NSLĐ và tư duy trọng “lượng” hơn trọng “chất”
CPTPP: Lao động trình độ cao hưởng lợi nhiều nhất | |
Phát triển bền vững và bài toán tăng năng suất |
Nhiều vấn đề “cố hữu” chưa được giải quyết
Kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được Chính phủ quyết tâm theo đuổi được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, qua đó hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh và nền kinh tế trong năm 2018. Theo đó nhiều khả năng năm 2018 sẽ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng trên cơ sở nền tảng tăng trưởng khá của những năm trước. Đây là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).
Nhiều giải pháp được đưa ra tại hội thảo để thúc đẩy NSLĐ |
Và Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 của VEPR vừa công bố ngày 8/5/2018 đã đưa ra hai kịch bản dự báo tăng trưởng cho năm nay. Trong Kịch bản 1 VEPR dự báo mức tăng trưởng kinh tế đạt 6,49%, trong khi lạm phát chỉ ở mức 3,86% do hoạt động kinh tế chậm hơn với các điều kiện thận trọng hơn của kinh tế thế giới và nội địa.
Ở Kịch bản 2, VEPR dự báo tăng trưởng của nền kinh tế đạt 6,83%, vượt mục tiêu của Quốc hội đặt ra. Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra, có được nhờ quán tính tăng trưởng của năm trước, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng suất của Chính phủ trong các quý còn lại của năm nay”, theo PGS. Nguyễn Đức Thành. Tuy nhiên với kịch bản này, lạm phát có nguy cơ vượt 4% và đạt mức 4,21%.
VEPR nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế ngắn hạn tích cực, nhưng nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để và do đó sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế. Nổi lên là vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công cao đang là vấn đề nghiêm trọng cản trở nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn liên quan đến địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại của một số nước lớn cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học công nghệ.
Đáng quan ngại hơn cả là động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng NSLĐ, vì thế VEPR chọn NSLĐ là vấn đề trọng tâm của Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2018. Báo cáo đã phân tích kỹ thị trường lao động với quan điểm phải hiểu rõ hơn thị trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực và tiến trình năng suất tại Việt Nam. Hiện NSLĐ của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng khoảng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan (theo tính toán từ TCTK).
“Nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao NSLĐ trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, lợi thế về lao động giá rẻ cũng ngày càng mất đi do tác động của cuộc CMCN 4.0, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay”, báo cáo nhấn mạnh.
Tận dụng chuyển dịch và tăng hiệu ứng nội ngành
Đánh giá cao tầm quan trọng của NSLĐ với nền kinh tế hiện nay cũng như trọng tâm và chủ đề của báo cáo, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: mối quan ngại số 1 của Việt Nam để có được tăng trưởng bền vững chính là NSLĐ. Bà Lan phát biểu rằng: “NSLĐ là cái chốt cho mọi vấn đề và tôi cho rằng cách thức tiếp cận từ thị trường lao động để giải quyết vấn đề NSLĐ là cách thức hay cần làm. Trong đó cần làm rõ nhân tố cạnh tranh trên thị trường lao động giúp cho tăng năng suất như thế nào”.
VEPR nhấn mạnh rằng “động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng NSLĐ”. Thậm chí, ngành chế biến, chế tạo hiện đang được cho là ngành mũi nhọn, điểm sáng của tăng trưởng nhưng VEPR lưu ý, NSLĐ ở ba ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng và vận tải, kho bãi, truyền thông của Việt Nam xếp sau cả Campuhia.
“Nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao NSLĐ trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay”, TS.Thành nhấn mạnh. Lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai
khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn.
VEPR phân tích kỹ về tăng trưởng NSLĐ nội ngành cho thấy hiệu ứng nội ngành và hiệu ứng dịch chuyển thúc đẩy tăng trưởng NSLĐ, trong khi hiệu ứng tương tác làm giảm tăng trưởng NSLĐ. Trong đó, hiệu ứng dịch chuyển cơ cấu giúp thúc đẩy tăng trưởng NSLĐ nhiều hơn so với hiệu ứng nội ngành. Trong khi hiệu ứng tương tác đóng góp âm - thể hiện sự dịch chuyển ồ ạt của lao động khỏi các ngành có năng suất thấp (ví dụ nông nghiệp) sang các ngành có NSLĐ cao hơn đã khiến chính những ngành có năng suất cao bị giảm năng suất dù vẫn cao hơn các ngành khác.
“Yếu tố năng suất nội ngành rất quan trọng trong khi đó, theo cách tính toán hiện nay mới chỉ có sản lượng được đề cập. Ví dụ như một số ngành nông nghiệp như nuôi lợn, trồng cây lương thực… sản lượng tăng rất cao nhưng giá trị của hàng hóa sản xuất ra đang thấp hơn so với số lượng. Trong khi đó, các nước khác chỉ số lượng và giá trị tương đương với nhau. Thực trạng này thể hiện ở Việt Nam vẫn mang tư duy trọng “lượng” hơn trọng “chất”, PGS.TS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận xét.
Theo các chuyên gia, việc làm sao để hiệu ứng nội ngành dẫn dắt được NSLĐ của Việt Nam là xu hướng tích cực cần được duy trì để đảm bảo tăng trưởng NSLĐ trong dài hạn sau khi Việt Nam tận dụng hết lợi thế về hiệu ứng chuyển dịch. Để có thể làm được điều này, một mặt cần có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là lao động trong nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo, đảm bảo việc lao động dịch chuyển từ nhóm ngành có NSLĐ thấp (nông nghiệp) sang nhóm ngành có NSLĐ cao hơn (công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ) có thể đảm nhiệm công việc tạo ra giá trị gia tăng cao hơn chứ không đơn thuần ở khâu gia công.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao NSLĐ trong các ngành. Như cần có quy định và giám sát việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI, đồng thời đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua các công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết (và hiệu quả).
Ngoài ra, cần có những hành động mạnh mẽ hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự dịch chuyển lao động diễn ra theo hướng có lợi cho tăng hiệu ứng dịch chuyển và hiệu ứng tương tác như tăng cường thu hút lao động vào ngành có NSLĐ cao và đang tăng trưởng. Trong đó, cần chú trọng nâng cao NSLĐ trong các nhóm ngành công nghiệp và dịch vụ, qua đó tạo động lực lâu dài cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.