Tăng chất quản trị công ty: Mưa dầm, thấm lâu
Liệu pháp nâng cao năng lực quản trị công ty | |
Quản trị công ty: DN Việt đang tụt hậu so với thế giới |
Cách đây vài năm, một đại gia đứng đầu DN tư nhân lớn của Việt Nam đã “lén” cổ đông đem tiền đi đầu tư dự án, với kỳ vọng đây sẽ là “bước chuyển” lột xác cho DN. Nhưng kết quả thực tế không như kỳ vọng, và theo lẽ thường tình thì mọi người sẽ phải cùng chịu thua thiệt như nhau.
Tuy nhiên nếu nhìn dưới giác độ quản trị công ty (QTCT), người nào ra quyết định mà giấu cổ đông thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, bởi như thế mới là công bằng. Nhưng “được vạ thì má đã sưng”, bởi đó là tình trạng DN “một người” - phụ thuộc gần như hoàn toàn vào một nhân vật lãnh đạo.
Thẻ điểm QTCT của các DN Việt Nam thấp nhất trong các nước ASEAN |
Lỗi quản trị và một kinh nghiệm tốt
Qua câu chuyện trên, một câu hỏi đặt ra là những DN ấy sẽ ra sao nếu các vị “yếu nhân” của họ gặp phải các vấn đề như sức khỏe, sai lầm trong chỉ đạo? Hay đơn giản là vị ấy muốn “gác kiếm” về hưu thì liệu thế hệ tiếp nối đã được chuẩn bị chưa và sẽ cáng đáng DN ra sao?
Thực chất, các nguyên tắc QTCT với những thông lệ tốt đã tồn tại từ lâu trên thế giới. Các nước sau khủng hoảng kinh tế thường rà lại xem lý do chính của khủng hoảng là gì? Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong đó bao giờ cũng liên quan đến vấn đề QTCT, quản trị DN kém và luôn hối tiếc rằng, sao các điểm yếu như vậy tồn tại lâu mà không được sửa chữa?
Các nguyên tắc, thông lệ về QTCT tốt của Tổ chức Hợp tác phát triển (OECD) ra đời trong hoàn cảnh đó. Bộ nguyên tắc QTCT của OECD bao gồm: Quyền của cổ đông; Đối xử công bằng với cổ đông; Vai trò của các bên liên quan trong QTCT; Công khai, minh bạch thông tin; Trách nhiệm của HĐQT.
Và trong khu vực, đã có những nước áp dụng thành công, đó là Thái Lan. Theo một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về QTCT, các DN ở Thái Lan trước đây cũng không khác mấy Việt Nam khi phải “chạy chọt”, hay đấu thầu “tía lia” để kiếm về hợp đồng.
Chỉ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực xảy ra năm 1997, mà Thái Lan là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất, họ đã nhận thấy mấu chốt vấn đề của những yếu kém chính là QTCT không tốt. Và với tư duy phải thay đổi, quyết tâm thực hiện, QTCT ở Thái Lan sau vài thập kỷ đã có những bước đột phá về chất.
Ngay từ năm 1999, họ đã thành lập được Viện QTCT Thái Lan (IOD). Viện này chỉ chuyên về nghiên cứu phát triển và hỗ trợ các DN Thái Lan áp dụng các thông lệ QTCT tốt và được không chỉ các DN trong nước mà các tổ chức và chuyên gia quốc tế đánh giá chất lượng rất cao.
Thái Lan giờ đây cũng đã tiến tới mức Clean business (DN trong sạch). Theo đó, các DN nếu được “đóng mác” Clean business (một tiêu chuẩn không dễ dàng đạt được) sẽ được ưu tiên trong việc đi đấu thầu các hợp đồng.
Tại một hội thảo về thông lệ QTCT được IFC (Nhóm Ngân hàng Thế giới - WB) tổ chức tại Thái Lan mới đây, TS. Bandid Nijathaworn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc IOD cho biết, nhờ những nỗ lực không ngừng trong tuyên truyền, nhận thức và áp dụng các thông lệ tốt về QTCT nên các DN Thái Lan đã có những bước tiến dài trong vấn đề này. Từ mức thẻ điểm QTCT chỉ đạt mức trung bình 50 vào năm 2000, giờ đây (năm 2015) điểm số này đã đạt 75.
Mưa dầm, thấm lâu
Bà Nguyệt Anh, chuyên gia phụ trách chương trình QTCT của IFC tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để đẩy nhanh hòa nhập khu vực trong việc thực hiện các thông lệ quản trị tốt.
“Các cơ quan quản lý nên có sự đầu tư mang tính ưu tiên và tập trung với cam kết đưa các chuẩn mực QTCT quốc tế tốt vào các quy định khung pháp lý, đặc biệt trong những ngành đặc thù như ngân hàng, khu vực kinh tế hay các DN có vốn nhà nước giữ vị trí chi phối”, bà Nguyệt Anh đề xuất.
Nói một cách đơn giản hóa, theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), câu chuyện QTCT nôm na là xoay quanh vấn đề cần làm thế nào để tạo ra một cơ chế mà ở đó tất cả mọi người trong bộ máy DN ấy sẽ làm việc một cách trung thực, trách nhiệm, đặc biệt ở các tầng lớp lãnh đạo cao nhất.
“Khi anh làm bất kỳ một công việc gì, ra bất kỳ một quyết định gì thì phải nâng lên đặt xuống, không thể theo cảm tính cá nhân được, cũng không thể bảo vì bận quá nên ký bừa hay bỏ qua công việc để có thể dẫn đến những tổn hại cho DN về sau”, vị này chia sẻ.
Theo nghĩa đó, dù việc tuân thủ được các thông lệ QTCT tốt sẽ mang lại lợi ích cho cả lĩnh vực kinh doanh cũng như công tác quản trị và chiến lược phát triển bền vững của mỗi DN, nhưng điều đó chỉ thực sự có ý nghĩa nếu tự thân các DN thấy cần thiết và tự nguyện thực hiện để trở nên tốt hơn.
Còn nếu chỉ trông chờ cơ quan quản lý đưa các chính sách, biện pháp chốt cứng rồi buộc DN phải thực hiện theo sẽ khó tránh khỏi lối mòn tuân thủ theo kiểu hình thức, đối phó.
Đây cũng là kinh nghiệm được TS. Bandid Nijathaworn chỉ ra, đó là cần làm sao việc áp dụng các thông lệ tốt về QTCT không phải ở dạng khuôn mẫu, hình thức mà cần đi vào tâm khảm của những người có trách nhiệm ở mỗi DN vì mục tiêu đưa DN phát triển bền vững.
Do đó, một trong những bài toán đặt ra với các cơ quan quản lý để thúc đẩy QTCT tốt hơn ở Việt Nam chính là làm sao kết hợp hài hòa giữa những quy định mà DN phải bắt buộc tuân thủ và những quy định mang tính chất khuyến khích DN hướng đến áp dụng.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh không dễ “dàn hàng ngang” để tiến mạnh trên tất cả các lĩnh vực (các nguyên tắc về QTCT tốt của OECD) thì theo nhiều chuyên gia, lĩnh vực đầu tiên cần tập trung làm tốt chính là vấn đề minh bạch và công bố thông tin. DN thấm dần và làm tốt mới có thể tính tiếp đến những lĩnh vực khác. Đây cũng là lĩnh vực dù được xem có nhiều cải thiện nhưng vẫn là điểm yếu nhất hiện nay của các DN Việt.