Cạnh tranh thu mua nguyên liệu
Cho vay theo Nghị định 67: Ngân hàng nỗ lực gỡ nút thắt | |
Để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển | |
Gắn kết trách nhiệm trong bảo hiểm tàu cá |
Từ đầu năm 2017 đến nay hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản ở TP. Đà Nẵng tương đối ổn định. Từ sự tiếp sức của ngành Ngân hàng, nhiều ngư dân ở địa phương đã có điều kiện đầu tư mua sắm tàu to, máy lớn để vươn khơi xa. Từ đó, khai thác được sản lượng khá với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Hiện, TP. Đà Nẵng có gần 1.200 tàu cá hoạt động đánh bắt hải sản, với tổng công suất hơn 218.000 CV; sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt từ 42.000 đến 45.000 tấn phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Được biết, trên địa bàn thành phố có 5 tàu cá vỏ thép, trong đó có 3 tàu vừa khai thác dịch vụ hậu cần nghề cá vừa hoạt động đánh bắt. Theo số liệu của các cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng, sản lượng thủy, hải sản toàn thành phố khai thác trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt gần 22.900 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều DN chế biến thủy hải sản đang gặp khó về nguyên liệu đầu vào |
Tuy nhiên, hiện đang tồn tại một nghịch lý là số lượng đánh bắt hàng năm luôn tăng lên. Nhưng, nhiều DN chế biến thủy hải sản trên địa bàn thành phố lại phải luôn đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu. Thời điểm này đang là khoảng thời gian đánh bắt chính trong năm.
Trên lý thuyết, nguồn nguyên liệu cho chế biến thủy hải sản vì thế cũng sẽ tương đối dồi dào. Nhưng, dạo quanh một vòng các DN chế biến thủy hải sản ở khu vực phường Thọ Quang, quận Sơn Trà đều đang lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu. Nhiều DN đang chạy đôn, chạy đáo để tìm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, bảo đảm đơn hàng đã ký với các đối tác.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại & Thủy sản Thuận Phước cho biết, từ lâu nay chúng tôi luôn phải cạnh tranh với các thương lái Trung Quốc để thu mua nguyên liệu. Thông thường, các thương lái đến từ Trung Quốc mua theo kiểu cào bằng, chú trọng về số lượng.
Ví dụ, đối với các sản phẩm tôm, họ ít khi kiểm tra tôm có kháng sinh hay không. Trong khi đó, đối với các DN Việt Nam như, CTCP Thương mại & Thủy sản Thuận Phước hầu hết đang xuất khẩu sang các thị trường “khó tính”, đòi hỏi sự khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc của nguyên liệu như, EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…
Với nhiều rào cản về kỹ thuật đã được các thị trường này thiết lập nên, yêu cầu các DN trong nước phải bảo đảm về đầu vào nguyên liệu, với 100% không tồn dư kháng sinh. Đặc biệt, về phía người dân không ít người chấp nhận chạy theo số lượng, “tiền tươi” khi tự nhận tôm của mình có sử dụng kháng sinh để bán tôm cho thương lái Trung Quốc. Tiếp tay cho thương lái nước ngoài là đội ngũ đầu nậu, sẵn sàng lùng sục, chạy đua với DN trong nước tranh mua nguồn nguyên liệu cho thương lái nước ngoài, hưởng chênh lệch…
Khó khăn về đầu vào nguyên liệu đã và đang ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy hải sản tại TP. Đà Nẵng, cũng như nhiều địa phương khác ở khu vực miền Trung. Đơn cử, tại TP. Đà Nẵng 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Đà Nẵng chỉ đạt khoảng 90 triệu USD. Con số này chưa tương xứng với những tiềm năng vốn có về khai thác, chế biến thủy hải sản ở địa phương.
Để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất, hiện nay nhiều DN chế biến, xuất khẩu thủy sản đã tăng cường kết nối trực tiếp với ngư dân cũng như các hộ nuôi trồng thủy, hải sản. Ngoài ra, các DN còn lên phương án tìm nguồn nguyên liệu ở những địa phương có khả năng về khai thác cũng như nuôi trồng thủy hải sản như ở Bình Định, Phú Yên hay Khánh Hòa…
Tuy nhiên, nhìn chung đây mới chỉ là những giải pháp tạm thời, mang tính tự “giải cứu” của các DN. Về lâu dài, để tháo gỡ những khó khăn về nguyên liệu đầu vào cho DN chế biến, xuất khẩu thủy sản, rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm hơn nữa của các cơ quan chức năng. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu thủy hải sản một cách bền vững. Đồng thời, tăng cường kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa ngư dân và DN.