Tôn vinh “Mẹ xứ sở” dân tộc Chăm
Mới đây, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Khánh Hòa đã công bố quyết định của Bộ VH-TT&DL chính thức công nhận lễ hội Tháp Bà Ponagar (Nha Trang) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là một trong những lễ hội có tính chất tôn giáo lớn nhất ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên của cộng đồng người Chăm và cũng là lễ hội dân gian lớn nhất trong năm của dân tộc Chăm ở tỉnh Khánh Hòa để tưởng nhớ nữ thần Po Inư Nưgar (tên gọi khác là Ponagar) - người đã có nhiều công lao giúp dân, đem lại những điều tốt lành và hạnh phúc cho mọi người.
Rất đông người dân và du khách về dự lễ hội Tháp Bà Ponagar 2013
Các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa nhận định, khoảng từ giữa thế kỷ XVII đến nay, nghi lễ thờ cúng “Mẹ xứ sở” luôn được người Chăm và người Kinh tổ chức chu đáo tại Tháp Bà Ponagar. Năm 1653, những người dân Việt từ phía Bắc, theo chúa Nguyễn vào phương Nam mở cõi, dừng chân bên cửa sông Cái (Nha Trang), tạo lập nên làng mạc, xóm thôn… Và chính họ đã mang theo phong tục thờ cúng Mẫu của người Kinh ở đồng bằng Bắc bộ vào đây.
Hàng năm, cứ đến ngày 20/3 âm lịch, người Chăm, người Kinh ở khắp nơi trong vùng, mang theo lễ vật, hành hương về Tháp Bà Ponagar Nha Trang, thành tâm bày tỏ lòng biết ơn đối với một nhân vật đã có công chỉ dạy dân lành biết cách làm ăn, sinh sống bằng nghề nông.
Theo truyền thuyết, Ponagar là vị thần từ cõi Trời xuống trần gian. Bà có 97 người chồng, 36 người con. Nữ thần có nhiều tên gọi khác nhau như: Po Inư Nưgar (thần Mẹ xứ sở), Po yang Inư Nưgar Taha (thần Mẹ lớn xứ sở), Muk Juk (Bà Đen), Pataw Kamei (Vua của đàn bà), Bahagavati vari (Nữ thần Mẹ lớn Linga – Shiva)…
Khi Bà La Môn giáo xuất hiện ở Champa, người Chăm Bà La Môn giáo đã đồng nhất Po Inư Nưgar với Nữ thần Uma – vợ thần Shiva trong Bà La Môn giáo của người Ấn Độ. Về sau, người Chăm Bà ni lại cho rằng Bà là con gái của Âu Loa Hú (thượng đế).
Nữ thần Po Inư Nưgar chính là biểu tượng linh thiêng nhất của người Chăm về Mẹ. Ngày nay các huyền thoại, truyền thuyết, kiến trúc… về nữ thần vẫn còn tồn tại và in đậm trong đời sống nhân dân.
Trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với văn hóa Ấn Độ đã có sự hòa nhập giữa vị thần Bhavapara (Uma – vợ của thần Shiva) của Ấn giáo với nữ thần bản địa Po Inư Nưgar của người Chăm và sau này còn được Hồi giáo Bà ni hóa nữa. Kết quả của quá trình tiếp biến văn hóa đó, Po Inư Nưgar được các triều đại vua Champa ở vùng Kauthara (Nha Trang) tôn thờ ở vị trí tối cao.
Nữ thần Po Inư Nưgar hiện diện trong tâm thức người Chăm như một vị thần tối thượng sinh ra mọi thứ từ vũ trụ đến đất đai, cây cối, lúa gạo và cả con người. Bà lại là nữ thần Mẹ của xứ sở che chở cho người Chăm và giúp họ tồn tại. Bà còn là hiện thân của nữ thần Nông nghiệp trong tâm thức dân gian của cư dân nơi này.
Do vậy đối với người Chăm, Po Inư Nưgar là vị thần tối thượng toàn năng, là đấng sáng tạo, bảo vệ cái thiện và hủy diệt những điều xấu, điều ác. Vì thế trong hầu hết các nghi lễ, nữ thần Po Inư Nưgar luôn được người Chăm cầu xin ban phước và bảo vệ. Trong nhiều thế kỷ trước cho đến nay, người Chăm vẫn luôn tôn thờ một “Mẹ xứ sở” của từng thôn làng họ.
Theo ông Trần Mạnh Cường - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa, Tháp Bà Ponagar đã tồn tại 1.200 năm và đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1979. Lễ hội Tháp Bà Ponagar hôm nay được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tồn tại gắn liền với di tích.
Điều này được chứng minh khi vào mỗi dịp lễ hội, người Chăm, người Kinh ở khắp nơi mang theo lễ vật, hành hương về đây để thành tâm tỏ lòng biết ơn đối với “Mẹ xứ sở”. Điều này làm toát lên vẻ đẹp truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm khu vực Nam Trung bộ cũng như cả nước.
Năm nay, lễ hội Tháp Bà Ponagar đã diễn ra với nhiều nghi thức trang trọng như: lễ mộc dục (thay xiêm ý cho tượng), lễ cầu siêu và thả hoa đăng, lễ cầu “Quốc thái, dân an”, lễ tế cổ truyền, dâng hương lễ Mẫu, lễ hoàn kinh, cúng ngọ…
Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống như: múa bóng, hát văn, diễn tuồng, trình diễn nghệ thuật gốm và dệt thổ cẩm của người Chăm... Một du khách đến từ Hà Nội tham dự lễ hội Tháp Bà Ponagar 2013 bày tỏ: “Tôi đến Nha Trang nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tham dự lễ hội Tháp Bà Ponagar. Lễ hội có nhiều nét văn hóa truyền thống rất độc đáo cần lưu giữ và phát huy”.
Theo ban tổ chức lễ hội Tháp Bà Ponagar 2013, năm nay có khoảng hơn 60.000 lượt khách hành hương. Điều này khẳng định lễ hội Tháp Bà Ponagar luôn có sức sống mãnh liệt, trường tồn với con người và thời gian.
Bài và ảnh Quỳnh Hoa