Thu dịch vụ khởi sắc
Ngân hàng vẫn trông vào thu dịch vụ | |
Doanh thu dịch vụ ngân hàng tăng 20-30% |
Theo thống kê của NHNN, kết thúc quý I/2016, mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống đạt khoảng 3%. Kết quả khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN), công bố vào đầu tháng 4/2016 cũng cho thấy: trong quý II, 68,3% các TCTD nhận định tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục cải thiện. Dự báo đến cuối năm 2016, dư nợ tín dụng sẽ đạt khoảng 20,09% (cho toàn hệ thống), cao hơn khoảng 2,8% so với kết quả thực hiện của năm 2015.
Đủ mạnh cho tăng trưởng
Quan sát 7 NHTM niêm yết cho thấy, đến hết quý I/2016, ngoại trừ Eximbank, các NH khác đều có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức trung bình của toàn hệ thống. Chẳng hạn, Vietcombank và ACB lần lượt tăng trưởng ở mức 6,3% và 6,5% do đẩy mạnh lĩnh vực tín dụng bán lẻ; trong khi đó BIDV có mức tăng trưởng 4,2% do tăng cấp vốn vào khối DN FDI, DNNVV cũng như đẩy mạnh cho vay theo chuỗi với các DN ngành nông nghiệp.
Theo kế hoạch, trong năm 2016 đa số các NHTM đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ít nhất 18%. Trong đó, mảng tín dụng bán lẻ đều được các TCTD lấy làm động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng bán lẻ ở mức 50%, MB phấn đấu tăng trưởng lĩnh vực này 40%, VietinBank ở mức 35-40% trong khi ACB là 25%.
Các NH đang có sự quyết tâm lớn trong việc đa dạng hóa nguồn thu nhập để giảm sự phụ thuộc vào nguồn lãi từ hoạt động cho vay |
Để chuẩn bị nguồn vốn khả dụng cho các mục tiêu tăng trưởng trên, trong thời gian qua các NHTM đã lên kế hoạch khá rõ ràng về việc bổ sung vốn điều lệ cũng như mở rộng tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn huy động. Theo đó, trong năm 2016, BIDV dự kiến nâng vốn lên trên 43.600 tỷ đồng và tăng trưởng huy động ở mức 21-22%, VietinBank tăng vốn lên 49.200 tỷ đồng và tăng trưởng huy động 14%; ACB nâng vốn lên gần 10.300 tỷ đồng và tăng trưởng huy động 18%...
Việc các NHTM chủ động bổ sung vốn điều lệ cũng như mở rộng tăng trưởng huy động như ở trên, ngoài việc đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng tín dụng cũng góp phần giúp cho hệ số an toàn vốn (CAR) và tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của các NH được đảm bảo. Vì trong năm 2016, hầu hết các NHTM niêm yết cùng với một số NH khác như Techcombank, Sacombank, VIB… sẽ thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II.
Theo NHNN đến thời điểm quý I/2016, tỷ lệ LDR của toàn hệ thống các TCTD là 89,31%. Nếu loại trừ các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính thì hầu hết các NHTM có tỷ lệ LDR xoay quanh 70-80%. Chẳng hạn, theo tính toán của Công ty chứng khoán MB: LDR của Vietcombank trong quý I/2016 là 80,1%; ACB: 79,7%; MB: 68,9%; STB: 69,5%...
Như vậy, trong thời điểm hiện nay, nhiều NHTM sẽ còn dư địa lớn để tăng trưởng cho vay mà không quá áp lực đối với việc cạnh tranh huy động vốn. Từ đó, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được các TCTD kìm giữ ổn định để theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Đa dạng hóa nguồn thu nhập
Theo báo cáo của các NHTM lớn, kết thúc quý I/2016, mức tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ có sự khởi sắc mạnh mẽ. Chẳng hạn, thông qua việc thu phí các dịch vụ thanh toán, ngân quỹ, đại lý bảo hiểm và thu hồi nợ xấu đã xử lý, tỷ trọng thu nhập ngoài tín dụng của Vietcombank đã đạt mức 24,1%, tỷ trọng thu nhập từ phí dịch vụ chiếm 9,02%, tương ứng các con số này của VietinBank là 17,2% và 5,8%; của BIDV là 15,9% và 7,5%; ACB: 6,8% và 11,9%, MB: 13,5% và 5,8%...
Kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm nay được các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ nặng nhọc hơn năm trước |
Việc hầu hết các NHTM ghi nhận chiều hướng tăng dần của thu nhập ngoài tín dụng cho thấy các NH đang có sự quyết tâm lớn trong việc đa dạng hóa nguồn thu nhập để giảm sự phụ thuộc vào nguồn lãi từ hoạt động cho vay. Đặc biệt những NHTM lớn như Vietcombank và VietinBank, trong quý I/2016 mức tăng trưởng thu từ dịch vụ đã tăng 60% và 39,1%. Các mức này cao gấp đôi hoặc gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2015.
Điều này cho thấy hoạt động đầu tư cho công nghệ của các NH có vốn Nhà nước chi phối, cũng đã bắt đầu tỏ ra hiệu quả. Khi tỷ lệ thu nhập ngoài cho vay lớn lên, các NH sẽ bớt chịu áp lực giảm lợi nhuận mỗi khi có sự chỉ đạo giảm lãi suất cho vay để thực hiện các chương trình tín dụng hỗ trợ của Chính phủ. Đồng thời, khi lãi suất huy động có sự biến thiên thì mức ảnh hưởng đến lãi suất cho vay của NH cũng sẽ không quá căng thẳng.
Một khía cạnh khác cũng có thể ghi nhận như là cơ sở để các NHTM tạo dư địa giữ ổn định hoặc giảm nhẹ một phần lãi suất cho vay vào thời điểm này đó là việc cải thiện tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) cũng như tỷ lệ lãi cận biên (NIM).
Giới phân tích cho rằng từ các tháng cuối năm 2015, mức NIM chung của các NHTM đã “bắt đáy” và bắt đầu phục hồi. Một số NH như Vietcombank, ACB nhờ tích cực trong hoạt động xử lý nợ xấu và thay đổi cơ cấu tài sản sinh lời đã kéo mức NIM tăng lên đáng kể (Vietcombank: 2,84%, ACB: 3,2%; tăng tương ứng 0,27-0,3% so với năm 2015).
Đặc biệt chi phí vốn của hàng loạt NHTM lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV đang được kéo xuống mức thấp hơn 4%, là mức thấp nhất trong giai đoạn từ 2009 đến nay. Mới đây, trong cam kết tiết giảm chi phí hoạt động để tạo dư địa giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ, các NH này cũng đã đưa ra mức giảm từ 300 – 600 tỷ đồng trong năm 2016. Điều này một lần nữa cho thấy, khả năng để giữ ổn định và giảm một phần lãi suất là có thể thực hiện được.