Tăng vốn điều lệ: Giờ G đã điểm
VietBank tăng vốn điều lệ lên 3249 tỷ đồng | |
SHB tăng vốn điều lệ lên hơn 10 nghìn tỷ đồng | |
VIB hoàn tất tăng vốn điều lệ, sẵn sàng lên sàn UPCOM |
Ồ ạt tăng vốn
Một trong những nội dung mà hầu hết các NH sẽ đưa ra tại mùa đại hội cổ đông năm nay đó là kế hoạch tăng vốn điều lệ. Đơn cử, theo tài liệu trình đại hội cổ đông tới đây, Techcombank sẽ trình kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 8.878 tỷ đồng lên 13.878 tỷ đồng vào cuối năm bằng cách chào bán 500 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ nắm giữ hiện tại.
VIB công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2017 với hai phương án. Đó là trả cổ tức 5% bằng tiền mặt và 39,6% bằng cổ phiếu thưởng, vốn điều lệ dự kiến tăng lên 5.644 tỷ đồng. Hoặc trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ tối đa 44,6%, tăng vốn lên 8.185 tỷ đồng. Một số NH nhỏ khác cũng đánh tiếng xin tăng vốn trong năm 2017 tuy nhiên chi tiết kế hoạch chưa được công bố do đang chờ phê duyệt của NHNN.
Một CEO trong số NH đang thấp thỏm chờ ý kiến từ NHNN chia sẻ: phương án để tăng hơn 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ của NH này trình NHNN là phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Đợt tăng vốn trước NH này cũng đã thực hiện khá thành công qua phương án trên.
Các NH Việt Nam cần tăng cường quy mô, năng lực tài chính để nâng cao năng lực cạnh tranh |
Chưa biết kế hoạch tăng vốn của nhiều NH sẽ triển khai ra sao, nhưng nhiều chuyên gia nhận định, với tình hình kinh doanh NH tiến triển tốt hơn, các NH sẽ nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cổ đông. “Kinh doanh tốt hơn, lợi nhuận khả quan, các số liệu tài chính nhiều NH minh bạch hơn, nhất là dưới sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN… sẽ củng cố lòng tin của các cổ đông với kết quả kinh doanh của NH. Theo đó, các NH dễ dàng “lấy lòng” các cổ đông hơn những năm trước đây”, vị chuyên gia này bình luận thêm.
Nhận định trên không phải không có cơ sở khi, các NH đã tổ chức ĐHCĐ đều được thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ. Điển hình như đại hội thường niên 2017 của LienVietPostBank vào cuối tháng 3/2017 đã được cổ đông ủng hộ tăng vốn từ 6.460 lên 7.500 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông một phần và phần còn lại để chào bán ra công chúng hoặc cho cán bộ nhân viên.
Gần đây nhất là đại hội của ACB và VPBank, các cổ đông đã thông qua phương án chia cổ tức hoàn toàn bằng cổ phiếu. Trong đó, tỷ lệ cổ tức của ACB là 10% nhằm tăng vốn thêm gần 1.000 tỷ đồng; cổ tức VPBank là 32%, vốn tăng thêm 3.294 tỷ đồng.
Có trọng tâm trọng điểm
Không quá khó để nhận ra sức ép về việc các NH đồng loạt công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ. Thời điểm áp dụng quy định theo chuẩn Basel II đang đến gần. Trước mắt là đến cuối năm 2018, 10 NH đang triển khai thí điểm phải cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Basel II. Các quy định mới của NHNN tại Thông tư 06, Thông tư 41 đều gắn với tỷ lệ giới hạn an toàn vốn. Chẳng hạn như cấp tín dụng có quy định NH cho vay một khách hàng không quá 15% vốn chủ sở hữu. Nếu muốn mở rộng tín dụng cho khách hàng này thì đương nhiên NH phải tăng vốn.
Nhìn rộng ra, các NH muốn tăng trưởng tín dụng cao thì chắc chắn phải bổ sung vốn. Nếu không tăng cường kịp thời, vòng quay vốn không theo đúng nhịp NH đó rất có thể rơi vào tình trạng âm vốn. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng thừa nhận áp lực tăng vốn với các NH trong thời gian này là để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR). Nếu vốn tăng lên chắc chắn hệ số CAR sẽ đảm bảo. Mục đích của OCB trong thời gian tới là NH giữ tỷ lệ CAR ở mức 11-13% theo đúng chuẩn của Thông tư 41 và Basel II nếu có thể.
Điểm qua các kế hoạch mà các NH đưa ra có hai hình thức phổ biến để tăng vốn điều lệ đó là trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Vì sao đây lại là hai hình thức mà các NH lựa chọn? Bản chất của việc trả cổ tức bằng cổ phiếu là NH hiện thực hóa việc giữ lại một phần lợi nhuận để tăng vốn. Đối với cổ đông hiện hữu, việc phát hành thêm cổ phiếu cũng dễ dàng hơn thay vì kêu gọi cổ đông mới. Quan trọng hơn, với cách làm này, NH có nguồn lực sẵn có bổ sung vốn ngay, không bị ảnh hưởng bởi giá cả của cổ phiếu trên thị trường.
Tổng giám đốc một NH phía Nam lý giải thêm về động thái các NH luôn ưu tiên phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu: Các NH muốn có thêm NĐT mới nhưng không có nghĩa là họ bán rẻ “tài sản” bằng mọi giá. Như vậy sẽ thiệt thòi đối với các cổ đông hiện hữu. “Với lý do trên, đợt tăng vốn trong năm nay, NH này chỉ tăng vừa đủ đảm bảo đáp ứng tuân thủ Basel II. Bởi thời điểm này tăng vốn không có lợi cho NH khi giá cổ phiếu NH đang khá thấp do tình hình chung của thị trường”- ông chia sẻ thêm.
Đồng tình việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là hướng đi đúng, phù hợp và NH đã áp dụng thành công trong đợt tăng vốn vừa qua, nhưng một vị CEO NH khác cho rằng, việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông mới không hẳn là thiệt thòi cho cổ đông hiện hữu. So sánh trước mắt thì có thể có chút thiệt thòi, nhưng về lâu dài, khi NH tăng được vốn kinh doanh hiệu quả hơn, giá trị cổ phiếu NH cao lên thì cả cổ đông cũ và mới đều được hưởng lợi đó. Đó cũng là lý do các NH thường chia làm hai đợt tăng vốn. Đợt 1 luôn ưu tiên phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nếu đợt 1 không thành công thì NH thực hiện thêm đợt 2 phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho NĐT trong và ngoài nước…
Dù áp dụng cách nào đi chăng nữa, theo Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn, quan trọng nhất là NH nhận được sự đồng thuận của các cổ đông. Quan điểm của NH vẫn tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của các cổ đông hiện hữu, trong trường hợp cổ đông hiện hữu không mua thêm, NH mới chấp thuận sự tham gia của cổ đông mới hoặc nâng tỷ lệ sở hữu cho một số cổ đông hiện hữu.
Trong định hướng tái cấu trúc hệ thống NH có đưa ra mục tiêu các NH Việt Nam cần tăng cường quy mô, năng lực tài chính để nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước mà trong khu vực. Xét ở góc độ vĩ mô, TS Trần Du Lịch cho rằng, động thái các NH giữ lại lợi nhuận để tăng vốn là cần thiết. Muốn làm được vậy, NH cần sự chia sẻ của cổ đông, đặc biệt NH vừa trải qua giai đoạn kinh doanh khó khăn, giờ lại tiếp tục quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và áp dụng những quy chuẩn quốc tế trong hoạt động.