Tái cơ cấu ngân hàng: Thành công nhân đôi
Ảnh minh họa |
Tại hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu” diễn ra ngày 23/10 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế khẳng định: “cục máu đông” của nợ xấu đã được xử lý và tan dần.
Không có tiền nhưng phải đi máy bay cho kịp thời gian
Qua lời TS.Trần Du Lịch, có thể hình dung năm 2012, tín dụng giảm, hệ thống TCTD đứng trước nguy cơ đổ vỡ do một bộ phận mất thanh khoản và yếu kém trong quản lý. Đến giữa năm, tình trạng nợ xấu xuất hiện rất mạnh, rất nhanh. Thời điểm ấy, Chính phủ, Quốc hội không có chủ trương sử dụng nguồn tiền từ ngân sách để hỗ trợ hệ thống TCTD. Hơn nữa, Chính phủ siết chặt chi tiêu công, giảm tổng cầu để chống lạm phát. Trong khi sức mua thị trường giảm, doanh nghiệp giảm sản xuất, nhiều doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ đáo hạn.
Nhiệm vụ của ngành Ngân hàng ở thời điểm đó rất nặng nề, vừa phải tái cấu trúc trong khi đồng thời vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chống lạm phát, hạ lãi suất, giảm nợ xấu, lại phải tăng tín dụng, ổn định tỷ giá... “Ngành Ngân hàng đã phải giải một phương trình với nhiều ẩn số mâu thuẫn nhau, giống như không có tiền nhưng phải đi bằng máy bay để kịp thời gian”, TS. Lịch nói. Bổ sung ý kiến này, TS. Trần Đình Thiên cho biết, tái cơ cấu ngân hàng, ngoài nhiệm vụ vượt thoát chính bản thân còn có nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập, phải tạo ra được thế và lực, đón nhận cơ hội lẫn vượt qua thách thức.
Cái khó còn ở chỗ, nếu ngân hàng không tiếp tục cho doanh nghiệp vay thì không cứu họ được. Doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng mất tiền. Mối quan hệ doanh nghiệp và ngân hàng là mối quan hệ cùng thành, cùng bại. Từ tháng 7/2012, mô hình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được triển khai tại TP.HCM, các bên cùng ngồi lại để giải quyết từng trường hợp xử lý cấp tín dụng cho những doanh nghiệp mà theo tiêu chuẩn nợ xấu không thể vay được.
“Lúc đầu có nhiều người cho rằng, cách làm của Ngân hàng Nhà nước như vậy là không giống ai, vì với chức năng của mình, cơ quan này không thể ngồi bàn việc cho vay tiền từng doanh nghiệp được. Nhưng tôi cho rằng, đây là cách làm của riêng Việt Nam trong bối cảnh của Việt Nam, không đánh chính quy được thì đánh du kích. Và Ngân hàng Nhà nước đã đi đánh du kích", ông Lịch cho hay.
Lập nền tảng vững chắc cho giai đoạn mới
Kết quả của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, theo TS. Trần Du Lịch, là khá tốt. Từ tháng 6/2012 đến tháng 9 năm nay, tổng số doanh nghiệp ở TP.HCM được vay vốn trong chương trình là hơn 7.800 đơn vị, với tổng dư nợ là 170.000 tỷ đồng. Tính trong toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng là 10%, trong khi nợ xấu chỉ còn 2,9%.
“TCTD vừa giải quyết được nợ xấu cũ, vừa thu được nợ mới đúng hạn. Đây là điểm khá đặc biệt để cho thấy trong quản lý kinh tế “mọi lý thuyết chỉ là màu xám, chính cây đời mới mãi mãi xanh tươi”. Sáng tạo “đánh du kích” đã giải quyết vấn đề”, TS. Lịch đánh giá.
TS. Trần Đình Thiên cũng chia sẻ, nhìn lại kết quả tái cơ cấu sau 4 năm mới thấy quá trình này khó khăn như nào. Với những ai còn băn khoăn về kết quả tái cấu trúc ngành Ngân hàng, ông Thiên nói: “Những gì quá trình tái cơ cấu chưa làm được cần phải được giải thích bằng chính sự tồn đọng của "di sản", coi là nguyên nhân chính cho những tồn tại, không phải chê trách hệ thống ngân hàng hiện tại”.
Tính đến 31/8/2015, hệ thống các TCTD đã xử lý được trên 420 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tương đương khoảng trên 91% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012. Kết quả xử lý nợ xấu nói trên đã đưa tỷ lệ nợ xấu đến tháng 9/2015 chỉ còn khoảng 2,9%.
“Vì sao chúng ta phải tái cơ cấu? “Bình ôxi” của hệ thống ngân hàng thời điểm trước tái cơ cấu rất khó khăn. Nhưng bây giờ, các ngân hàng đã có thể thở bằng chính bình ôxi của mình”, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ví von một cách hình ảnh. Ông Phước cho biết, cho đến thời điểm này, các ngân hàng trong diện tái cơ cấu đã có nhiều thành tựu, vốn chủ sở hữu đã tăng lên 18%, vốn huy động đã tăng 147%, tín dụng tăng 87%, dự phòng rủi ro tăng 146%. Chứng tỏ rằng các ngân hàng đã hoạt động tốt lên rất nhiều.
Có thể nói, “cục máu đông” nợ xấu đã được xử lý “tan dần”, PGS.TS Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng và Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại hội thảo: “Trong quá trình tái cơ cấu, chúng ta đã đạt được 4 điểm nhấn quan trọng cho giai đoạn gần 4 năm vừa qua”.
Theo ông Nghĩa, hệ thống thanh khoản hệ thống ngân hàng đã tốt lên. Cuối năm 2011, nguy cơ đổ vỡ hệ thống của chúng ta rất cao. Nhưng đến nay, thanh khoản đã cải thiện căn bản. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất từ 17- 10%/năm đã về mức 9-10%/năm. Trật tự, kỉ cương của thị trường tiền tệ và cả hệ thống đã tốt hơn, cạnh tranh lành mạnh hơn, không còn tình trạng chạy đua lãi suất huy động. Ngoài ra, ông Nghĩa cũng cho biết, 3 nội dung then chốt của quá trình vừa qua là: cơ cấu lại về quản trị, cơ cấu tài chính, cơ cấu hoạt động cơ bản đã thành công.
“Chúng ta không đặt ra lộ trình chắc chắn trong đề án xử lý nợ xấu rằng đến cuối 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Nhưng cả hệ thống ngân hàng đã phấn đấu đưa nợ xấu về dưới 3% trước 30/9 (2,93%)”, ông Nghĩa cho hay.