Thủy sản xuất khẩu: Nỗi lo nguồn nguyên liệu
Sửa đổi Nghị định 67 phù hợp với thực tế | |
Cạnh tranh thu mua nguyên liệu |
Tuy nhiên, gần đây, DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản đang đối mặt với việc khó về nguồn nguyên liệu sản xuất. Nhiều DN phải chạy khắp nơi để thu mua, nhằm đảm bảo đơn hàng với các đối tác.
Nhiều DN xuất khẩu thủy sản đang đối mặt với khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào |
Đơn cử, là DN đầu tàu của Đà Nẵng và miền Trung trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản, Công ty cổ phần Thủy sản thương mại Thuận Phước xuất khẩu 3.000 tấn hàng, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 35,6 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, DN này đang đứng trước những thách thức, có thời điểm DN phải xoay xở trăm hướng để tìm nguồn nguyên liệu. DN phải chạy khắp nơi trong và ngoài nước để tìm kiếm nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng để thực hiện các đơn hàng.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá TP. Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản thương mại Thuận Phước, một trong những chuyên gia có thâm niên trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản cho hay, chưa bao giờ nguồn nguyên liệu thủy sản phục vụ sản xuất xuất khẩu lại khó khăn như thời gian gần đây.
Công ty Đồ hộp Hạ Long tại Đà Nẵng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Vũ Tú Nam, Giám đốc DN này chia sẻ, những năm trước, các đầu mối vận chuyển nguồn nguyên liệu đến tận cổng nhà máy cung cấp. Thế nhưng, từ đầu năm nay, đích thân DN phải lặn lội đi thu mua, mới mong đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng hoạt động sản xuất. Đơn hàng thì không sợ thiếu, chỉ lo thiếu đầu vào không đáp ứng kịp nhu cầu của đối tác nước ngoài.
Theo ông Nam, hiện Công ty Đồ hộp Hạ Long tại Đà Nẵng chưa sản xuất hết công suất, do nguồn nguyên liệu khan hiếm. Hiện DN đang làm việc với Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) để đặt tại đây một điểm thu mua hải sản trực tiếp từ các tàu của ngư dân cập bến. Cái khó bây giờ vẫn là nguyên liệu sạch để chế biến, nếu không mua được tại chỗ của ngư dân thì buộc phải đi các nơi khác.
Nguyên nhân khan hiếm nguồn nguyên liệu đầu vào được chuyên gia Trần Văn Lĩnh phân tích, DN trong nước không thể cạnh tranh nổi với thương lái Trung Quốc. Khi có chủ trương của Chính phủ về tập trung xây dựng chuỗi sản xuất nuôi tôm sạch, DN đã đầu tư hệ thống nuôi tôm tiêu chuẩn cho nông dân và cam kết thu mua 100% tôm sạch, nếu phát hiện có kháng sinh thì không mua.
Thế nhưng, với sự thu mua ồ ạt, với giá thành cao hơn từ 10-15% của thương lái Trung Quốc, chuỗi liên kết này bị phá sản. Các DN trong lĩnh vực chế biến thủy sản đang nỗ lực tìm các giải pháp khả thi khác để đẩy mạnh thu mua nguyên liệu đầu vào.
Còn theo Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đà Nẵng. Riêng 7 tháng 2017, ngành thủy sản Đà Nẵng tăng 4-5% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng trên 106 triệu USD. Tuy nhiên, với tình hình thị trường như hiện nay, các DN xuất khẩu đang chạy khắp nơi tìm nguồn nguyên liệu để đảm bảo hoạt động sản xuất.
Mặt khác, các DN xuất khẩu thủy sản cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như rào cản thương mại tại các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… giá nhập nguyên liệu có xu hướng tăng...
Một yếu tố khiến thị trường nguyên liệu thủy sản bất ổn, méo mó đó là tình trạng thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, bất kể tiêu chuẩn chất lượng, chủng loại... điều này đã tác động lên tâm lý dễ dãi của người nuôi trồng thủy sản, sẵn sàng bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong quy trình.
Trong khi đó, thị trường EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… luôn có những tiêu chuẩn khắt khe để nâng cao hàng rào phi thuế quan. Do đó, các DN Việt phải chọn lọc nguồn nguyên liệu bảo đảm 100% không tồn dư hóa chất kháng sinh, nếu không muốn bị trả hàng. Riêng thị trường Hoa Kỳ không chỉ kiểm tra nhiều loại giấy tờ mà còn qua tận Việt Nam để kiểm tra các công đoạn chế biến...
Đứng trước bài toán hóc búa giữa nguyên liệu đầu vào và tiêu chuẩn hàng hóa, nhiều DN chế biến thủy sản xuất khẩu e dè trong việc nhận các đơn hàng. Theo đại diện của một DN có nhà máy chế biến tại Đà Nẵng, từ nay đến cuối năm, các đối tác đặt nhiều đơn hàng có giá trị lớn nhưng DN không dám nhận, vì khả năng nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng bị sụt giảm. Cùng đó, giá nguồn nguyên liệu đang có xu hướng tăng do phải mua qua các đầu nậu…
Theo các chuyên gia, để tháo gỡ khó khăn đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy hải sản, chính quyền địa phương, cũng như Bộ Công Thương, cần tập trung tổ chức xúc tiến thương mại, tạo điều kiện giúp DN tham gia vào các hội chợ thương mại để kết nối thị trường. Cùng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng vùng nguyên liệu thủy sản bền vững, đảm bảo chất lượng ổn định để đáp ứng hoạt động sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu theo định hướng của Chính phủ.