Tăng năng suất từ góc nhìn doanh nghiệp
Kỳ vọng bật từ chính sách lao động | |
NSLĐ và tư duy trọng “lượng” hơn trọng “chất” | |
CPTPP: Lao động trình độ cao hưởng lợi nhiều nhất |
Với CTCP May 10, sự đổ bộ của cách mạng công nghiệp 4.0 chính là cơ hội để nâng cao năng suất lao động, mở rộng sức sản xuất, mà không phải quá trăn trở với bài toán sa thải người lao động.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc CTCP May 10 dẫn chứng, sau khi đầu tư 1 máy dán túi tự động trị giá khoảng 35.000 euro thì thời gian cho công đoạn này chỉ còn khoảng 10 giây, trong khi nếu làm thủ công để đạt tốc độ tương tự cần tới 3 lao động. Điều đáng hoan nghênh là mặc dù sớm ứng dụng công nghệ vào thay thế con người, song DN này chưa sa thải bất kỳ người lao động nào. Thay vào đó, DN điều chuyển người vào một dây chuyền khác, đồng thời tập trung vào tăng năng lực sản xuất, mở rộng quy mô.
Năng suất lao động là tổng hợp của nhiều yếu tố mà con người là trung tâm và quan trọng nhất |
“Với công nghệ hiện nay, khi tuyển một lao động mới vào chúng tôi chú trọng hơn tới việc đào tạo về ý thức, trách nhiệm, tư duy làm việc tập thể để họ gắn bó sáng tạo, còn đào tạo kỹ năng thì chúng tôi lại không coi đó là yếu tố quan trọng hàng đầu”, bà Huyền chia sẻ.
Mặc dù năng suất lao động chung của nền kinh tế còn khoảng cách khá xa so với nhiều quốc gia trong khu vực, song câu chuyện thực tế trên lại cho thấy, ở một số ngành năng suất lao động đang tăng rất nhanh nhờ ứng dụng khoa học công nghệ cũng như kết hợp hài hoà các yếu tố khác nhau. Lãnh đạo nhiều DN lớn lạc quan, tiềm năng tăng năng suất lao động của Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên cần có chính sách thúc đẩy quá trình này.
Ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Công ty Samsung Việt Nam khẳng định, năng suất lao động tại các nhà máy Samsung tại Việt Nam hiện đã tương đương 99% năng suất các nhà máy Samsung Hàn Quốc. Vị này cho biết thêm, tuy chất lượng đầu vào của kỹ sư Việt Nam có thể hơi yếu so với các kỹ sư Hàn Quốc, tuy nhiên sau 1-2 năm đào tạo tại công ty thì họ hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của tập đoàn.
“Từ thực tế này tôi cho rằng tiềm năng của người Việt Nam rất cao. Tôi không nghĩ năng suất lao động của người dân Việt Nam thấp mà tôi cho rằng nó phụ thuộc lớn vào quá trình đào tạo, quá trình tổ chức sử dụng lao động, trong đó có vai trò của các CEO (giám đốc điều hành)”, Phó tổng giám đốc của Samsung Việt Nam rút ra kết luận.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam cũng cho rằng, năng suất lao động là tổng hợp của nhiều yếu tố mà con người là trung tâm và quan trọng nhất. Dưới góc độ một nhà quản lý lâu năm trong lĩnh vực kiểm toán, bà Thanh khẳng định, tiềm năng để tăng năng suất lao động tại DN là rất cao, nhưng cần có cách thức để khai phá, trong đó vai trò người lãnh đạo là yếu tố quyết định.
Bà Thanh phân tích, lãnh đạo DN là người đưa ra hệ chính sách lương thưởng, cách thức đào tạo nghề gắn người lao động với sự phát triển nghề của họ ở các mức bậc thang khác nhau, tạo ra sự gắn bó hơn của người lao động với tổ chức đó. “Khi đã đào tạo rồi thì chính sách lương thưởng sẽ tạo sự gắn bó và tối đa hoá năng suất”, bà Thanh góp ý.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sunhouse lưu ý một yếu tố khác, quyết định đến hiệu quả của DN, đó là mỗi DN phải quản lý tốc độ tăng lương trên tỷ trọng tăng doanh thu, để làm sao vừa phát huy sức sáng tạo của người lao động, vừa tăng thu nhập cho họ, song vẫn đảm bảo khả năng chịu của DN.
Ông Phú chia sẻ, DN này áp dụng cơ chế người tham gia xây dựng chính sách lương thưởng được hưởng theo lợi nhuận của DN, còn người không tham gia hưởng theo quỹ lương. “Với cách làm đó chúng tôi buộc mọi bộ phận phải nghĩ cách để đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động. Đó là động lực lớn để họ luôn phải đổi mới, phải tư duy, chuyển từ việc lãnh đạo DN đáng phải làm thì họ làm thay mình”, ông Phú cho biết.
Dưới góc nhìn của Tổng cục Thống kê, cộng đồng DN sẽ đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế. Vì vậy, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khuyến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung vào giải pháp khuyến khích các DN sắp xếp lại để có quy mô lao động tối ưu nhằm đạt được năng suất lao động cao nhất (quy mô từ 50-99 lao động). Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, tín dụng... đối với các DN sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích các DN đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu để tăng năng suất.