Kỳ vọng bật từ chính sách lao động
CPTPP: Lao động trình độ cao hưởng lợi nhiều nhất | |
Phát triển bền vững và bài toán tăng năng suất | |
Nguồn nhân lực: Yếu tố tiên quyết để cải thiện năng suất |
Dù là hai đề án riêng, song Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN và Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), được Chính phủ trình lên Hội nghị Trung ương 7 khoá XII đang diễn ra, có tính tương quan lẫn nhau. Hai đề án này được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến kép mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính và nâng cao năng suất lao động của khu vực DN, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Song, để các đề án nói trên được thực thi hiệu quả, chắc chắn sẽ cần quyết tâm chính trị lớn.
Cải cách tiền lương để khu vực DN có động lực tích luỹ và mở rộng sản xuất |
Mục tiêu kép
Bình luận những điểm ưu việt của chính sách cải cách tiền lương, dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2021, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cách tính lương bằng số tiền tuyệt đối thay vì quy định hệ số nhân với mức lương cơ sở như hiện nay không chỉ giúp người lao động dễ hiểu hơn, mà còn rạch ròi giữa các khoản cấu thành nên thu nhập. Qua đó, người lao động sẽ thấy rằng mình được trả công theo số lượng và chất lượng lao động. Đồng thời, cách tính mới cũng đảm bảo nguyên tắc tốc độ tăng tiền lương bình quân chậm hơn tốc độ tăng năng suất lao động, để người sử dụng lao động có tích lũy và tái sản xuất mở rộng.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì nhận định, muốn cải cách tiền lương phải trên cơ sở tăng năng suất ở khu vực DN, thị trường và tăng hiệu quả ở khu vực công. Tóm lại, khu vực DN sẽ do thị trường quyết định, còn khu vực công do ngân sách quyết định.
Đối với Đề án cải cách chính sách BHXH, vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay chính là đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để bảo đảm tính bền vững của quỹ BHXH. Dự kiến, phương án điều chỉnh tăng tuổi hưu sẽ được thực hiện từ 1/1/2021 với lộ trình tăng thêm mỗi năm 3 tháng trong điều kiện lao động bình thường cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, liên quan tới tuổi nghỉ hưu, ban soạn thảo đã cân nhắc rất nhiều yếu tố, chứ không chỉ để giải quyết vấn đề cân đối quỹ. Cụ thể, đó là vấn đề kinh tế, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, năng suất lao động, số lượng, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực, bình đẳng giới…
Với những mục tiêu to lớn mà hai đề án nêu ra, vấn đề tăng năng suất lao động - mấu chốt nhất hiện nay gắn với tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam - sẽ được giải quyết. Bên cạnh đó là thực hiện hiệu quả vấn đề tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế hoạt động của khối đơn vị sự nghiệp công lập, sẽ tạo nguồn lực chính để thực hiện thành công cải cách tiền lương.
Cần quyết tâm chính trị lớn
Trước nhiều mục tiêu lớn mà hai đề án đặt ra, các chuyên gia cho rằng cùng với đó sẽ cần có quyết tâm chính trị lớn từ người đứng đầu. Bởi thực tế cho thấy, vấn đề nhân sự luôn là câu chuyện nhạy cảm và khó giải quyết, vì vậy rất cần có chính sách đồng bộ và mạnh mẽ.
Ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là phải tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở khu vực công. Bởi hiện bộ máy của chúng ta trùng quá nhiều, nhiều cơ quan cùng làm một nhiệm vụ, dẫm chân lên nhau, không hiệu quả mà lại tốn tiền ngân sách. Chỉ cần giảm được 10% biên chế thì sẽ tiết kiệm được một khoản đáng kể để tăng lương. Cùng với đó, phải phân loại được đội ngũ cán bộ, công chức. “Nếu không đánh giá lại chất lượng cán bộ, công chức thì tăng lương, dù tăng thấp cũng là vô nghĩa”, ông Huân khẳng định.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện chính sách tiền lương theo đề án, TS. Bùi Sỹ Lợi đặt ra vấn đề khó nhất của chính sách cải cách tiền lương vẫn là nguồn kinh phí ở đâu. Bởi từ nay đến năm 2020, theo Nghị quyết của Quốc hội, tiền lương cho khu vực Nhà nước tiếp tục điều chỉnh bình quân mỗi năm tăng thêm 7%, do đó vẫn phải dành 50% ngân sách tăng thêm để điều chỉnh tiền lương. Vì vậy, ông Lợi cho rằng phải giải quyết hai bài toán: thứ nhất là giảm nhẹ biên chế để số lượng công chức giảm xuống tỷ lệ hợp lý; thứ hai là tạo nguồn để đến năm 2021 bắt đầu tính đến chuyện cải cách tiền lương.
Theo các chuyên gia, để tạo ra nguồn cải cách tiền lương, giải pháp cần thực hiện ngay từ lúc này là đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa. Sự chia sẻ của xã hội đối với khu vực dịch vụ công sẽ giảm bớt cho chúng ta gánh nặng phải chi ngân sách cải cách tiền lương. Với các khu vực sự nghiệp như giáo dục, y tế, nhà nước chỉ bao cấp một phần, còn lại để các đơn vị tự chủ. Nhà nước chỉ tập trung thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế…
Đối với khu vực DN, để cải thiện năng suất lao động cũng cần có quyết tâm chính trị từ các cấp cao nhất. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khuyến nghị, Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, trong đó, thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam.
Cùng với đó, phát động phong trào tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế; chọn một số lĩnh vực như dệt may, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử… một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.