Liệu pháp nâng cao năng lực quản trị công ty
Nâng cao chất lượng quản trị công ty | |
Loay hoay với quản trị công ty | |
Chia sẻ kinh nghiệm về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng |
Ông Nguyễn Vũ Quang Trung |
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Tổng giám đốc, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết theo thông lệ, các nước trên thế giới không sử dụng chế tài để giúp DN nâng cao chất lượng quản trị công ty (QTCT), thay vào đó, họ sử dụng khái niệm “cưỡng chế thực thi mềm”.
Ông đánh giá thế nào về QTCT tại DN Việt Nam trong tương quan với các nước trong khu vực?
QTCT là lĩnh vực rất rộng và nếu so sánh với các nước trong khu vực đến nay cũng chưa có đánh giá nào là tổng thể. Tuy nhiên, qua hệ thống đánh giá điểm của ADB cũng như IFC thì trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam thuộc top dưới trung bình so với các nước xung quanh, ngoại trừ: Lào, Campuchia và Myanmar là những nước đang trong quá trình hình thành TTCK.
Dù thẻ điểm về QTCT của Việt Nam đã dần dần tăng lên trong những năm qua, tuy nhiên so với mặt bằng quốc tế chúng ta đang ở mức rất thấp.
Vậy, điều này ảnh hưởng thế nào đến dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam thưa ông?
Nhìn trực tiếp thì khó, nhưng gián tiếp thì rõ ràng khi người nước ngoài cân nhắc đầu tư, thậm chí chỉ mua hàng hóa người ta sẽ lựa chọn quốc gia và DN có thẻ điểm QTCT tốt hơn để đảm bảo họ có bạn hàng, đối tác tin cậy.
Nếu QTCT của DN Việt Nam tốt hơn thì sẽ hấp dẫn được nguồn vốn cũng như các đơn đặt hàng của nước ngoài với các DN Việt Nam, giúp nâng cao sức cạnh tranh của DN Việt Nam.
Thời gian tới, cơ quan quản lý có nên dùng chế tài gì để thúc đẩy QTCT không thưa ông?
Cần nói rõ là đối với QTCT cũng không nên áp dụng hình thức chế tài vì đây là hoạt động bình thường của DN mà nên có chính sách để khuyến khích DN. Nhưng bên cạnh khuyến khích DN thì Nhà nước cũng cần có chính sách về minh bạch hóa thông tin, yêu cầu về trách nhiệm của HĐQT, quản trị viên, hay thành viên HĐQT đối với các quyết định đưa ra đối với DN.
Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính, UBCKNN đã có rất nhiều chính sách để thúc đẩy QTCT. Hiện tại, mọi người đã nói nhiều hơn tới QTCT và minh bạch. Trong tương lai, QTCT có tốt hơn hay không còn phụ thuộc lớn vào các DN, nhưng vai trò của Nhà nước, cũng như các cơ quan quản lý, vận hành thị trường như UBCKNN, các sở giao dịch chứng khoán… là không nhỏ.
Ông có nói đến chế tài “cưỡng chế thực thi mềm” để thúc đẩy QTCT tốt hơn, vậy ông có thể phân tích cụ thể hơn?
Khái niệm “cưỡng chế thực thi mềm” trong lĩnh vực QTCT là một khái niệm rất phổ biến ở quốc tế. Bởi như tôi chia sẻ ở trên, không có chế tài để yêu cầu các DN phải thực hiện QTCT theo thông lệ quốc tế, mà chỉ sử dụng các cơ chế khuyến khích. Theo đó, “cưỡng chế thực thi mềm” là những chính sách về khen thưởng hay đưa ra các danh hiệu, vinh danh DN bằng danh hiệu, hay gắn sao cho các DN làm QTCT tốt.
Tại HNX, trong vòng 3 năm qua và năm nay, chúng tôi cũng đã, đang tiến hành chương trình chấm điểm, công bố thông tin và minh bạch vào tháng 10 hàng năm đối với các DN có QTCT tốt, minh bạch thông tin. Đây là một biểu hiện rất cụ thể của “cưỡng chế thực thi mềm”.
Ngoài ra, “cưỡng chế thực thi mềm” còn có thể được thực hiện thông qua việc nâng cao nhận thức của các NĐT, đặc biệt là NĐT tổ chức. Những NĐT này khi thực hiện đầu tư họ đều dựa trên một số nguyên tắc nhất định, chẳng hạn như chỉ đầu tư vào các công ty có QTCT tốt. NĐT có quyền yêu cầu ban lãnh đạo, HĐQT cũng như cổ đông của các công ty đó phải có trách nhiệm với công ty để duy trì phát triển bền vững.
Cơ chế “cưỡng chế thực thi mềm” hiện đang được triển khai ở rất nhiều nước và rất đa dạng về cách thức thực hiện; do đó, chúng ta càng triển khai được nhiều thì càng tốt cho DN.
Xin trân trọng cảm ơn ông!