Trung hòa hóa dòng ngoại tệ
Thấy gì qua diễn biến tỷ giá | |
Bớt nỗi lo tỷ giá cuối năm | |
Chính sách điều hành tỷ giá: Bước tiến dài trong chống đô la hóa |
Đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, việc thu hút ngoại tệ qua các nguồn như kiều hối, đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, vay thương mại, ODA… có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việt Nam là nước nhập siêu, cán cân vãng lai thường xuyên thâm hụt, tỷ lệ vốn tính bình quân đầu người lao động là thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Xét trên góc độ thị trường tài chính, dòng ngoại tệ chảy vào Việt Nam, qua kênh kiều hối, đầu tư gián tiếp dường như là một nguồn cung tiền làm gia tăng tổng phương tiện thanh toán.
Lượng ngoại tệ này thường chiếm khoảng trên dưới 15% tổng phương tiện thanh toán và đóng góp không nhỏ cho việc cải thiện cán cân thanh toán. Ngoài ra nó còn làm tăng nguồn vốn cho các NHTM, trong bối cảnh thiếu vốn như hiện nay, điều này càng trở nên có ý nghĩa hơn trong việc giảm cạnh tranh lãi suất giữa các NHTM.
Theo số liệu của NHNN, chỉ trong quý II/2016 lượng ngoại tệ vào đã làm tăng dự trữ ngoại hối 3,2 tỷ USD. Điều đó phần nào giải thích tại sao tỷ giá từ đầu năm đến nay lại giảm 0,92%.
Ảnh minh họa |
Chính vì vậy, ngay từ khi mở cửa, Nhà nước Việt Nam đã rất chú trọng thu hút nguồn vốn nước ngoài. Trong đó đáng chú ý là lượng kiều hối ngày càng gia tăng qua các năm, nếu năm 2006 chỉ thu hút được 6,8 tỷ USD kiều hối thì năm 2015 lượng kiều hối chuyển về Việt Nam khoảng 13 tỷ USD tăng 8% so với năm trước đó. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 10 tháng đầu năm 2016 cả nước thu hút được 2.061 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 12,265 tỷ USD, giải ngân 12,7 tỷ USD tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lượng ngoại tệ chảy vào nhiều nếu thiếu sự kiểm soát sẽ gây ra những bất ổn cho nền kinh tế, như lạm phát gia tăng, bởi dòng tiền vào sẽ làm tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng sức mua trong nước và nguy hiểm hơn là khi các NHTM dư thừa nhiều nguồn vốn sẽ đẩy mạnh cho vay, bằng việc nới lỏng các điều kiện vay vốn, qua đó làm tăng lạm phát, tăng nợ xấu, an toàn hệ thống NH bị đe dọa. Thực tế này cũng đã diễn ra ở thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn trước, rõ nhất là giai đoạn 2006-2008.
Từ bài học thực tiễn đó, đến nay NHNN đã có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ dòng ngoại tệ vào Việt Nam, qua việc cải thiện hệ thống thống kê tiền tệ, nắm bắt kịp thời dòng ngoại tệ vào - ra, sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hút tiền vào để trung hòa hóa dòng ngoại tệ vào Việt Nam, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng của các NHTM, do vậy mà hạn chế được những tác động tiêu cực của dòng ngoại tệ vào Việt Nam.
Điều này được minh chứng qua kết quả về chỉ số CPI tháng 10 chỉ tăng 4% so với tháng 12/2015 và 10 tháng chỉ tăng 2,27% so với cùng kỳ 2015, trong đó tác động của yếu tố tiền tệ đến lạm phát, thể hiện qua chỉ số lạm phát cơ bản tháng 10 chỉ tăng 1,86% so với cùng kỳ năm 2015 và 10 tháng tăng 1,82%. Chỉ số giá đến tháng 10 năm nay tăng 4%, chủ yếu chịu tác động bởi việc gia tăng giá thuốc và dịch vụ y tế (tăng 46,84% so với cuối năm 2015).
Có thể nói, việc điều hành chính sách tiền tệ đã có thể kiểm soát hiệu quả tác động của yếu tố tiền tệ, bao gồm cả dòng vốn ngoại tệ đến lạm phát. Việc kiểm soát tốt lạm phát đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ với việc kiểm soát tính độc quyền về giá ở số mặt hàng có ảnh hưởng đến đời sống của người dân, như giá thuốc và giá dịch vụ y tế…