Thúc đẩy hơn nữa thương mại Việt – Mỹ
Xúc tiến thương mại và đầu tư: Kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước | |
Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư Hoa Kỳ - Việt Nam |
Đại sứ Ted Osius |
Khi tuyên bố rút khỏi TPP, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng để ngỏ khả năng hình thành các FTA song phương với từng nước thành viên. Ông nhìn nhận thế nào về một FTA như vậy giữa Hoa Kỳ và Việt Nam?
Việc thiết lập một FTA song phương có thể coi là một bước đi quan trọng trong việc hướng đến tự do hóa các dòng chảy thương mại và giảm các mất cân bằng thương mại.
Hoa Kỳ đang tìm kiếm cơ hội để giảm bớt các rào cản đối với thương mại và loại bỏ các hành động thương mại không công bằng thông qua một khuôn khổ các tiêu chuẩn và quy định thương mại chất lượng cao để đảm bảo các nhà sản xuất, chủ trang trại và nông dân Hoa Kỳ được tiếp cận thị trường một cách công bằng.
Do đó tôi cho rằng, các lợi ích cơ bản của Hoa Kỳ ở Việt Nam không thay đổi. Hai nước có lợi ích chung trong việc theo đuổi các hoạt động thương mại tự do và công bằng hơn cho hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên và đảm bảo các NĐT nước ngoài được đối xử bình đẳng ở đây.
Trên cơ sở đó, Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục tham gia vào các cuộc thảo luận thương mại song phương. Năm chủ nhà APEC 2017 của Việt Nam là cơ hội để mở ra những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai cho hai nước chúng ta và cho cả khu vực, cũng như các cơ hội việc làm cho người dân.
Chúng tôi vẫn giữ cam kết với mối quan hệ kinh tế song phương, giúp làm sâu sắc thêm quan hệ giữa nhân dân hai nước và cải thiện sinh kế cho công dân của chúng ta. Vì vậy, việc tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện hơn và hỗ trợ một khung khổ các quy tắc giúp tạo sân chơi bình đẳng cũng như cho phép tất cả các DN có thể cạnh tranh công bằng chính là mối quan tâm chung của chúng ta.
Năm chủ nhà APEC 2017 của Việt Nam là cơ hội để mở ra những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai |
Theo ông, các vấn đề song phương còn vướng mắc hiện nay là gì, đặc biệt với phía Việt Nam, và Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam những gì trong quá trình giải quyết những vướng mắc này?
Mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã phát triển và tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua. Thu nhập ngày càng tăng ở Việt Nam sẽ là cơ hội để tăng cường xuất khẩu những mặt hàng chất lượng cao của Hoa Kỳ. Tuy nhiên hiện tại, thuế quan đối với một số mặt hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp của Hoa Kỳ lên đến 75% ở Việt Nam.
Trong giai đoạn 2014-2016, xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng 77%. Điều này giúp Việt Nam trở thành thị trường mà Mỹ có tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất trong số 50 đối tác xuất khẩu lớn nhất của chúng tôi. Và 50 đối tác xuất khẩu lớn nhất này đã chiếm tới 95% trong tổng xuất khẩu của Mỹ. Nhưng mặc dù có mức tăng trưởng xuất khẩu phi thường như vậy, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam vẫn tăng 28%, tức hơn 7 tỷ USD trong giai đoạn trên.
Trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực vào một loạt các vấn đề - bao gồm thương mại kỹ thuật số, sở hữu trí tuệ, dịch vụ thanh toán điện tử, nông nghiệp/ kiểm dịch động thực vật và hàng công nghiệp. Tuy nhiên nhìn tổng thể về tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục làm bất cứ điều gì có thể để hợp tác với các đối tác tại Việt Nam nhằm phát triển quan hệ thương mại song phương và duy trì động lực trong đối thoại thương mại giữa hai nước.
Tổng thống Trump ngày 31/3 vừa qua cũng ban hành một sắc lệnh, theo đó tiến hành một điều tra kéo dài 90 ngày với 16 nước mà Hoa Kỳ có thâm hụt thương mại lớn. Xin ông cho biết cụ thể hơn về cuộc điều tra này?
Tổng thống Hoa Kỳ đã nêu rõ quan điểm là, thương mại tự do và công bằng là rất quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ, cũng như đối với vị trí chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, những thâm hụt thương mại lớn và kéo dài đang đặt ra vấn đề về các mối quan hệ thương mại hiện tại của Hoa Kỳ.
Điều tra này sẽ cung cấp một phân tích toàn diện về các thực trạng kinh tế của các mô hình thương mại của Hoa Kỳ và thông tin mà Tổng thống Trump cần để có những hành động cẩn trọng nhằm điều chỉnh những điều khác thường nếu có.
Để hiểu rõ hơn về các yếu tố phức tạp và luôn thay đổi có ảnh hưởng đến thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ, Tổng thống đã chỉ đạo Bộ Thương mại, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) và các cơ quan liên quan khác gửi báo cáo trong vòng 90 ngày, trong đó xác định và phân tích toàn diện ảnh hưởng của các yếu tố này đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Và tất nhiên, Đại sứ quán của chúng tôi sẽ hỗ trợ Sắc lệnh này.
Báo cáo về những khoản thâm hụt thương mại lớn là cơ hội để nhìn nhận toàn bộ các yếu tố tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ trong thị trường toàn cầu. Bằng việc tập trung vào các quốc gia mà Mỹ đang có thâm hụt thương mại lớn về hàng hoá, báo cáo này sẽ bao gồm phân tích về các yếu tố góp phần vào những thâm hụt đó như mức thuế quan mang tính phân biệt, những rào cản phi thuế quan, bán phá giá và trợ cấp không công bằng, cũng như những vấn đề khác.
Mới đây, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nối lại đối thoại thương mại trong các cuộc họp về Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư (TIFA). Liệu có thể hiểu như vậy là Hoa Kỳ vẫn giữ cam kết mở rộng quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam?
Hoa Kỳ hoàn toàn cam kết với việc tiếp cận công bằng các cơ hội và tăng cường quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Hoa Kỳ ủng hộ chương trình nghị sự APEC của Việt Nam. Chúng tôi muốn giảm bớt các rào cản đối với thương mại hàng hoá và dịch vụ, cũng như giải quyết các vấn đề đang hạn chế sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số. Chúng tôi đánh giá cao việc Việt Nam đang có kế hoạch tổ chức một số sự kiện trong suốt cả năm nay, trong đó có sự tham gia của các công ty Hoa Kỳ.
Chúng tôi cũng đánh giá cao các cuộc tọa đàm thương mại mang tính xây dựng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong khuôn khổ TIFA, cũng như sự hiếu khách nồng hậu của Việt Nam. Phía Hoa Kỳ rất phấn chấn khi thấy Việt Nam cam kết tiếp tục các nỗ lực cải cách kinh tế trong các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, DNNN, lao động, cũng như các nỗ lực trong thực hiện Hiệp định về Thuận lợi hoá Thương mại của WTO. Hoa Kỳ đánh giá cao cơ hội thảo luận các vấn đề thương mại song phương nổi bật trên nhiều lĩnh vực và tầm quan trọng của việc giải quyết nhanh chóng các vấn đề trên.
Xin cảm ơn ông!