trắng nghi là chất tạo nạc (sabutamol)...
Còn theo kết quả kiểm tra của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), qua đợt lấy mẫu tại các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trong năm qua tại 12 tỉnh thành khác nhau đã phát hiện không ít mẫu vật phẩm dương tính với chất sabutamol. Điển hình có những cơ sở bị phát hiện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lên đến mức báo động, hơn 18%...
Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc “ra quân quét dọn” bớt các cơ sở kinh doanh vi phạm của lực lượng chức năng vừa qua là rất cần thiết. Nhưng so với mức độ nghiêm trọng của vụ việc thì công tác xử lý chỉ như “đá ném ao bèo”, cứ hết đợt cao điểm thì vấn đề lại “đâu vào đấy”. Càng ngày, việc sử dụng chất cấm, làm ăn gian dối càng tinh vi hơn. Các cơ sở này vì lợi nhuận mà bất chấp luật pháp, sức khỏe, tính mạng của người dân...
Chất tạo nạc sabutamol và clenbuterol đã được Tổ chức Nông lương (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề nghị không sử dụng trong chăn nuôi từ lâu, bởi chất này sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng nếu sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Thế nhưng, vì chạy theo lợi nhuận mà tình trạng người chăn nuôi sử dụng các chất cấm này vẫn ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước, rất khó để có thể kiểm soát một cách triệt để.
“Bằng mắt thường người dân khó có thể phân biệt được đâu là sản phẩm gia súc, gia cầm có sử dụng chất cấm. Vì vậy, người tiêu dùng chỉ còn biết trông chờ vào các cơ quan chức năng làm sao quản lý chặt chẽ và có chế tài đủ mạnh để hạn chế và dần loại bỏ được mối nguy hại này ra khỏi đời sống của cộng đồng”, ông Phong trăn trở.
Con bệnh đã nhờn thuốc
Trước tình hình này, mới đây Bộ NN&PTNT đã đưa ra dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo hướng xử phạt nặng hơn, tăng mức tiền phạt từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm giết mổ, chế biến động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi (trước đó là 10 - 15 triệu đồng).
Đồng thời, Bộ này cũng đề xuất phạt tiền bằng 80 - 100% tổng giá trị động vật tại thời điểm vi phạm, số tiền phạt tối đa là 100 triệu đồng áp dụng cho trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ, phạt tiền bằng 100% - 120% tổng giá trị động vật vi phạm với số tiền phạt cũng lên đến 100 triệu đồng khi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các trang trại (chưa tạo dư lượng vượt ngưỡng cho phép)...
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù mức phạt đã được nâng lên, nhưng so với lợi nhuận của những cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y nhiều khi lên đến hàng tỷ đồng thì con số tiền phạt vi phạm nói trên chẳng thấm vào đâu. Và mỗi đợt lực lượng chức năng ra quân rồi đem xử phạt cũng lại rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” rồi mọi chuyện lại vẫn đâu vào đó. Chỉ có người dân là không biết trông chờ vào đâu và luôn nơm nớp một nỗi lo trước thực phẩm bẩn vẫn đang được bày bán tràn lan.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, nếu không có chế tài đủ mạnh thì chính những cơ sở làm ăn gian dối sẽ làm hại những DN chân chính và ngành thức ăn chăn nuôi sẽ bị chết yểu khi người tiêu dùng tẩy chay. Bài học thực tế vừa qua đã cho thấy, ngành chăn nuôi heo, gà trong nước không chỉ lao đao bởi dịch bệnh mà chính hành động quay lưng của người tiêu dùng đã khiến ngành tuột dốc, rớt giá thê thảm.
Vì vậy, khi các cơ sở chăn nuôi, sản xuất thức ăn nói không với chất cấm cũng chính là hành động để bảo vệ sự tồn tại và phát triển bền vững của chính DN, ngành mình. Mặt khác, Bộ luật Hình sự 2015 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016, đã có những điểm mới về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Hy vọng tới đây các cơ quan chức năng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn với chế tài đủ mạnh để xử lý triệt để tình trạng này.