Thanh khoản dồi dào, ngân hàng sử dụng vốn linh hoạt
Dù đã bước vào thời điểm cuối năm, nhưng các ngân hàng vẫn đẩy mạnh mua vào TPCP, theo ông diễn biến này có đi ngược so với mọi năm?
Đúng. Điều này trái ngược so với các năm trước khi các ngân hàng phải đôn đáo lo thanh khoản. Hiện tượng này chứng tỏ thanh khoản của các ngân hàng lúc này đang dồi dào.
Nguyên nhân nào khiến ngân hàng “thừa tiền” đến vậy, thưa ông?
TS. Alan Phạm |
Thanh khoản của nhiều ngân hàng dư dả nguyên nhân chính là do TTTD khó từ cả phía cung và cầu về vốn. Nhiều DN hiện thời vẫn còn nhiều hàng tồn kho, trong lúc lượng nợ và nợ xấu cũng còn lớn thành ra họ chưa mặn mà lắm với việc vay thêm vốn. Mặt khác, dù có muốn vay vốn thêm nữa nhưng nếu các DN không được các ngân hàng đánh giá là “thực sự tốt” thì cũng rất khó tiếp cận vốn vay.
Trong khi đó, bản thân các ngân hàng không muốn rủi ro hoặc rủi ro hơn nữa, nên một mặt họ phải đánh giá rất kỹ để lựa chọn DN cho vay; mặt khác duy trì các điều kiện, điều khoản chặt chẽ để tránh rủi ro.
Trong bối cảnh các ngân hàng dư thừa thanh khoản nhiều mà không cho vay ra thì phải làm gì bây giờ? Cách tốt nhất có lẽ là mua TPCP và tín phiếu - kênh đầu tư có được lãi suất 9% - 10%/năm mà lại rất an toàn. Thành ra, vấn đề mà các ngân hàng đầu tư vào TPCP nhiều là điều dễ hiểu.
Nhưng nhìn ở góc độ vĩ mô thì điều này tác động thế nào khi vốn huy động của ngân hàng không được đầu tư trực tiếp đến các DN sản xuất, kinh doanh?
Sức cầu tiêu dùng còn yếu, hàng tồn kho nhiều mới là những lý do chính khiến DN chưa dám mở rộng sản xuất kinh doanh nên nhu cầu về vốn vẫn còn hạn chế. Trong thời điểm hiện tại, khi thanh khoản của các ngân hàng dồi dào mà DN lại chưa mặn mà vay thêm thì rõ ràng ngân hàng phải tìm cách giải quyết nguồn vốn này.
Nhưng một khi các DN đã có thể phục hồi trở lại và có nhu cầu vay vốn thì các ngân hàng sẽ bán TPCP ra hoặc với các trái phiếu đến hạn thì chuyển phần vốn này sang cho vay. Nên tôi không nhìn nhận đây là một dấu hiệu tiêu cực, mà nó cho thấy sự uyển chuyển trong cách giải quyết với thanh khoản của ngân hàng hiện nay. Vì xét cho cùng thì ngân hàng cũng là DN và cần lợi nhuận. Nghĩa là họ phải làm thế nào để tối đa hóa lợi nhuận.
Theo ông tình trạng dư thừa thanh khoản này sẽ kéo dài bao lâu nữa?
Tín dụng chỉ có thể tăng khi nền kinh tế phục hồi, tức là lúc đó mới có cầu vốn từ DN. Nhiều dự báo cho thấy kinh tế năm nay chỉ tăng trưởng khoảng 5,2% và sang năm cũng phục hồi đôi chút lên khoảng 5,7% nên tôi cho rằng nhu cầu vốn ít nhất trong 6 tháng sắp tới sẽ không mạnh lắm. Trong khi đó, việc gần đây NHNN liên tục hút ròng trên OMO và khởi động lại chương trình phát hành tín phiếu cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã dồi dào trở lại và vấn đề thiếu thanh khoản không còn là nỗi lo trong năm nay.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Lê thực hiện