Tín dụng chính sách đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo
Vị đắng và sự ngọt ngào | |
Thắp sáng vùng đất học miền Trung | |
Ấm áp từ đồng vốn ngân hàng |
Mục đích của Hội thảo nhằm hướng đến tổng kết 15 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và kỷ niệm 15 năm ngày thành lập NHCSXH.
TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo |
Theo TS. Dương Quyết Thắng – Tổng giám đốc NHCSXH, cách đây 15 năm, ngày 4/10/2002, NHCSXH được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Từ khi thành lập đến nay, NHCSXH đã xây dựng và hoàn thiện được bộ máy điều hành tác nghiệp làm nhiệm vụ thường trực, tổ chức điều hành quản lý vốn thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, với mạng lưới hoạt động phủ khắp toàn quốc, tới tận cấp huyện.
“Trải qua 15 năm xây dựng – phát triển, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chung sức, chung lòng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò là đòn bẩy kinh tế quan trọng của Nhà nước trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Thực tiễn hoạt động của NHCSXH đã và đang minh chứng cho sự phát triển vững mạnh và hoạt động ngày càng có hiệu quả của kênh tín dụng chính sách đặc thù ở Việt Nam” – TS. Dương Quyết Thắng khẳng định.
Cập nhập số liệu đến ngày 20/9/2017, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 178.992 tỷ đồng, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 167.796 tỷ đồng với 6.707.968 hộ đang vay vốn. Về chất lượng tín dụng, nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.416 tỷ đồng, chiếm 0,45% tổng dư nợ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, sau 15 năm củng cố và phát triển với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống, NHCSXH đã cơ bản thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và ngành Ngân hàng giao phó.
Thành công của NHCSXH đó là đã huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách với cơ cấu nguồn vốn chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn tự huy động, giảm dần tỷ lệ vốn cấp từ NSNN, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, mặc dù có những thời điểm khó khăn nhưng nguồn vốn tín dụng chính sách thời gian qua đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của NHCSXH còn một số vấn đề đặt ra cần nghiên cứu, thảo luận để tìm những giải pháp hỗ trợ, đổi mới như: Nguồn vốn cho vay còn thiếu so với nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng. Việc bố trí nguồn vốn để thực hiện tín dụng chính sách còn chưa kịp thời và còn có khoảng cách lớn giữa nhu cầu vốn của các chương trình an sinh xã hội do Nhà nước giao cho NHCSXH thực hiện với thực tế vốn được bố trí trong kế hoạch NSNN hàng năm; Còn thiếu cơ chế gắn kết thống nhất và hiệu quả để lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án kinh tế xã hội, giữa hoạt động tín dụng của NHCSXH với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao công nghệ… của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, làm giảm hiệu quả xóa đói, giảm nghèo bền vững; Sự kết hợp giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại để hỗ trợ hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác chưa chặt chẽ…
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, để hoàn thành mục tiêu chiến lược này đòi hỏi phải thực hiện được một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Củng cố và hoàn thiện thêm một bước phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách và mô hình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách; Đánh giá lại hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách thực hiện nay để có định hướng thực hiện trong thời gian tới theo hướng kết thúc những chương trình đạt hiệu quả thấp và tập trung cho vay các chương trình đạt hiệu quả cao, có nhiều đối tượng thụ hưởng, tránh cho vay dàn trải trong điều kiện NSNN còn nhiều khó khăn và chuẩn nghèo ngày càng toàn diện; Cần gắn kết tín dụng chính sách với tín dụng thương mại nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khi hết thời gian vay vốn ưu đãi có thể tiếp cận ngay với nguồn vốn tín dụng thương mại. Như thế mới giúp họ ổn định làm ăn và thoát nghèo bền vững.